Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Gặp người phụ nữ sống lại sau ba tuần chết lâm sàng

Sau ca mổ u não, chị hôn mê suốt 20 ngày. Bệnh viện khuyên chuyển xuống “phòng đại thể” (cạnh nhà xác), gia đình đã đi đặt chỗ trong nhà tang lễ, thì bỗng dưng…

Sau ca mổ u não, chị hôn mê suốt 20 ngày. Bệnh viện khuyên chuyển xuống “phòng đại thể” (cạnh nhà xác), gia đình đã đi đặt chỗ trong nhà tang lễ, thì bỗng dưng… chị tỉnh lại.

Đó là chuyện chị Vũ Thị Hải, bà chủ nhỏ của một quầy tạp hoá – in ấn trong con ngõ 107 phố Lĩnh Nam (phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội).



“Xí chỗ trong nhà tang lễ, sao mãi không thấy qua”?



Đầu năm 2008, những cơn đau đầu thi thoảng hành hạ chị. Có hôm đau quá, chị phải tự đập đầu mình vào tường mong làm dịu cơn đau. Đi khám nhiều nơi nhưng bác sĩ chỉ bảo “bệnh tiền đình”.



Bức ảnh chị Hải chụp với gia đình sau khi xuất viện. Lúc này đầu chị đã rụng hết tóc, nên phải mua tóc giả đội vào (chụp lại từ ảnh gia đình). 

Tháng 10 năm đó, thấy chị ngoài chứng hay quên còn kèm những trận động kinh thường xuyên hơn, gia đình quyết định đưa chị đi chụp cộng hưởng từ. Kết quả khiến chồng chị chết điếng, còn chị nghe xong thì lăn ra ngất: u não.



Các bác sĩ một số bệnh viện hàng đầu khuyên mổ ngay, có người bảo phải đưa sang Singapore may ra cứu kịp. “Sau khi họp gia đình nội ngoại lại, chú tôi là giáo sư Đỗ Đức Vân, nguyên trưởng khoa ở bệnh viện Việt Đức quyết định đưa vào bệnh viện Việt Đức và hứa tìm bác sĩ giỏi về mổ” – chị Hải nhớ lại “Thực ra lúc ấy, nhiều người trong gia đình đã nghĩ đến tình trạng xấu nhất rồi.



 
Con đã mồ côi mẹ từ nhỏ, xin ông trời đừng bắt các con của con lại phải chịu cảnh mồ côi mẹ
Anh Thành, chồng chị Hải
Trước khi tôi lên bàn mổ, chồng tôi cũng đành ký vào giấy không khiếu nại bệnh viện nếu nhỡ…” “Lâm ly” nhất là ngay trước hôm mổ, bà chị gái còn mua cháo lươn ngon nhất chợ Hàng Da để tôi ăn cho toại nguyện”.



Ngày cuối cùng của tháng 10.2008, khi Hà Nội chuẩn bị bước vào giữa đỉnh của trận lụt lịch sử thì chị lên bàn mổ, và ca mổ dài đến mức, khi tỉnh dậy, chị bảo không hề thấy dấu vết gì của cái gọi là trận đại hồng thuỷ vừa đi qua.



Anh Thành, chồng chị kể rằng, ca mổ phức tạp hơn dự đoán vì khi mổ ra thì phát hiện khối u nằm ngay giữa rãnh não, các bác sĩ phải dừng lại để hội chẩn bởi nếu khoét sâu thêm một tí thì chị sẽ chết ngay trên bàn mổ.



Vì thế, bác sĩ chỉ cắt một phần rất nhỏ khối u để mang đi xét nghiệm. “Dẫu vậy, tôi cũng đã bị hôn mê 20 ngày sau ca mổ. Sau này tôi mới được biết, trong thời gian đó, hai nhà nội ngoại đã chuẩn bị xong mọi thủ tục cho tôi… về thế giới bên kia”, chị Hải cười.



Theo lời con trai lớn của chị, trong thời gian đó, “rất nhiều người nhập, rồi lại ra viện, nhưng mẹ thì vẫn nằm yên. Hết bác sĩ ta rồi đến bác sĩ tây vào vạch mắt mẹ để xem giãn đồng tử chưa. Thậm chí, những ngày kế tiếp, vì bệnh viện quá đông nên có người bảo chuyển mẹ xuống “phòng đại thể” (phòng của những người gần đất xa trời, nằm cạnh nhà xác), và gia đình cũng nên tìm nơi an táng”.



“Nghe vậy, nhà chồng bảo phải đưa tôi về chôn cất ở Hưng Yên, quê chồng. Cỗ đám ma cũng đã đặt 45 mâm. Cậu em trai bên chồng thì đặt cọc 10 triệu đồng ở nhà tang lễ Phùng Hưng cho tôi nằm lạnh hai ngày, chờ Hà Nội ngớt mưa thì chuyển thi thể về quê. Chờ một tuần, rồi hai tuần, bên nhà tang lễ thi thoảng lại hỏi em chồng tôi: sao chị dâu cậu mãi không thấy qua?”, chị bật cười khi kể lại câu chuyện này.



Chị Hải cũng cho biết thêm, hai nhà nội ngoại đã thống nhất, vì gia đình chị khó khăn nên thằng lớn ở lại với bố, còn thằng nhỏ sang nhà ngoại để người chị cả nuôi.



Không thôi hy vọng



Tuy vậy, anh Thành – chồng chị Hải dường như chưa bao giờ hết hy vọng. “Mỗi sáng, tôi thường bắt gặp cảnh anh Thành ngửa mặt lên trời mà cầu: “Con đã mồ côi mẹ từ nhỏ, xin ông trời đừng bắt các con của con lại phải chịu cảnh mồ côi mẹ”, chị Liên, hàng xóm của gia đình nhớ lại.



Thế rồi ông trời cũng thấu lời cầu nguyện của anh, khi đúng 20 ngày sau, vợ anh bỗng tỉnh dậy và ăn uống như một “con ma đói”. “Chỉ hai ngày sau đó, tôi đã uống hết hộp sữa Ensure 1kg, nước cam thì chưa hết ly này đã đòi pha ly khác. Tôi háo ăn đến mức, bác sĩ nhắc người nhà “nó mới tỉnh, còn yếu, cho ăn uống vừa thôi” – chị Hải thú thực, từ đó chị bị nghiện sữa này, mãi gần đây mới bỏ được.



Tỉnh dậy một cách thần kỳ sau cơn hôn mê, hơn một tuần sau chị được chuyển sang bệnh viện K trung ương để xạ trị, rồi thêm một tháng điều trị hồi sức ở bệnh viện bộ Nông nghiệp, bây giờ nhìn chị, dù vẫn gầy gò nhưng khuôn mặt lúc nào cũng tươi cười và ánh lên trong đôi mắt một niềm ham sống mãnh liệt.



Chỉ lên tấm ảnh to chụp cả gia đình treo trên tường, chị bảo: “Tóc giả đấy, ảnh đó chụp ngay sau hôm xuất viện, dù đầu trọc vì xạ trị nhưng vẫn quyết đi mua bộ tóc giả 1 triệu để chụp ảnh mừng đoàn tụ với chồng con”.



U não không liên quan đến bệnh tiền đình



TS.BS Lê Văn Trường, trưởng khoa chẩn đoán và can thiệp tim mạch, bệnh viện trung ương quân đội 108 cho biết: U não không liên quan gì đến bệnh tiền đình.



U não rất khó xác định nguyên nhân. Bệnh có thể do nhiễm hoá chất, nhiễm độc, cơ thể tự sinh ra…



Có nhiều dạng: u màng não, u não di căn, u tuyến yên, u tế bào thần kinh… Nếu ở thể nhẹ, bệnh không biểu hiện ra bên ngoài nên người bệnh khó biết. Nếu thấy có các biểu hiện như đau đầu kéo dài, xuất hiện những cơn động kinh, người mệt mỏi, rối loạn thị giác, giảm thính giác… cần đi kiểm tra ngay.



Tại các cơ sở y tế, bác sĩ sẽ áp dụng biện pháp chụp CT, cộng hưởng từ để xác định bệnh. Đôi khi có các biểu hiện trên nhưng chưa chắc đã là u não. Do u não có nhiều dạng và cũng giống như các bệnh khác, tuỳ vào mức độ của bệnh bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Các khối u não chỉ khó điều trị khi nó là u ác tính.



Theo SGTT


Nguồn:

Tin mới