Trong thời gian startup, anh cũng tìm thấy ‘nóc nhà’ của đời mình và quyết định cưới vợ ở tuổi 40.
Khi vẫn là sinh viên của Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Nguyễn Tuấn Anh đã làm Product Manager của Yahoo! Singapore (Yahoo được coi là một trong 4 Big Tech của thế giới thời đó) sau một thời gian làm cộng tác viên chăm sóc khách hàng cho thị trường Việt Nam.
“Làm chăm sóc khách hàng thực chất chỉ là copy và paste những câu trả lời đã có sẵn cho những câu hỏi của khách hàng gửi đến, một việc như vậy mà phải làm 8 tiếng mỗi ngày thì rất chán. Mình mới lập trình, tạo ra một hệ thống tự động giúp cho công việc của cả 8 tiếng chỉ còn 30 phút mỗi ngày và trở thành rảnh rỗi quá. Rảnh rỗi quá nên suốt ngày ý kiến về sản phẩm của Yahoo! kiểu chưa ổn cái này chưa ổn cái kia và sao không làm cái này, sao không làm cái kia…(cười). Và khi họ cho mình làm thì cũng làm được nên chuyển làm nhân viên chính thức, rồi thăng chức (cười lớn)”, anh kể lại.
Ra trường và tiếp tục làm tại Yahoo! hơn 2 năm, Nguyễn Tuấn Anh cảm thấy công việc tại đây không còn thử thách và khó lòng học thêm cái mới, cộng thêm việc muốn trở về Việt Nam “làm một cái gì đó mới mẻ” nên anh quyết định nghỉ việc. Tuấn Anh chia sẻ: “Làm ở các công ty lớn của nước ngoài, mình sẽ được làm rất chuyên sâu về một nhiệm vụ cụ thể nhưng bị bó hẹp không gian. Do đó, nếu muốn phát triển rộng sang nhiều mảng khác sẽ rất khó”.
Trở về Việt Nam, không giống như những thành công dễ dàng ở Yahoo! Singapore, Nguyễn Tuấn Anh khởi nghiệp với vài dự án nhưng đều thất bại. Thế nhưng, điều bất ngờ là trong lúc đang loay hoay tìm hướng đi cho bản thân, anh nhận được lời mời của Grab để trở thành co-founder của Grab Việt Nam – lúc đó mang tên MyTeksi. Sau khi dùng thử dịch vụ và thấy thích, anh quyết định nhận lời và trở thành CEO của hãng xe công nghệ.
Grab Việt Nam bắt đầu từ số 0, và CEO của nó cũng phải nếm trải đủ mọi khó khăn thường gặp của một người khởi nghiệp. Thời gian đầu, anh làm việc ở quán cà phê vì chưa thuê được văn phòng. Có lẽ nhờ kinh nghiệm startup thất bại nhiều lần, Nguyễn Tuấn Anh rất quyết tâm và triển khai dịch vụ gọi xe đầu tiên rất nhanh, đúng quy định của pháp luật.
Grab Việt Nam chỉ mất gần 1 năm (từ cuối năm 2013 đến cuối năm 2014) để hoàn tất mọi thủ tục triển khai “dịch vụ gọi xe công nghệ thử nghiệm” (được chấp thuận). Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của họ - Uber, vẫn chưa được cấp phép tại Việt Nam.
Ngay sau khi triển khai thành công dịch vụ gọi xe với ô tô, có thương hiệu mạnh tại Việt Nam, Nguyễn Tuấn Anh đề xuất với công ty mẹ mở thêm dịch vụ tương tự với xe máy và được chấp thuận dù triển vọng doanh thu với phương tiện này là rất thấp. “Lúc đó, tinh thần startup rất máu lửa và tôi cũng có kết quả tốt với gọi xe dành cho ô tô nên khi làm việc trực tiếp với CEO ở hội sở chính thì ngay lập tức được đồng ý.
Thực tế, còn một lý do khác là việc triển khai thêm dịch vụ với xe máy có chi phí thấp vì thương hiệu, phần mềm đã có sẵn, vận hành cũng tương tự chỉ cần bổ sung thêm icon trên ứng dụng rồi gọi thêm các anh tài xế là xong”, cựu CEO Grab Việt Nam tiết lộ.
Nhưng sau khi phát triển hệ thống một thời gian, anh nhận thấy tích hợp thêm dịch vụ xe máy cũng đem lại nhiều lợi ích điển hình như Grab xây dựng được một mạng lưới cực mạnh, được nhiều người biết đến và mọi thứ đều tăng trưởng rất nhanh.
Cuối năm 2019, khi Nguyễn Tuấn Anh quyết định rời Grab Việt Nam để trở thành CEO VinID, công ty này đã bắt đầu có lãi ở mảng gọi xe và hình thành nên một hệ sinh thái có tiềm năng tạo lợi nhuận tốt trong tương lai.
Grab Việt Nam không chỉ trở thành ứng dụng gọi xe thống trị trên thị trường (chiếm hơn 70% thị phần), mà còn sở hữu hệ thống giao đồ ăn số 1 Việt Nam (Grab Food).
Sau khi rời Grab Việt Nam, mối duyên của Tuấn Anh với VinID chỉ kéo dài khoảng gần 1 năm trước khi anh rời đi và quyết định cho phép mình “nghỉ hưu ngắn hạn” để… đi chơi (cũng trong gần 1 năm).
Chia sẻ về quyết định rời Grab và VinID, Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Tôi muốn học thêm cái mới, tìm thử thách mới và muốn có những mối duyên mới (cười)”. Anh cũng chia sẻ thêm: “Việc được cùng xây dựng và phát triển với những công ty như vậy là may mắn lớn của mình. Mình học được cách quản lý, kinh doanh, xây dựng quy trình, kiểm soát, tuyển người, đào tạo, giữ người, làm việc với nhà đầu tư… rất nhiều thứ mà không thể kể hết. Ngoài ra, mình còn có cơ hội hiểu được những ‘anh lớn’ nghĩ gì nữa”.
Trước khi khởi nghiệp chế tạo robot giao hàng tự hành đầu tiên tại Việt Nam, với startup Alpha Asimov Robotics vào tháng 9/2021, Nguyễn Tuấn Anh từng nghĩ đến việc hợp tác với một đơn vị có năng lực làm ra sản phẩm này, để tăng hiệu quả hoạt động. Thế nhưng, ngay cả khi đại dịch Covid-19 hoành hành, nhu cầu giao hàng không tiếp xúc lên cực cao và rất cần robot giao hàng tự hành thì sản phẩm này vẫn chưa xuất hiện tại Việt Nam.
Cũng vì thế, trong gần 1 năm “nghỉ hưu ngắn hạn”, cựu CEO Grab Việt Nam suy nghĩ về dự án sản xuất robot giao hàng tự hành đầu tiên ở Việt Nam bởi “tự động hoá trong giao hàng là điều sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra bởi các công ty đều phải tìm cách tăng năng suất và hiệu quả”.
Thứ hai, công nghệ cho robot giao hàng tự hành đã xuất hiện ở các nước khác rồi, không còn quá mới. Bên cạnh đó, các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) đã phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống và có thể hình dung rõ trong việc giao hàng, nên nhiều người sẽ tin vào một tương lai không xa của robot giao hàng tự hành sẽ có ở Việt Nam.
“Chưa có ai làm sản phẩm này ở đây mà xu hướng là chắc chắn thì tại sao mình lại không thử làm để tối đa hoá lợi ích về hiệu suất cho xã hội?”, cựu CEO Grab Việt Nam nói. Rồi anh nói thêm: “Làm robot giao hàng tự hành sẽ rất khó và mất thời gian dài nhưng nếu thành công thì thành quả cũng sẽ cực lớn mà không phải chỉ ở Việt Nam mà trên nhiều quốc gia khác có chi phí nhân công cao như Úc, Singapore, UAE, Hàn Quốc…”.
Thông qua giới thiệu từ một người bạn, Nguyễn Tuấn Anh gặp và làm quen với Lê Anh Sơn – Tổng giám đốc Phenikaa-X cũng là người đầu tiên tự làm thành công xe tự lái cấp độ 4 ở Việt Nam. Chia sẻ với anh Lê Anh Sơn về ý tưởng làm robot giao hàng tự hành của mình và nhận được lời đảm bảo chắc chắn “dư sức”, Nguyễn Tuấn Anh cùng Lê Anh Sơn đã bắt tay vào thành lập và xây dựng Alpha Asimov Robotics vào tháng 9/2021. Tên gọi của Alpha Asimov được lấy cảm hứng từ Isaac Asimov – một nhà văn Mỹ nổi tiếng chuyên viết về khoa học giả tưởng, robot mà anh Tuấn Anh rất yêu thích.
Chia sẻ về quyết định khởi nghiệp một lần nữa sau khi đã trải qua chức vụ CEO ở 2 công ty rất lớn (Grab Việt Nam và VinID), Nguyễn Tuấn Anh nói: “Tôi vốn là con người khởi nghiệp chứ không phải thuộc ‘Big Corp’.
Như Grab trước đây thì tôi cũng cùng anh em xây dựng từ những ngày đầu tiên – từ số 0 như một startup, nên luôn hứng thú với việc tạo ra quy trình và cái mới chứ không thích đi theo những cái đã được định sẵn”. Rồi nhận xét thêm, nhiều người nghĩ khởi nghiệp sẽ vất vả hơn đi làm thuê vì mình phải lo từ A đến Z nhưng anh lại cho rằng: “Đi làm thuê cũng có cái mệt riêng, có người phù hợp có người không”.
Một điều thú vị khác là trong thời gian khởi nghiệp Alpha Asimov Robotics, Nguyễn Tuấn Anh đã làm quen được với “mối tình của đời mình” và cưới vợ thành công ở tuổi 40 (tháng 6/2022).
Sau gần 2 năm phát triển, Alpha Asimov Robotics đã hoàn thành mẫu thử đầu tiên và bắt đầu cho chạy thử tự hành không tải ở khu đô thị Ecopark (Hà Nội) từ tháng 5/2023. CEO của startup này cho biết: “Hoàn thành mẫu robot đầu tiên để chạy thử, thậm chí giao hàng tự hành thử nghiệm mới chỉ là bước đầu và còn rất xa mới có thể đưa vào triển khai diện rộng”.
“Để sản xuất được robot giao hàng tự hành hoạt động thực sự cần thêm rất nhiều thử nghiệm và bổ sung. Khi đưa ra thử nghiệm sẽ phát hiện ra lỗi và mình học thêm được nhiều điều để làm nó thông minh hơn và cứ như thế đến một ngày robot sẽ đủ khả năng để giao hàng tự hành được thị trường chấp nhận”, CEO Alpha Asimov Robotics nhận xét.
Nguyễn Tuấn Anh cho biết, sau thời gian chạy không tải, Alpha Asimov đã đề nghị khu đô thị Ecopark cho robot giao hàng tự hành thử nghiệm. Theo dự kiến, đến cuối năm nay, Alpha Asimov có thể chạy ổn định. Nguyễn Tuấn Anh cho biết, sản phẩm đang thực hiện đúng tiến độ và thậm chí còn hơi nhanh hơn so với dự đoán. Công ty đang làm việc với một số đối tác giao vận để thử nghiệm giao hàng tại các khu đô thị.
Trả lời về sự cạnh tranh có thể đến từ các cường quốc về robot giao hàng tự hành như Mỹ, Trung Quốc, Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Với lĩnh vực này, họ không thể đơn thuần mang một con robot ở Mỹ, Trung Quốc sang chạy ở Việt Nam được vì ngoài phần cứng phù hợp thì phần mềm với AI phải hiểu được luật giao thông, thói quen đi lại, đường xá, dữ liệu về khu vực giao hàng… của nước khác.
Ví dụ như robot ở Mỹ sẽ không hiểu để thể xử lý được khi đang đi trên đường bỗng nhiên có đàn gà chạy ngang qua, hoặc con chó xồ ra. Thêm vào đó, Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường quá lớn, những công ty đang làm phục vụ ở đó còn chưa hết nên sẽ còn lâu mới tiến sang các nước khác”.
Hiện nay, Alpha Asimov mới phát triển dòng robot giao hàng tự hành có kích thước nhỏ chạy trên lòng đường với vận tốc 15 km/h, nhưng mục tiêu xa hơn là cả những robot giao hàng lớn chạy với vận tốc 30 km/h (hai loại này sử dụng các công nghệ khác nhau và giá tiền cũng rất khác nhau). Co-founder này cho biết, định vị của Alpha Asimov là công ty logistics sử dụng công nghệ nên phải có đủ sản phẩm cho việc giao hàng tự hành.
Trong gần 2 năm khởi nghiệp chế tạo robot Alpha Asimov, Nguyễn Tuấn Anh cho biết, anh vui hơn “dù phải đi xin xỏ, giải thích rất nhiều cho người khác hiểu” nhưng “thấy bất ngờ khi một số đối tác vẫn e dè với công nghệ này”. Điểm thú vị nữa là anh cảm thấy “được tự chủ về thời gian trong giai đoạn hiện nay” và vợ anh rất ủng hộ, vui vẻ chia sẻ cũng như hỗ trợ chồng trong công việc.
Khi được hỏi: “Anh suy nghĩ gì khi chọn làm startup chế tạo robot giao hàng tự hành sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và không chắc chắn sẽ thành công?”, Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Ngay từ đầu mình xác định là cái này không thể nhanh được, những cái nhanh thì chỉ nhỏ thôi! Làm giàu thì không thể nhanh được”.
Chia sẻ thêm về tâm lý muốn làm giàu nhanh của nhiều bạn trẻ, thậm chí là cả những người làm startup, CEO này cho biết: “Đó là chuyện bình thường, ai cũng cùng tư tưởng như vậy cả nên không có gì đáng phê phán hết!”. Anh giải thích thêm, khi một người đang kẹt trong tình huống không vui, họ mong muốn có một cách nhanh nhất để thoát ra. Và những cách làm giàu nhanh như đánh bạc, mua vé số, đánh chứng khoán, phái sinh, forex, hay crypto… được chọn. Tất nhiên vẫn có những nhà đầu tư chuyên nghiệp biết rất rõ họ đang làm gì, nếu họ liên tục thắng thì lại không phải là may rủi.
Trong những tình huống ấy, sẽ có rất ít người có thể lựa chọn việc làm startup, phải chịu khổ thêm 10 năm nữa thì giàu. Nghe như vậy thôi đã thấy đau đớn quá, không muốn làm, không muốn chấp nhận rồi (cười). Cảm xúc thường mạnh hơn lý trí, nên mọi người hay chọn những lời mời chào đi tắt”, Nguyễn Tuấn Anh phân tích.
Co-founder này dẫn hình tượng, một cây cổ thụ mọc cả trăm năm nó mới to được, rễ mới bám chắc, cành lá xum xuê và khẳng định: “Làm giàu với Alpha Asimov sẽ lâu, nhưng tôi đợi được! (cười)”.
Chia sẻ thêm về mục tiêu kỳ tiêu kỳ lân (trở thành startup có định giá trên 1 tỷ USD), CEO này cho rằng, mục tiêu kỳ lân đơn thuần là “rất nguy hiểm” vì kỳ lân không đồng nghĩa với có ích cho xã hội hay có lợi nhuận, thậm chí có thể làm hại nhà đầu tư khi các founder làm mọi biện pháp đẩy định giá lên mà không có thực chất. Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Đó chỉ là một trong những mục tiêu trên đường đi thôi. Mục tiêu cuối cùng là Alpha Asimov phải có lợi nhuận, và có ích cho xã hội”.