Thời gian qua, số ca COVID-19 ở Việt Nam liên tục đạt đỉnh mới, riêng ngày 27/2 lên tới 86.000 ca. Ca mắc tăng nhưng tỷ lệ tử vong và ca bệnh nặng không tăng, trong khi tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam cao, nhiều ý kiến cho rằng nên coi COVID-19 như cúm mùa. Quan điểm này có thích hợp trong hoàn cảnh hiện nay?
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Bộ đã làm việc với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và được biết, Việt Nam coi COVID-19 là bệnh đặc hữu bây giờ là quá sớm. “Hiện dịch bệnh còn rất phức tạp, chúng ta không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch”, ông Tuyên cho hay.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Hà Nội.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam bày tỏ, COVID-19 đang được Bộ Y tế xếp vào các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (nhóm A). Hiện chưa thể coi bệnh này là đặc hữu hay bệnh cúm thông thường. Với tình hình như hiện nay, coi COVID-19 như một bệnh truyền nhiễm thông thường có thể dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống y tế.
“Tuy tỷ lệ F0 bệnh nặng và tỷ lệ tử vong ở nước ta gần đây không tăng, nhưng nếu ca bệnh tăng thì kéo theo các ca nặng và nhập viện tăng theo, gây quá tải hệ thống y tế. Do đó, chúng ta chưa thể coi COVID-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường được”, ông Phu nói.
Một lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ cđã giao cho các đơn vị xem xét, nghiên cứu xem có nên đưa COVID-19 ra khói danh sách các bệnh truyền nhiễm nhóm A hay không. Song để làm được điều này cần đáp ứng rất nhiều điều kiện như thuốc men, các biện pháp phòng ngừa và vaccine... "Đây là vấn đề rất quan trọng, mang tính quốc gia, cần phải nghiên cứu kỹ. Việc các chuyên gia lên tiếng coi COVID-19 là bệnh đặc hữu là có cơ sở, nhưng để đạt được điều đó thì Bộ phải xem xét trên phương diện cơ sở khoa học và cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Tất nhiên, chúng tôi vẫn đang nghiên cứu và sẽ có báo cáo", vị này nói.
Một số chuyên gia cũng cho rằng vẫn còn quá sớm để coi COVID-19 như cúm mùa thông thường. Để làm được điều đó phải tính toán tới rất nhiều yếu tố, trong đó, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế trước dịch bệnh là rất quan trọng. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam vẫn đang rất khó lường, vì vậy, hiện chưa thể coi COVID-19 như cúm mùa.
Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 3.321.005 ca COVID-19, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 33.619 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ 27/4/2021), Việt Nam thêm 3.313.653 ca COVID-19, trong đó 2.409.095 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Đến nay, nước ta tiêm được 193.408.292 liều vaccine phòng COVID-19. Trong đó, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 176.651.604 liều (mũi 1: 70.856.765 liều; Mũi 2: 67.205.932 liều; Mũi 3: 1.442.190 liều; Mũi bổ sung: 13.699.350 liều; Mũi nhắc lại: 23.447.367 liều). Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.756.688 liều (Mũi 1: 8.621.505 liều; Mũi 2: 8.135.183 liều)