Làm thủ tục cho khách hàng vay vốn tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt. (Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)
Theo đó, ngay trong ngày đầu tiên của tháng 11, ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất hệ thống - Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) đã niêm yết biểu lãi suất mới giảm 0,3 - 0,5%/năm tại tất cả các kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất tại PVcomBank hiện chỉ còn 10,5%/năm thay vì mức 11%/năm như trước đó.
Để hưởng lãi suất này, người gửi tiền phải đạt đủ điều kiện là tiền gửi tại quầy kỳ hạn 12 - 13 tháng và số dư huy động mở mới đạt tối thiểu 2.000 tỷ đồng. Nếu số dư dưới 2.000 tỷ đồng, lãi suất PVcomBank áp dụng chỉ 5,7% và 5,9%/năm lần lượt cho kỳ hạn 12 và 13 tháng.
Lãi suất các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại PVcomBank cũng giảm từ mức 4,25%/năm xuống còn 3,95%/năm; kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng giảm từ 5,9%/năm xuống còn 5,6%/năm.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), ngân hàng có mức lãi suất huy động cao thứ 2 chỉ sau PVcomBank, cũng đã điều chỉnh giảm biểu lãi suất từ 0,2 - 0,6%/năm.
Động thái này đưa lãi suất huy động cao nhất tại HDBank từ mức 8,9%/năm xuống còn 8,6%/năm áp dụng cho tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng, số dư từ 300 tỷ đồng trở lên, dưới mức này lãi suất chỉ 5,9%/năm.
Tương tự, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của HDBank dành cho số dư tiền gửi từ 300 tỷ đồng trở lên cũng giảm từ 8,4%/năm xuống còn 8,2%/năm; gửi dưới 300 tỷ đồng, lãi suất chỉ còn 5,7%/năm.
So với đầu tháng 10/2023, lãi suất các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại HDBank đã giảm 0,4%/năm, xuống còn 3,55%/năm; kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng giảm 0,4 - 0,6%/năm xuống còn từ 5,4 - 5,5%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), lãi suất các kỳ hạn 6 - 8 tháng vừa giảm thêm 0,2%năm xuống còn dao động từ 5,55 - 5,65%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 9 - 12 tháng giảm 0,3%/năm xuống còn từ 5,65 - 5,75%/năm.
Đối với tiền gửi kỳ hạn từ 18 - 24 tháng, BVBank cũng giảm thêm 0,25%/năm xuống mức 5,9%/năm.
Tại 4 ngân hàng lớn gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), tuy chưa có sự điều chỉnh nào đối với lãi suất huy động tháng 11 nhưng mức lãi suất hiện nay đã thấp hơn hồi đầu tháng 10 từ 0,2 - 0,4%/năm.
Trong số này, Vietcombank đang huy động ở mức thấp nhất với lãi suất kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng chỉ từ 2,8 - 3,1%/năm; kỳ hạn 6 - 9 tháng là 4,1%/năm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất chỉ 5,1%/năm.
Ở 3 ngân hàng còn lại, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng dao động từ 3 - 3,3%/năm; kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng là 4,3%/năm và từ 12 tháng trở lên là 5,3%/năm.
Xét chung toàn hệ thống, ngoài PVcomBank và HDBank, các ngân hàng niêm yết lãi suất huy động cao nhất còn có Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)...
Trong tháng 10, hầu hết các ngân hàng đều hạ lãi suất huy động, có nơi hạ tới 2 - 3 lần như tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank)...
Đáng chú ý, lãi suất huy động tại LPBank sau 2 lần điều chỉnh đã giảm mạnh tới 1,2%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, 1,1%/năm với tiền gửi 9 tháng và 0,8%/năm với tiền gửi 12 tháng.
Lãi suất ngân hàng giảm sâu theo lý thuyết sẽ kéo theo hiện tượng dịch chuyển dòng tiền giữa các kênh đầu tư. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng dịch chuyển ít hay nhiều còn phụ thuộc độ am hiểu và “khẩu vị” rủi ro của từng nhà đầu tư.
Bà Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng, đa dạng hóa các kênh đầu tư, dịch chuyển dòng tiền từ lĩnh vực có tỷ lệ sinh lời thấp sang tỷ lệ sinh lời cao là điều tất yếu. Nhưng nhà đầu tư cần trang bị những kiến thức tài chính, kinh tế nhất định, đảm bảo sự cân đối giữa mức sinh lời và nguy cơ rủi ro của từng kênh đầu tư và tuân thủ nghiêm ngặt chiến lược rủi ro, “khẩu vị” rủi ro khi đầu tư.
Cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, số dư tiền gửi của dân cư vào hệ thống tổ chức tín dụng tính đến tháng 8/2023 đạt trên 6,43 triệu tỷ đồng, tăng mạnh 9,68% so với cuối năm ngoái. Riêng trong tháng 8, có thêm hơn 40.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi gửi vào hệ thống ngân hàng bất chấp xu hướng lãi suất huy động liên tục giảm mạnh từ đầu năm đến nay.
Theo dự báo của các chuyên gia, lãi suất huy động từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm, nhưng biên độ giảm sẽ không quá lớn.