Bà Merkel bảo vệ chính sách của mình trong việc ủng hộ thương mại với Moskva. Bà nói rằng châu Âu và Nga là láng giềng và không thể phớt lờ nhau.
Cựu Thủ tướng cũng cho biết bà đã cố gắng rất nhiều khi còn đương nhiệm để ngăn chặn tình hình Ukraine diễn biến như hiện nay. Về thỏa thuận Minsk năm 2014 với Nga, bà nói: “Đó là một điều rất đáng buồn, nhưng tôi không có gì để trách bản thân”.
Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: Reuters)
Bà Merkel cùng nước Đức đi đầu trong quá trình phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga năm 2014, sau khi Moskva sáp nhập Crimea. Bà cho rằng thỏa thuận Minsk đã xoa dịu tình hình và cho Ukraine thời gian để trở thành như ngày nay.
"Điều gì sẽ xảy ra nếu năm 2014 không ai quan tâm và Putin cứ thế tiếp tục? Tôi không muốn biết chút nào", Cựu Thủ tướng Merkel bình luận.
Bà tiếp tục chỉ trích hành động của Nga ở Ukraine, đồng thời nói thêm về việc đã phản đối để Kiev gia nhập NATO. Theo Merkel, bà muốn ngăn chặn leo thang với Nga, và Ukraine khi đó chưa sẵn sàng.
"Đó không phải là Ukraine chúng ta biết ngày nay... mà là một quốc gia không ổn định, đầy rẫy tham nhũng", cựu Thủ tướng nói.
Bà Merkel lớn lên ở vùng Đông Đức trước đây và nói thông thạo tiếng Nga. Bà hứng chịu nhiều lời chỉ trích từ Mỹ và các nước khác vì ủng hộ dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 - theo kế hoạch được thiết kế để Nga cung cấp khí đốt trực tiếp cho Đức.
Theo Merkel, bà đã vật lộn với những câu hỏi về Liên Xô cũ trong suốt thời gian cầm quyền, nhưng chưa bao giờ có thể kết thúc Chiến tranh Lạnh.
“Đơn giản là chúng ta đã không thành công trong việc tạo ra một cấu trúc bảo mật để ngăn chặn điều đó”, bà nói.
Merkel, một người bảo thủ, đưa ra tuyên bố ngắn gọn ngay sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2. Sau đó, bà gần như im lặng.
Vào tháng 4, bà Merkel bị chỉ trích vì đến thăm Italia thay vì nhận lời mời đến Ukraine, sau khi có tin tức về vụ dân thường bị sát hại ở Bucha, gần Kiev. "Được mời đến Bucha nhưng lại đến Florence", tiêu đề một bài tường thuật trên tờ Bild của Đức viết.
Merkel nói bà biết chuyến đi sẽ gây tranh cãi, nhưng muốn thể hiện rõ rằng mình không còn là thủ tướng. "Đối với tôi, chuyến đi này rất quan trọng trong quá trình tách khỏi chính trị”.