Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cuộc sống mới của những đứa trẻ mồ côi vì COVID-19

(VTC News) -

Mất cha mẹ vì đại dịch COVID-19, những đứa trẻ vẫn có một mái ấm, được sống trong vòng tay yêu thương của người thân, hay được hàng xóm đùm bọc, chở che.

Không có nhiều kí ức về cha mẹ, cả tuổi thơ của 3 chị em Lưu Tuyết Nghi (17 tuổi), Lưu Nhật Hạ (14 tuổi), Lưu Thiện Lâm (9 tuổi) ngụ phường 12, quận 8, TP.HCM được chăm sóc trong vòng tay yêu thương của má Hai (chị gái của mẹ ruột).

Khi bé út Lưu Thiện Lâm ra đời được vài tháng, chị Huỳnh Thị Kim Huệ - mẹ của 3 em phát bệnh ung thư giai đoạn cuối. Lúc Lâm 13 tháng tuổi thì mẹ qua đời. Cha của Thiện Lâm dắt 3 con ra ngoài thuê trọ.

Nhưng rồi, việc chạy xe ôm thu nhập không được là bao, không đủ nuôi 3 đứa nhỏ. Thương người em gái đoản mệnh, thương các cháu thơ dại, sống thiếu thốn đủ đường, chị Huỳnh Thị Kim Thanh đã đón cả ba đứa cháu về nhà nuôi. Từ đó, cha của 3 chị em Nghi, Hạ, Lâm cũng ít liên lạc.

Thương các cháu, chị Thanh quyết định hy sinh hạnh phúc riêng, không lập gia đình, toàn tâm toàn ý chăm sóc cho các cháu. Chị xem các cháu như con ruột của mình, và ba đứa trẻ cũng cảm nhận được tình yêu thương ấy nên gọi chị bằng cái tên thân thương - má Hai.

Tưởng chừng số phận đã mỉm cười với 3 chị em Tuyết Nghi, Nhật Hạ, Thiện Lâm, thế nhưng, đại dịch COVID-19 ập đến cướp đi má Hai trong một ngày buồn của tháng 8/2021. 3 chị em lại được người cậu là Huỳnh Bá Long cưu mang.

Video: Cuộc sống mới của những đứa trẻ mồ côi

Căn nhà cấp 4 có gác lửng rộng khoảng 50 m2 là nơi sinh sống của 3 thế hệ, trong đó có 6 đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi học. Nghĩ đến tương lai, anh Huỳnh Bá Long chỉ biết gượng cười, lòng không tránh khỏi những lo lắng, bất an.

Cả hai người chị ruột lần lượt ra đi, bây giờ, anh Long như "gà trống" nuôi cả đàn con nhỏ. May mắn là 2 người con lớn của anh cũng đã đến tuổi đi làm, có thể phụ giúp bố.

Chúng tôi đến nhà anh Huỳnh Bá Long vào cuối giờ chiều. Cô chị cả Lưu Tuyết Nghi đang chuẩn bị bữa cơm tối. Mùi đồ ăn thơm phức tỏa ra trong căn nhà nhỏ. Vốn là cô bé sống nội tâm, ít nói, nhưng sau khi má Hai mất, nhờ sự giúp đỡ của cậu Long, Nghi đã mạnh dạn hơn, học cách nấu nướng, giặt quần áo, trò chuyện với mọi người.

"Cháu ước má Hai nhìn thấy cháu lúc này. Ba má cháu chắc cũng rất vui vì biết cháu đã tiến bộ", Tuyết Nghi nói trong lúc nấu cơm và tranh thủ dọn nhà - công việc trước đây em ít khi đụng tay tới.

Tuyết Nghi chuẩn bị bước vào lớp 12, khoảng thời gian được xem là dấu mốc quan trọng nhất đối với tuổi học trò. Em từ tốn kể về việc học tập và ước mơ của mình: “Ngoài việc học chính, em chỉ có thể học thêm tại trường. Em dự định thi vào Đại học Luật TP.HCM vì muốn trở thành luật sư”.

Sự quyết tâm của Tuyết Nghi thể hiện rõ trong ánh mắt và giọng nói dứt khoát. Em cho rằng, trong cuộc sống luôn phải có thái độ tích cực và lạc quan, cố gắng hết sức để đạt được những gì mình mong muốn và giữ vững niềm tin ấy cho đến cùng. Những khó khăn đôi khi sẽ góp phần tôi luyện bản thân mạnh mẽ hơn.

Nhắc đến chuyện đã qua, Nghi nói: “Ký ức thì ai cũng có, nhưng hỏi có buồn không thì em sẽ trả lời là không. Chúng em còn hạnh phúc hơn nhiều bạn cùng trang lứa đang ở ngoài xã hội không còn người thân”.

Tự nhủ mình đã lớn, mỗi lần nhớ má Hai, Tuyết Nghi không dám khóc. Em chỉ lặng lẽ ngồi trong một góc phòng, nghĩ về những kỷ niệm trong căn nhà tuềnh toàng, nhưng đầy ắp tình yêu thương. 

Nhớ má Hai, Nghi càng thương cậu Long. Cậu vốn nghèo khó, nay phải cưu mang thêm 3 đứa cháu, cuộc sống thêm vất vả. Đôi vai của cậu Long gồng gánh tất cả những hy vọng của gia đình 3 thế hệ này.

6 giờ tối, bữa cơm gia đình đã chuẩn bị xong, cả nhà quây quần ăn uống, trò chuyện, quên đi những mệt mỏi của một ngày làm việc vất vả. “Người ta nói ‘sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì’, nhưng cha của tụi nhỏ không đoái hoái gì, chị Hai cũng đã mất nên dù biết rằng khó khăn, người cậu này cũng cố gắng một mình lo toan vậy”, anh Long chia sẻ.

 

Nhìn mấy đứa nhỏ ngoan ngoãn và hiểu chuyện, đôi mắt anh Long ánh lên niềm hạnh phúc và coi “đó là kho báu của mình”. Dẫu với đồng lương công nhân ít ỏi, anh vẫn quyết tâm nuôi con và 3 đứa cháu ăn học đến nơi đến chốn. Để tăng thu nhập, anh Long thường làm tăng ca đến 21 giờ mới về.

"Cháu của mình mà, nhiều lúc cũng thấy cực và vất vả lắm, nhưng mình không lo thì ai lo. Thôi thì đến đâu hay đến đó. Các cháu học được đến đâu, tôi sẵn sàng đồng hành cùng, không chỉ đến 18 tuổi mà còn có thể hơn thế nữa", anh Long quả quyết.

Trước kia, trò chuyện với chúng tôi, bé Thiện Lâm chỉ trả lời bằng những câu ngắn gọn như "dạ không", "dạ có"…, rồi những giọt nước mắt cứ không ngừng rơi, nay em đã nhanh nhẹn và hoạt bát hơn.

Nhìn Thiện Lâm cười nói, vui đùa với các chị, chúng tôi hiểu sự mặc cảm, buồn tủi đã vơi đi phần nào trong tâm hồn những đứa trẻ này.

Con gấu bông má Hai mua tặng trong dịp sinh nhật nay đã sờn nhưng vẫn được Thiện Lâm giữ lại, nâng niu. Đêm nào ngủ em cũng ôm gấu bông để cảm nhận chút hơi ấm của má Hai còn sót lại.

Anh Long cho hay, trước kia chị Hai bán trứng gà, chả lụa…Bây giờ, anh quyết định làm tiếp công việc này để kiếm thêm thu nhập, phần nữa là nhắc nhở bọn trẻ ghi nhớ công ơn của má Hai đã tần tảo nuôi nấng. “Bọn trẻ đều lớn hết rồi, đi học về rồi phụ bán trứng cũng không vất vả gì nhiều. Tôi làm vậy để chúng luôn luôn nhớ về má Hai”, anh Long chia sẻ.

 

Có ông ngoại, cậu ruột đón về, nhưng bé Quế Anh, 10 tuổi, mất mẹ vì COVID-19 lại chỉ muốn ở với bà hàng xóm Hồ Thị Chào.

Hơn chục năm trước, chị Nguyễn Thị Dạ Thảo thuê nhà trọ trong hẻm 258 đường Trần Hưng Đạo, quận 1. Hẻm nhỏ, bà con sống quây quần nên khi chị Thảo sinh bé Quế Anh, ai nấy đều xúm lại ẵm bồng.

Chị Thảo do điều kiện kinh tế khó khăn, thường xuyên đi làm về muộn, không có nhiều thời gian chăm con. Cũng vì vậy mà từ bé, Quế Anh được các bà, các cô trong hẻm cưng như con cháu trong nhà. Bà Hồ Thị Chào có món gì ngon đều gọi Quế Anh sang ăn cùng. Dần dà, bé được vợ chồng bà Chào xem như cháu ruột.

Khoảng giữa tháng 8/2021, chị Thảo có triệu chứng ho, khó thở nên dặn Quế Anh ở hẳn bên nhà bà Chào, không được chạy qua chạy lại về nhà để tránh lây bệnh. Đến ngày 24/8, chị trở mệt, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Hai ngày sau, bệnh viện báo tin chị không qua khỏi.

 

Không có tên ba trong giấy khai sinh, nay mẹ qua đời, chính quyền địa phương đến gặp bé và gia đình bên ngoại. Cậu ruột Quế Anh - anh Nguyễn Long Hải (38 tuổi, ở quận Bình Thạnh) dẫu hoàn cảnh khó khăn, nhưng anh không bỏ cháu, muốn đón cháu về nuôi. Thế nhưng, Quế Anh cứ nhất quyết đòi ở với bà Chào.

"Tôi nuôi nấng con bé từ nhỏ, nếu để bé đi tôi cũng không yên tâm. Một phần là bé quen rồi, phần nữa tôi cũng cảm nhận được tình cảm thân thiết mà bé dành cho tôi nên không đành để bé đi. Nhà ông ngoại cũng đồng ý để Quế Anh ở với tôi. Họ bảo sẽ làm tất cả những điều tốt nhất cho cháu”, bà Chào nói.

Hồi mẹ bé Quế Anh còn sống, mọi việc tắm rửa, ăn uống, dạy học cho bé bà cũng đã chăm lo, nên bây giờ cả bà lẫn cháu không quá bỡ ngỡ. “Chỉ là bây giờ trách nhiệm của tôi nặng nề hơn, thay vì hồi đó mẹ bé đưa rước thì giờ mình phải lo hết luôn. May sao Quế Anh rất ý thức việc học. Ngoài học ở trường, khi về nhà làm bài tập, nếu có gì không hiểu bé tự tìm trên mạng, rồi hỏi tôi. Tôi cũng chỉ bảo những thứ cơ bản, chủ yếu nhắc nhở bé”, bà Chào nói.

Quế Anh vẫn còn giữ chiếc điện thoại của mẹ và hay mở ra xem hình, khen mẹ trẻ đẹp. Mỗi lúc như vậy, bà Chào lại rơm rớm nước mắt.

"Có con nhỏ, tuổi già của vợ chồng tôi cũng đỡ buồn. Tôi không còn thấy bé là người đón nhận sự giúp đỡ của mình, mà cảm nhận bé mang niềm vui, hạnh phúc đến cho tôi. Từ khi mẹ bé mất, tôi mơ thấy Dạ Thảo về với tôi 3 lần rồi, lần cuối cùng Dạ Thảo chỉ nhìn tôi và mỉm cười. Tôi nghĩ Thảo cũng mãn nguyện, biết Quế Anh ở với gia đình tôi tốt nên đã an tâm ra đi”, bà Chào tâm sự.

 

Không chỉ có tình yêu thương của vợ chồng bà Chào, bé Quế Anh còn được một bác sĩ nhận làm con nuôi, tài trợ toàn bộ các khoản tiền học thêm, học năng khiếu đến năm 18 tuổi và cả học phí đại học.

Ông ấy thương bé lắm. Gia đình ông có 2 đứa con gái đều đi du học rồi. Ông gặp bé như một cái duyên vậy. Thấy hoàn cảnh của bé qua một bài báo, giữa vô vàn đứa trẻ khó khăn ông lại chọn bé. Lúc đang thời điểm dịch căng thẳng, ổng xuống trao đổi với gia đình nhận bé làm con nuôi để hỗ trợ cho bé”, bà Chào nói.

Vị bác sĩ sống rất tình cảm, vào cuối tuần thường đón bé lên nhà chơi và sắp xếp việc học cho Quế Anh. Từ thứ Hai đến thứ Sáu, bé học bán trú ở trường, cuối tuần học thêm môn Tiếng Anh. Ngoài ra, Quế Anh còn được học bóng rổ để phát triển chiều cao. Mọi khoản đóng góp cho việc học ở trường hay học thêm đều do cha nuôi chi trả hết.

Tình yêu thương của bà Chào và vị bác sĩ dành cho đứa cháu không phải ruột rà xuất phát từ tấm lòng yêu thương con trẻ. Họ cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sau này được bé đền ơn đáp nghĩa, mà chỉ mong sao Quế Anh học hành đến nơi đến chốn để thành đạt nên người.

Quế Anh cũng thương tôi lắm, mỗi lần tôi bị nóng, sốt, bé chạy lại bóp vai rồi hỏi thăm, nói tối ngủ có gì bà nhớ kêu con nha. Tôi xúc động lắm, càng thương và muốn làm nhiều điều tốt đẹp cho cháu hơn”, bà Chào bộc bạch.

Hồng Nam- Hoàng Thọ

Tin mới