Sau COVID-19, ngành F&B đang dần “hồi sinh” với loạt thương hiệu đình đám từ nhà hàng, quán ăn tới trà, cà phê. Ở TP.HCM, khi nhắc tới mảng kinh doanh đồ ăn, thức uống, không thể bỏ qua cơm tấm.
Tương tự cà phê, cuộc đua giành thị phần của thị trường cơm tấm tại TP.HCM diễn ra quyết liệt.
Tại TP.HCM, khi nhắc tới thương hiệu cơm tấm lâu đời, được lòng thực khách nhất, Kiều Giang là cái tên không thể bỏ qua. Không rõ do “tuổi đời” hay hương vị đặc biệt, nhưng suốt chặng đường hình thành và phát triển, Kiều Giang hiếm khi nào bị thực khách ca thán về chất lượng.
Năm 1989, với “máu” kinh doanh sẵn có, cô gái 19 tuổi Nguyễn Kiều Giang khiến nhiều người bất ngờ khi quyết định tự mở quán cơm tấm mang tên mình.
Chi nhánh khai sinh thương hiệu cơm tấm đình đám này được đặt gần cầu Sài Gòn, hoạt động theo mô hình kinh doanh gia đình: Tự đi chợ, tự nấu, tự phục vụ… Dù vậy, thời điểm đó, bà Nguyễn Kiều Giang đã ấp ủ một ngày không xa sẽ có cả hệ thống cơm tấm mang tên mình khắp Sài Gòn.
Khách đông từ những ngày đầu khai trương, song vì nhiều lý do, phải 10 năm sau (năm 1999), chi nhánh thứ hai mới được ra mắt. Cũng từ đây, doanh nhân Nguyễn Kiều Giang thành lập Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Xuất nhập khẩu Kiều Giang, chủ sở hữu thương hiệu cơm tấm này.
Chi nhánh thứ hai của cơm tấm Kiều Giang đặt gần cầu Rạch Chiếc, cũng luôn trong tình trạng kín bàn như chi nhánh đầu tiên.
Đến năm 2019, sau 30 năm hình thành, cơm tấm Kiều Giang có 7 chi nhánh. Trong đó, 4 chi nhánh ở TP.HCM, 3 chi nhánh ở Đồng Nai, Tiền Giang và Cần Thơ. Mỗi chi nhánh đều tọa lạc trên mặt bằng rộng hàng nghìn mét vuông, nằm chủ yếu tại khu vực cửa ngõ TP.HCM.
Cũng chính vì điều này, thương hiệu cơm tấm Kiều Giang đã khiến không chỉ người dân TP.HCM, mà gần như cả người dân vùng Nam Bộ biết đến mình. Có thời điểm, Kiều Giang nổi đến nỗi làm người ta rỉ tai nhau: “Đi Sài Gòn mà chưa ăn cơm tấm Kiều Giang thì là chưa đi!”.
Về giá cả, đa số đều cho rằng cơm tấm Kiều Giang có mức giá khá cao. Tuy nhiên, chất lượng không thể phủ nhận. Chuẩn hạt gạo tấm, thịt tươi ngon, vị ướp đậm đà, không gian quán rộng rãi, thoáng mát… những lý do này khiến người sành ăn không ngại ngần bỏ một mức giá cao hơn thị trường để đến với Kiều Giang.
Một điều đặc biệt Kiều Giang đã làm được, đó là dù không liên tiếp mở quá nhiều chi nhánh, nhưng trong suốt chặng đường hình thành, thương hiệu cơm tấm này vẫn luôn giữ được một vị trí rất riêng. Để rồi, theo thời gian, Kiều Giang trở thành thương hiệu cơm tấm “huyền thoại”.
Ở TP.HCM, ngoài Kiều Giang thì trong một khoảng thời gian dài, gần như hơn một thập kỷ, khi nhắc tới cơm tấm người ta nghĩ ngay tới Cali.
Cơm tấm Cali thuộc Công ty Cổ phần Ngọc Lễ F&B, do ông chủ người Mỹ gốc Việt sáng lập. Khác với Kiều Giang, cơm tấm Cali đã định hình là chuỗi thương hiệu ngay từ ngày đầu thành lập.
Mở chi nhánh đầu tiên vào năm 2007, trên đường Nguyễn Trãi (Quận 1), cơm tấm Cali lập tức “làm mưa, làm gió” khi đột phá đưa cơm tấm từ món ăn vỉa hè bình dân, trở thành món ăn trong nhà hàng sang trọng.
Từ thời điểm khai trương chi nhánh đầu tiên, cơm tấm Cali trở thành đối thủ khiến hàng loạt quán cơm tấm truyền thống tại TP.HCM kiêng dè.
Năm 2009, sau 2 năm thành lập, Cali có 6 chi nhánh. Tất cả đều án ngữ tại những vị trí đắc địa, được xem là “đất vàng” ở TP.HCM.
Những năm tiếp theo, Cali lần lượt mở thêm nhiều chi nhánh. Đơn cử, năm 2013, thương hiệu đình đám này mở thêm 4 chi nhánh: Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Crescent Mall (Quận 7), Nguyễn Chí Thanh (Quận 5), Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận). Năm 2014 - 2015, các chi nhánh mới lần lượt mọc lên tại Parkson Hùng Vương (Quận 5) và Vivocity (Quận 7)…
Đỉnh điểm phải kể đến giai đoạn 2017-2018, có thời điểm mỗi tháng thương hiệu này mở thêm 1 chi nhánh mới. Với độ “hot” sẵn có, cùng với việc mạnh tay truyền thông, tài trợ cho nhiều cuộc thi sắc đẹp nổi tiếng, thương hiệu này ngày càng được phủ khắp.
Đến 2019, Cali cán mốc 29 chi nhánh tại TP.HCM.
Thế nhưng, sau hành trình huy hoàng, cả Kiều Giang lẫn Cali hiện không còn được nhắc đến nhiều. Cả hai lần lượt đóng chi nhánh, hoạt động cầm chừng. Nhiều người tiếc nuối khi hai thương hiệu từng nổi đình đám này đang có dấu hiệu rơi vào lãng quên.
Tính đến tháng 6/2024, cơm tấm Kiều Giang chỉ còn 2 chi nhánh đang hoạt động tại đường Trần Quang Khải (Quận 1) và đường Song Hành (TP Thủ Đức). Các chi nhánh khác lần lượt đóng cửa từ năm 2019.
Về “biến cố” khiến Kiều Giang đi lùi, ngoài biến động về kinh tế chung, phải nhắc đến khủng hoảng truyền thông năm 2018.
Tháng 8/2018, Đội Quản lý ATTP số 2 TP.HCM đến kiểm tra chi nhánh cơm tấm Kiều Giang trên đường Xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức). Thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện 1.029kg đường và phụ gia tại chi nhánh này không có nhãn mác, hóa đơn chứng từ. Ngoài ra, có 5 nhân viên tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không mang khẩu trang, khu vực chế biến không đảm bảo vệ sinh.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, yêu cầu cơ sở bảo quản lô hàng đã được niêm phong cho đến khi giải quyết xong vụ việc.
Dù chưa có kết luận, một số tờ báo đưa tin: “Cơm tấm Kiều Giang bị phát hiện sử dụng nguyên liệu lạ”. Thông tin này khiến dư luận xôn xao, thực khách ồ ạt quay lưng với Kiều Giang.
Ban quản lý ATTP TP.HCM sau đó có kết luận cơm tấm Kiều Giang chỉ vi phạm 2 lỗi: Có ruồi trong khu vực chế biến và người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không mang khẩu trang. Đối với số đường và phụ gia bị niêm phong, cơm tấm Kiều Giang đã xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp lệ.
Tổng số tiền Công ty Kiều Giang bị xử phạt là 2,3 triệu đồng.
Sau khi có kết luận từ Ban quản lý ATTP, nhiều tờ báo đã đăng tin đính chính, xin lỗi cơm tấm Kiều Giang.
Dù đã được minh oan, song biến cố đó khiến thương hiệu Kiều Giang bị ảnh hưởng nặng nề. Doanh thu cũng sụt giảm trầm trọng.
Ghi nhận của PV tại chi nhánh Trần Quang Khải, quy mô quán nhỏ, nằm ở mặt đường, lượng khách ổn định vào giờ trưa. Ngoài giờ cao điểm này, quán chỉ lác đác khách. Còn tại chi nhánh Song Hành, có những ngày, lượng khách chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đối với “ông trùm” một thời Cali, từ con số 29, đến tháng 6/2024, họ chỉ còn 7 chi nhánh. Những chi nhánh đầu tiên của thương hiệu này ở Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, hay Võ Văn Tần nay đều không còn. Trái ngược cảnh mỗi tháng mở 1 chi nhánh như trước, có thời điểm Cali lại phải ồ ạt đóng cửa, trả lại mặt bằng.
Việc án ngữ tại các vị trí đắc địa với phí thuê mặt bằng cao chót vót, không gian quán theo tiêu chuẩn nhà hàng, nhân viên đãi ngộ cao… Cali đang tiêu tốn mỗi ngày cả chục triệu đồng cho mỗi chi nhánh.
Ghi nhận thực tế của PV vào 12h trưa, giờ các quán cơm thường “cháy” hàng, chi nhánh của Cali tại Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) chỉ có vài khách đến ăn. Trái ngược với cảnh nhộn nhịp khách ra - vào của quán cơm kế bên.
Lý do chi nhánh Xô Viết Nghệ Tĩnh vắng khách được cho là do các quán cơm khác mọc lên bên cạnh.
Ở 6 chi nhánh còn lại, lượng khách khá ổn định.
Về chất lượng, cơm tấm Cali được cho là không thay đổi nhiều so với ngày mới bắt đầu. Vẫn là những phần ăn chất lượng với gạo và thịt được chọn lựa kỹ. Tuy nhiên, xét về giá cả, ngoài việc phần cơm có mức giá "trên trời" so với thị trường, thì những món gọi kèm như trà đá giá 15.000 đồng/ly là điều khiến thực khách khó chấp nhận.
Ngoài ra, việc chọn các trung tâm thương mại làm nơi đặt chi nhánh có lẽ là phương án chưa thật sự phù hợp đối với cơm tấm Cali. Bởi, cơm tấm vốn là món bình dân, tiện lợi, dễ dàng ghé đến, trong khi đó trung tâm thương mại lại là nơi khá mất thời gian để tới lui. Chưa kể, trung tâm thương mại còn là nơi luôn đa dạng món để thực khách chọn lựa.
Là “đàn em” mới nổi, thế nhưng Phúc Lộc Thọ đang dần chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường cơm tấm tại TP.HCM.
Trong khi “đàn anh, đàn chị” gồng mình cầm cự, Phúc Lộc Thọ lại liên tiếp mở chi nhánh mới. Chỉ trong thời gian ngắn, thương hiệu này mở ra 36 chi nhánh phủ khắp TP.HCM và Bình Dương.
==> Mời quý vị đón đọc kỳ 2: Cơm tấm Phúc Lộc Thọ ‘xưng vương’