Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cứu sống người đàn ông tim đã ngừng đập 45 phút

Người đàn ông 66 tuổi được đưa đến Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu khi tim đã ngừng đập 15 phút, mạch và huyết áp bằng 0.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Tới, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất- TP.HCM, nhớ lại thời điểm ấy, gần 12h đêm 17/9. Người nhà cho biết bệnh nhân bị tăng huyết áp, bệnh mạch vành mạn tính điều trị không liên tục. Các bác sĩ nghi ngờ ông bị ngưng tim, ngưng thở do nhồi máu cơ tim cấp.

Kíp trực kích hoạt báo động đỏ nội viện, hồi sức tim phổi bệnh nhân tại chỗ. Chỉ trong vài phút, các bác sĩ, điều dưỡng hỗ trợ, người đặt nội khí quản cho bệnh nhân thở máy, người nhồi ép tim, người truyền thuốc vận mạch... 30 phút trôi qua, các dấu hiệu sinh tồn trên màn hình monitor vẫn nằm ngang.

Bệnh nhân đã ngưng tim 45 phút. Trong thời điểm mọi nỗ lực tưởng chừng vô vọng, bác sĩ Tới nói rằng lúc ấy kíp cấp cứu đã nghĩ đến "phải buông tay", thì đột nhiên trên màn hình monitor xuất hiện nhịp tim rời rạc rồi rối loạn nghiêm trọng. Các bác sĩ quyết định sốc điện chuyển nhịp tim kết hợp dùng thuốc điều trị loạn nhịp.

Sau rất nhiều lần sốc điện, tim bệnh nhân bắt đầu đập lại, có huyết áp nhưng thấp. Đo điện tâm đồ, các bác sĩ chẩn đoán đây là cơn nhồi máu cơ tim cấp nên kích hoạt hệ thống can thiệp tim mạch. Cùng lúc ê kip can thiệp tim sẵn sàng chụp và can thiệp mạch vành cấp cứu cho bệnh nhân.

Hình ảnh trước và sau khi can thiệp cho thấy dòng máu vào tim bệnh nhân đã thông suốt. (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Tim mạch Cấp cứu và Can thiệp, cho biết lúc ấy người bệnh đã có các dấu hiệu sinh tồn song hai bên đồng tử giãn 6 mm, mất hoàn toàn phản xạ ánh sáng. Bệnh nhân có nguy cơ phù não, chết não. Nếu như vậy, việc can thiệp cứu được tim không còn ý nghĩa. Bệnh nhân sẽ tử vong ngay nếu dừng máy thở. Bác sĩ chỉ định chụp CT não, kết quả loại trừ được nguy cơ đột quỵ não, chết não.

Kết quả chụp mạch vành DSA khẳng định chẩn đoán ban đầu nhồi máu cơ tim là chính xác. Ba nhánh động mạch vành tim đều hẹp rất nặng, trong đó hai nhánh lớn tắc hoàn toàn khiến máu nuôi tim không đủ, gây nhồi máu cơ tim cấp. Tìm ra nguyên nhân, ê kip can thiệp tim tiến hành đặt stent tái thông nhánh mạch vành bị tắc, phục hồi cung cấp máu vùng cơ tim nhằm hạn chế tổn thương đang tiến triển. Bệnh nhân tiếp tục được hồi sức nâng cao, thở máy kết hợp điều trị nội khoa.

Khoảng hai giờ sau can thiệp, người đàn ông tỉnh lại ngoạn mục, cử động nhẹ được ngón tay. 24 giờ tiếp theo, bác sĩ gọi hỏi bệnh nhân biết đáp ứng. Ba ngày sau, ông được rút máy thở, phục hồi tri giác và vận động.

Bệnh nhân bắt tay cảm ơn bác sĩ Tân, chiều 24/9. (Ảnh: Thư Anh)

Đến hôm nay bệnh nhân tỉnh táo, đi lại, ăn uống gần như bình thường. Ngực ông vẫn còn đau và bỏng da nhẹ do tác dụng phụ của sốc điện hồi sức tim. Vài ngày tới, ông có thể xuất viện. Tuy nhiên, bác sĩ khuyên ông nên ở lại bệnh viện điều trị dứt điểm hai nhánh mạch vành hẹp còn lại để ngăn ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát.

Theo bác sĩ Tân, trường hợp ngưng tim ngoại viện được cứu sống như bệnh nhân này "rất hy hữu". Bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn khiến bác sĩ rất kinh ngạc.

Bệnh nhân cho biết, trước lúc khởi phát cơn đột quỵ, ông vẫn rất khỏe mạnh, tự dọn dẹp phòng, sửa chữa mái nhà, làm việc trên máy tính. Đến khi gục xuống bàn làm việc, ông không nhớ gì nữa.

"Tôi đã từng chết rồi. Giờ khỏe lại, tôi vẫn không thể tin mình có thể từ cõi chết trở về. Cảm ơn các bác sĩ đã dốc lòng cứu chữa cho tôi", người đàn ông nói.

Bác sĩ Tân khuyên người dân, đặc biệt người cao tuổi, có yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, rối loạn chuyển hóa lipid máu, béo phì... nên tầm soát bệnh mạch vành định kỳ. Người đã được chẩn đoán bệnh mạch vành cần tuân thủ điều trị, tái khám đầy đủ để được bác sĩ kiểm tra sức khỏe, tư vấn phương pháp điều trị và theo dõi bệnh hiệu quả.

Tháng 8/2016, các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất cũng cứu một cụ bà 70 tuổi chỉ còn 2% sự sống, được một bệnh viện khác trả về nhà chuẩn bị hậu sự.

Nguồn: VnExpress

Tin mới