Chiều 27/3, phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác tiếp tục với phần bào chữa.
Không ký sẽ bị sa thải
Tự bào chữa, bị cáo Võ Triệu Lân (cựu Giám đốc Ngân hàng SCB chi nhánh Chợ Lớn) cho biết, mức án mà VKSND TP.HCM đề nghị 5 - 6 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng là quá nặng với bị cáo.
Theo bị cáo Lân, giai đoạn tháng 6/2014, khi nhận được hồ sơ khoản vay của 18 khách hàng tại dự án Chợ Vải, bị cáo rất băn khoăn và xin ý kiến hỗ trợ từ lãnh đạo SCB.
Các bị cáo tại toà.
Tuy nhiên, lãnh đạo SCB yêu cầu bị cáo phải ký chấp nhận cho vay nhằm hợp thức hóa các khoản vay, tái cơ cấu nợ cũ nên tiền không ra khỏi ngân hàng.
"Đây cũng là nhiệm vụ cấp bách cho việc tái cơ cấu, nếu bị cáo không ký sẽ bị sa thải", bị cáo nói và cho rằng, khi bị bắt, mỗi ngày, bị cáo luôn gặm nhấm nỗi đau, tủi nhục của bản thân về hành vi sai phạm.
Bị cáo Võ Triệu Lân xin Hội đồng xét xử xem xét cho hoàn cảnh, hành vi phạm tội của mình và mong được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Theo cáo trạng, với vai trò là Giám đốc Ngân hàng SCB chi nhánh Chợ Lớn, từ 17/7/2013 - 29/10/2015, bị cáo Võ Triệu Lân ký hợp thức hồ sơ 35 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền 9.637 tỷ đồng.
Bào chữa cho bị cáo Lân, luật sư cho rằng cần đánh giá lại vai trò đồng phạm, giúp sức của bị cáo trong vụ án.
Theo luật sư, các cá nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay không đi theo quy trình thông thường mà SCB đề ra. Với vai trò là giám đốc chi nhánh, bị cáo Lân chỉ làm theo chỉ đạo của lãnh đạo SCB và muốn SCB được tái cơ cấu như bình thường.
Quá trình làm việc, bị cáo Lân phát hiện ra nhiều bất thường của các khoản vay tại SCB nên đã từ chối ký. Do không hợp tác, bị cáo Lân đã không được nhận bằng khen, giấy khen nào từ SCB.
Đề nghị xem xét hoàn cảnh phạm tội
Cũng trong buổi chiều, các luật sư bào chữa cho các bị cáo khác thống nhất với cáo trạng và bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát, các luật sư không tranh luận về tội danh.
Tuy nhiên, họ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét thêm các tình tiết, hoàn cảnh, vai trò của các bị cáo trong quá trình phạm tội, họ chỉ là những người lao động làm công ăn lương, chỉ muốn làm tốt công việc của mình.
Ngoài ra, các luật sư cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét nhân thân, hoàn cảnh gia đình của các bị cáo để từ đó giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự mà bị cáo phải chịu.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Kiều Trang (Phó tổng giám đốc Công ty CP thẩm định giá EXIM) bị đề nghị 3 năm tù treo cho rằng, vai trò của bị cáo trong chuỗi hành vi của vụ án là vai trò thứ yếu.
Bị cáo Trương Mỹ Lan.
Bị cáo hoàn toàn không biết các chứng thư mà mình thực hiện sẽ được sử dụng vào mục đích chiếm đoạt tài sản hay mục đích trái pháp luật.
Còn luật sư bào chữa cho bị cáo Từ Văn Tuấn (Phó giám đốc Khối doanh nghiệp SCB) bị đề nghị từ 11 - 12 năm tù cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét bị cáo thực chất cũng chỉ là nhân viên phải làm theo chỉ đạo.
Trong khi đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Mai Hồng Chín (cựu Giám đốc Phòng tái thẩm định SCB, bị đề nghị từ 9 - 10 năm tù) cho rằng, bị cáo Chín chịu sự trực tiếp từ lãnh đạo SCB, bị cáo hoàn toàn không có biết, liên hệ, hay nhận sự chỉ đạo nào từ bị cáo Trương Mỹ Lan.
Khi phát hiện những sai phạm của lãnh đạo SCB, bị cáo đã quyết tâm nghỉ việc vào tháng 8/2019.