Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cuộc sống '3 không' của người lính biên phòng cắm chốt nơi biên ải

(VTC News) -

Không điện, không nước, sóng điện thoại lúc không, lúc có... là những điều mà người lính biên phòng trực chốt ở cột mốc 1302 (Quảng Ninh) đang trải qua từng ngày.

Video: Theo chân chiến sỹ biên phòng Quảng Ninh lên chốt gác 3 ‘không’ nơi biên giới

Những ngày đầu tháng 8/2020, cùng với các đồn biên phòng dọc tuyến biên giới thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh, đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu) kích hoạt trở lại hệ thống phòng chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, các chiến sĩ còn tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn những người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam qua các đường mòn, lối mở. Hiện đơn vị quản lý tuyến đường biên giới có chiều dài 43,1 km với 41 cột mốc biên giới quốc gia.

8h30 ngày 4/8, nhóm PV VTC News có mặt tại đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô (Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) để đi lên khu vực cột mốc 1302 (thuộc thôn Khe Và, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh), với độ cao hơn 660m so với mặt nước biển.

Cuộc sống thiếu thốn nơi biên thùy

Cột mốc 1302 (thuộc thôn Khe Và, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh).

Trong lúc chờ đưa téc nước được “đặt hàng” từ trước lên xe, Thượng tá Đỗ Văn Quang – Chính trị viên đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô không quên nhắc chúng tôi về tảng đá xuất hiện trên đường sau những trận mưa lớn kéo dài do hoàn lưu của bão số 2. Tảng đá mới di dời được phân nửa, chỉ đủ một xe đi qua.

Ngay trước khi xe lăn bánh đưa đoàn chúng tôi đến điểm chốt xa nhất của đồn Biên phòng Hoành Mô, Thượng tá Quang bảo: “Chốt phòng, chống dịch COVID-19 ở mốc biên giới 1302 cách đồn gần 25km. Dọc đường đi nếu có sương mù thì tầm nhìn chỉ dưới 2m.

Điều kiện sinh hoạt của anh em tại đó rất khó khăn vì không điện, không nước, sóng điện thoại chỗ có, chỗ không, quần áo có thời điểm phơi cả tuần không khô. Trung bình 2 lần/tuần, nhân chuyến xe vào trong chốt, chúng tôi chở theo téc nước để mọi người sử dụng làm nước nấu ăn”.

Cứ 3 ngày, chiếc xe bán tải của đơn vị lại chở nước lên chốt 1302 cho tổ công tác nấu ăn, sinh hoạt.

Sau hơn 30 phút men theo con đường quanh co, lên dốc, xuống dốc, nhiều khúc cua gấp qua bản Ngàn Chuồng (thị trấn Bình Liêu), chúng tôi có mặt tại khu vực sinh hoạt của các chiến sỹ chốt 1302. Bên ngoài căn nhà rộng hơn 15m2 nằm giữa đại ngàn là tấm tôn dựng vát nối một đầu với bình đựng nước.

Mấy hôm trời mưa, anh em chúng tôi buộc tạm tấm tôn lên cây sào trước mặt để hứng nước nấu ăn. Những ngày tạnh ráo phải đợi téc nước từ đơn vị chở vào cung ứng”, Thiếu tá Nguyễn Văn Hiển - Phụ trách Đội công tác chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 ở mốc biên giới 1302 cười khi tay vẫn đang tháo từng mối buộc để dỡ tấm tôn xuống. Đây là sáng kiến mà anh Hiển cùng đồng đội nghĩ ra nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước nấu ăn.

Cuộc sống của các cán bộ, chiến sỹ ở khu vực mốc biên giới 1302 luôn gặp nhiều khó khăn về vật chất nhưng những người lính biên phòng vẫn luôn kiên trì bám biên, bảo vệ từng bản làng, tấc đất.

Không chỉ nước, ở đây còn khó khăn về điện và cung cấp thực phẩm vì chốt 1302 cách chợ gần 15km, đường đi có nhiều khúc cua gấp, luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất đá mỗi khi mưa bão. Gặp trời mưa như mấy ngày trước đó, các chiến sỹ chỉ ăn cơm trắng với lạc rang.

Máy phát điện được trang bị cũng chỉ dành cho nấu cơm, sạc đèn pin phục vụ công tác tuần tra biên giới, sạc điện thoại phục vụ trao đổi thông tin… không có điện để phục vụ các nhu cầu khác.

Để hỗ trợ máy phát điện, trong cốp xe máy của mỗi cán bộ, chiến sỹ chốt 1302 còn chuẩn bị thiết bị đấu nối với bình ắc quy nhằm sạc điện thoại. Xăng phải mua sẵn, lúc nào ở chốt cũng phải có can xăng vừa chạy máy phát điện, vừa để chạy xe.

Trong cốp xe máy của mỗi cán bộ, chiến sỹ chốt 1302 còn chuẩn bị thiết bị đấu nối với bình ắc quy nhằm sạc điện thoại

10h, Thiếu tá Nguyễn Văn Hiển dẫn chúng tôi tới chốt dã chiến cách địa phận tỉnh Lạng Sơn hơn 1km. Dọc đường đi, Thiếu tá Hiển chỉ những điểm lấy nước tắm và nước sinh hoạt là khe nước trong rừng chảy ra.

Mùa mưa, nước chảy lênh láng nhưng mùa khô nước chảy từng giọt vào chậu được đặt sẵn tại đó. Khi đầy, các chiến sỹ mang can ra lấy rồi chở từng can nước về điểm sinh hoạt cách đó 1km.

Những cái giếng được cán bộ, chiến sỹ tự tạo trên sườn núi cao để hứng nước trên núi chảy ra.

Xe dừng lại ở chốt dã chiến nằm trơ trọi giữa mênh mông núi rừng. Thiếu tá Hiển bảo, trước khi lập chốt, có lều bạt dã chiến rồi tới lều mái tôn thay thế, những người lính quân hàm xanh làm nhiệm vụ ở đây nghỉ ngơi, trú mưa, trú nắng trong cống nước ngay trước mặt.

Đối diện với rất nhiều khó khăn nhưng họ vẫn bám biên, bảo vệ 20km đường biên giới do chốt quản lý. Nói như Thiếu tá Hiển ai khoác trên mình màu áo lính biên phòng cũng phải một lần “nếm mật nằm gai” nơi biên thùy.

Ở đây anh em chúng tôi làm nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch, vừa quản lý biên giới. Từ khi lập chốt đến nay, ở khu vực này chưa phát hiện trường hợp nào xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới nhưng chúng tôi phải luôn nêu cao cảnh giác. Biên cương không thể một ngày bỏ trống, nếu không có chốt trực, nguy cơ xuất nhập cảnh trái phép vẫn có thể xảy ra.

Ngoài ra, chúng tôi làm tốt công tác dân vận với dân bản gần biên giới, tuyên truyền để người dân quản lý trâu bò chăn thả không cho sang bên nước bạn”, anh Hiển chia sẻ.

Chốt gác 1302 bên đường vành đai biên giới.

Khi câu chuyện vẫn đang xoay quanh những khó khăn ở nơi biên ải, tiếng chuông điện thoại treo bên ngoài lều tôn vang lên từng hồi. Thiếu tá Trần Văn Tuyên, cán bộ phiên dịch chốt 1302 vội vã đến nghe điện.

Quay trở lại, người cán bộ này bảo rằng, ở đây sóng điện thoại kém, ngồi ngoài trời thì có sóng nhưng vào trong lều coi như tách biệt hẳn thế giới bên ngoài. Vì vậy, để liên lạc thông suốt, anh em treo điện thoại ngoài lều và bật chuông to để những cán bộ, chiến sỹ trực bên ngoài nghe thấy.

Ngồi lắng nghe câu chuyện của những người lính biên phòng, anh Lý A Nhì (dân tộc Dao, 42 tuổi, bản Ngàn Chuồng) cười bảo, bộ đội biên phòng giúp đỡ dân bản nhiều lắm. 

"Chúng tôi hiểu và cũng bảo nhau không được đi qua biên giới trái phép. Tranh thủ lúc trâu đang đi ăn cỏ, tôi chặt mấy cây tre ở ngoài khe nước rồi chở vào cho bộ đội gia cố thêm lều bạt”, Lý A Nhì nói.

Những tảng đá lớn sạt lở ngang đường không ngăn được bước chân người lính tuần tra, kiểm soát nơi biên cương Tổ quốc.

Mong được động viên con thi tốt nghiệp

Chia tay những người lính ở chốt 1302, chúng tôi ngược đường quay lại Trạm kiểm soát biên phòng Đồng Văn (thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô).

Tại chốt ở mốc biên giới 1322, Thiếu tá Nguyễn Đức Thọ - Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Đồng Văn cùng một cán bộ khác đang trực tại đây. Hai cán bộ khác đang đi tuần tra dọc biên giới. 

Bên chén trà nóng nơi miền biên viễn, giọng Thiếu tá Thọ bỗng trở nên tâm tư khi được hỏi về những khó khăn của lính biên phòng nơi đây.

Ở đây có những đồng chí từ Tết tới giờ chưa biết nhà đâu, hoặc có người trực chốt ròng rã suốt 4 tháng từ sau Tết âm lịch. Khi Chính phủ dỡ bỏ giãn cách xã hội, anh em được về thăm nhà 4-5 ngày lại trở về đơn vị tiếp tục nhiệm vụ.

Có cán bộ ở trạm, sắp tới con thi tốt nghiệp lớp 12, muốn về động viên con nhưng nhiệm vụ còn nặng trên vai nên anh ấy chỉ có thể động viên con qua điện thoại”, Thiếu tá Thọ chia sẻ.

Chúng tôi trở về Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô khi trời đã quá trưa. Đâu đó trong tôi vẫn đọng lại câu nói của Thiếu tá Thọ rằng, dù rất nhiều khó khăn nơi biên ải nhưng với người lính, không khó khăn nào bằng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Minh Khang - Nguyễn Huệ

Tin mới