Ông Đàm, hiện 99 tuổi, sống ở Thượng Hải, Trung Quốc, đâm đơn kiện đồng nghiệp cũ họ Cố và những người chăm sóc mình ra tòa, đòi lại tài sản đã tặng, nhưng yêu cầu của ông đã bị bác bỏ.
Theo Shanghai Morning Post, năm 2005, ông Đàm, lúc đó 80 tuổi, ký một thỏa thuận hỗ trợ với ông Cố cùng gia đình ông Cố, hứa sẽ tặng căn hộ của mình để đổi lấy sự chăm sóc và đồng hành của họ khi về già. Ông Đàm cũng đã ký hợp đồng mua bán với đồng nghiệp cũ, bán căn hộ của mình với giá 200 nghìn nhân dân tệ (gần 700 triệu đồng). Tuy nhiên trên thực tế, ông Cố không trả tiền, ông Đàm cũng không chuyển đi, hợp đồng họ ký chỉ là hình thức.
Diện tích căn hộ không được tiết lộ. Theo Cục Thống kê Thượng Hải, giá nhà trung bình ở thành phố này vào năm 2005 là 6.700 nhân dân tệ (23 triệu đồng theo tỷ giá hiện nay) một mét vuông.
(Ảnh minh họa: Shutterstock)
Theo thỏa thuận, gia đình họ Cố phải thường xuyên gọi điện cho ông Đàm, đến thăm mỗi tuần một lần, mua quần áo, đồ tạp hóa và chăm sóc những khi ông không khỏe. Đổi lại, ông Đàm viết trong di chúc rằng sẽ để lại căn hộ và mọi thứ trong đó cho ông Cố thay vì cho các con thừa kế.
Ông Đàm viết: “Họ quan tâm đến tôi hơn cả gia đình tôi. Họ giúp tôi vượt qua bệnh tật và đau đớn và làm cho cuộc sống của tôi trở nên hạnh phúc”. Người đàn ông này không có quan hệ tốt với các con và cảm thấy họ chưa hoàn thành nghĩa vụ phụng dưỡng.
Sau khi cưới vợ mới vào năm 2018, ông Đàm hối hận về quyết định của mình. Năm 2019 và 2021, ông nhiều lần kiện đồng nghiệp cũ, phủ nhận việc chuyển nhượng tài sản và yêu cầu hủy bỏ hợp đồng. Đáp trả, ông Cố kiện ngược, yêu cầu Đàm chuyển đi ngay lập tức và trả tiền thuê nhà từ năm 2006 đến nay. Người này trình cho tòa các tin nhắn và ảnh của gia đình mình chụp chung với Đàm nhằm chứng minh rằng họ đã chăm sóc, bầu bạn và đưa Đàm đi du lịch.
Ông Cố và gia đình bị ông Đàm chặn liên lạc qua điện thoại di động kể từ năm 2019.
Tòa án ở Thượng Hải đã bác bỏ yêu cầu của cả hai bên, phán quyết rằng họ đã thực hiện thỏa thuận và hình thành mối quan hệ hỗ trợ, nuôi dưỡng trên thực tế. Ông Cố có thể thừa kế căn hộ sau khi ông Đàm qua đời. Tòa án chỉ ra rằng, trong hơn một thập kỷ, ông Đàm không hề bày tỏ sự bất mãn đối với ông Cố.
Tòa án phán quyết rằng ông Cố có quyền thừa kế căn hộ sau khi ông Đàm qua đời. (Ảnh: AP)
Cộng đồng mạng Trung Quốc bày tỏ thái độ bênh vực ông Cố và lên án sự lật lọng của ông Đàm: “Điều gì có thể đã xảy ra với ông trong suốt những năm qua nếu người đồng nghiệp không hỗ trợ?”; “Phá vỡ lời hứa là sai trái về mặt đạo đức, đặc biệt là sau khi người khác đã cho mình quá nhiều”...