Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đặc sản vùng miền đổ bộ siêu thị, người tiêu dùng thích thú

(VTC News) -

Xu hướng đặc sản vùng miền ngày càng tập trung nhiều ở các siêu thị đã khiến người tiêu dùng không phải đi du lịch xa vẫn có thể mua để thưởng thức.

Vốn là người yêu thích du lịch, ham thích trải nghiệm, khám phá các vùng quê xa xôi, chị Nguyễn Yến (Hai Bà Trưng, Hà Nội) mỗi khi đi đến tỉnh nào cũng thường mua các đặc sản về làm quà hoặc để tự thưởng thức. Tuy nhiên, không phải bất cứ đặc sản nào chị Yến cũng có thể thuận tiện mua mang về.

"Bún mắm nêm ăn ở Huế cực kỳ ngon, nhưng lúc trở về Hà Nội mà mua mắm nêm thì rất bất tiện. Có đợt đi Bình Định thích bánh tráng quá, tôi cũng không xách theo lỉnh kỉnh được vì cả nhà phải đi nhiều tỉnh khác nữa", chị Yến chia sẻ.

Để giải quyết vấn đề thèm ăn món ngon của các vùng miền, chị Yến chọn cách tìm tới các cửa hàng, siêu thị chuyên bán đặc sản vùng miền. "Mua đặc sản ở siêu thị thuận tiện là dĩ nhiên rồi, nhưng quan trọng nhất là mình biết nguồn gốc rõ ràng, có hạn sử dụng, an tâm về vệ sinh an toàn thực phẩm", chị Yến nói.

Đặc sản vùng miền ngày càng xuất hiện nhiều trong các siêu thị. (Ảnh minh họa)

Theo quan sát, tại các cửa hàng tiện lợi, những siêu thị lớn trên cả nước hiện nay, bên cạnh những mặt hàng ngoại nhập còn xuất hiện trên kệ nhiều món ngon đặc sản vùng miền như nước mắm Phú Quốc, tỏi Lý Sơn, gia vị chẩm chéo Tây Bắc, hạt điều Bình Phước, mè xửng/mắm nêm Huế, bánh tráng Tây Ninh, đường thốt nốt An Giang, bánh cốm Hà Nội…

Xu hướng đặc sản vùng miền ngày càng tập trung nhiều ở các siêu thị đã khiến người tiêu dùng rất thích thú. "Nếu không đến siêu thị, chắc tôi không biết đến khi nào mới được nếm món rắn khô của An Giang. Dù rất thích món này nhưng tôi vẫn chưa thể đi du lịch đến địa phương này được. Tuy nhiên, bây giờ, chỉ cần đi siêu thị, tôi đã có thể được thưởng thức đặc sản này", chị Kim Hằng ở Cầu Giấy, Hà Nội nói.

Còn chị Mai Lan ở Thanh Xuân, Hà Nội thì lại tỏ sự thích thú khi việc mua sắm ở siêu thị đã giúp chị biết đến nhiều hơn các đặc sản độc lạ của vùng miền. 

Nắm bắt nhu cầu này, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ đặc sản các vùng miền, phục vụ người tiêu dùng, hiện nay nhiều hệ thống siêu thị lớn trên cả nước đã nỗ lực kết nối, mang những đặc sản thơm ngon ở miền xa về đặt bán lên kệ hàng sạch đẹp. Phát triển đặc sản vùng miền không chỉ là nỗ lực riêng lẻ của từng doanh nghiệp, mà còn nằm trong chiến lược mang tầm quốc gia.

Mới đây tại hội nghị "Tuyên truyền, quảng bá hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, hải đảo năm 2022", vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã cho biết, chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020 đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đồng thời đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực này.

Để tiếp tục thúc đẩy hoạt động, Thủ tướng cũng đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu được đưa ra là phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9 - 11% hằng năm. Ngoài ra còn phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực.

Ông Hoàng Văn Dự - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cũng chia sẻ nhiều sản phẩm có giá trị, cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã được tạo ra từ hoạt động sản xuất tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Việc này không chỉ đáp ứng nhu cầu tại địa phương mà còn được đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.

Lấy ví dụ vải Lục Ngạn, xoài tròn Yên Châu, nhãn Sông Mã...không chỉ trở thành món hàng quen thuộc ở các siêu thị mà còn được xuất khẩu thành công sang Mỹ, Nhật, Úc, châu Âu...góp phần nâng cao giá trị sản xuất và giúp nông dân tăng thu nhập.

Hạo Nhiên

Tin mới