Video: Đại tá Nguyễn Quang Hùng tiết lộ phương pháp tiêu diệt pháo đài bay B-52
“Mời anh em vào uống chén trà rồi tôi kể chuyện bắn máy bay Mỹ cho mà nghe”, Đại tá Nguyễn Quang Hùng, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân, vừa mở cửa vừa cười hiền hậu mời nhóm phóng viên vào nhà. Ông vui vẻ giới thiệu luôn về khu ban công rậm rạp cây xanh, nơi ông thường xuyên ngồi uống trà, đọc sách mỗi buổi sáng sớm và chiều muộn.
Trong bộ quân phục nghiêm chỉnh, cùng chất giọng trầm ấm, câu chuyện về thời kỳ hào hùng của bộ đội tên lửa, về những chiến công thần kỳ của quân và dân trong kháng chiến chống Mỹ được ông kể một cách rất tự nhiên, làm phóng viên háo hức lắng nghe. Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Quang Hùng đã cùng đồng đội bắn rơi 21 máy bay Mỹ, trong đó có 3 chiếc B-52.
Đại tá Nguyễn Quang Hùng kể chuyện bắn máy bay B-52 với VTC News.
Chàng trai Nguyễn Quang Hùng sinh năm 1944, là con thứ trong gia đình ở La Phù (Hoài Đức, Hà Đông). Năm 1958, Nguyễn Quang Hùng thi vào trường cấp 2 Nguyễn Huệ - Hà Đông. Năm 1961, nam sinh được vào học thẳng lớp 8 của trường. Tháng 4 năm 1963, khi đang là học sinh lớp 9 của trường Nguyễn Huệ - Hà Đông, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng thanh niên trẻ viết đơn tình nguyện nhập ngũ.
“Khi mình đang học lớp 9 tại trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội), theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi sẵn sàng lên đường nhập ngũ. Anh trai của tôi nhập ngũ năm 1962, đến năm 1963, tôi vào Sư đoàn Phòng không 367”, ông Hùng bồi hồi nhớ lại.
Hôm chia tay các bạn, thầy Nguyễn Minh Tuý - giáo viên chủ nhiệm lớp 9B của ông Hùng dặn dò: “Vào môi trường mới, tiếp tục học tập, phấn đấu, chắc tay súng theo bước chân của tướng quân Nguyễn Huệ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Đáp lại lời thầy, Nguyễn Quang Hùng nói giọng rắn rỏi: “Thầy cứ tin ở em và các bạn cứ tin ở tôi”.
Sau ba tháng nhập ngũ tại Trung đoàn 220, Sư đoàn Phòng không 367, anh lính binh nhì Nguyễn Quang Hùng vinh dự được cử đi học tên lửa Phòng không ở Liên Xô với lý lịch gia đình cơ bản, sức khỏe tốt và trình độ học vấn cấp 3. Tuy nhiên, vì lý do khách quan cũng như hoàn cảnh chiến tranh ở Việt Nam, ông Hùng chưa được sang trực tiếp Liên Xô học tập. Trong thời gian chờ đợi, ông Hùng học tập văn hóa và ngoại ngữ ở trung đoàn 228B.
“Ngày 7/2/1965, Bác Hồ làm việc với ông Aleksey Nikolayevich Kosygin, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đang ở thăm nước ta lúc đó. Bác đặt vấn đề về việc Liên Xô giúp tên lửa Phòng không cho Việt Nam. Ông Kosygin trả lời ngay: “Hiệp định đã ký giữa Chính phủ hai nước, chúng tôi sẵn sàng thực hiện bất cứ lúc nào. Vì hoàn cảnh chiến tranh, cần gấp rút có lực lượng chiến đấu nên bạn đã đồng ý đưa khi tài và con người sang Việt Nam giảng dạy và bàn giao”, ông Hùng kể lại cơ duyên được học tập với những chuyên gia đến từ Liên Xô.
Trung đoàn 228B với hình hài là biên chế cho một trung đoàn tên lửa. Quý II năm 1965, Trung đoàn 228B đã về vị trí mới để nhận khí tài và học tập tên lửa phòng không. Tại đây, nhiều cán bộ đi học ở Liên Xô và Trung Quốc về.
Từ 5 đại đội của Trung đoàn 228B, sau khi được bổ sung quân số, biên chế thành Trung đoàn Tên lửa 236, có 4 tiểu đoàn hỏa lực gồm Tiểu đoàn 61, Tiểu đoàn 62, Tiểu đoàn 63, Tiểu đoàn 64 và Tiểu đoàn Kỹ thuật 65. Ông Hùng ở Đại đội 2 của Trung đoàn 228B, nay là Tiểu đoàn 62 thuộc Trung đoàn 236.
Đại tá Nguyễn Quang Hùng kể về những chiến công hiển hách của người lính tên lửa.
Những dòng ký ức miên man, đưa ông trở về những năm tháng hào hùng nhất trong cuộc đời của người lính. Ông cảm thấy hạnh phúc khi được cùng đồng đội lập nên những chiến công hiển hách ghi dấu đậm nét của bộ đội tên lửa. Trong số hơn 100 trận đánh ông trực tiếp cùng đồng đội tham gia, 3 chiến công vào các năm 1965, 1967 và 1972 khiến ông Hùng không thể nào quên. Đó là những ngày tháng gian lao nhưng cũng đầy vinh quang của dân tộc và đối với riêng người lính trẻ Nguyễn Quang Hùng.
Vào mùa hè năm 1965, sau vài tháng được chuyên gia Liên Xô tận tình hướng dẫn lý thuyết của khí tài tên lửa, các tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 236 đã nắm vững phương pháp, bắt tay vào triển khai trận địa.
Ngày 24/7/1965, trong lúc chuẩn bị khí tài, chiến sĩ trắc thủ Nguyễn Quang Hùng bất ngờ nhận tin báo tên lửa Tiểu đoàn 63 và 64 ra quân ngay trận đầu đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Trong đó, có chiếc thứ 400 rơi trên bầu trời miền Bắc. Chiến thắng này không chỉ ghi một mốc chói lọi vào truyền thống của lính tên lửa, mà còn trùng với ngày sinh nhật nên được ông coi như “món quà tuổi 21”.
“Đây là món quà sinh nhật lần thứ 21 vô giá mà tôi sẽ mang theo suốt đời”, ông Nguyễn Quang Hùng cười tươi chia sẻ.
Trận đầu tiên diễn ra ngày 5/11/1965 tại Ninh Bình, khi ấy, ông tròn 21 tuổi và mới là trắc thủ cự ly của Tiểu đoàn 62 thuộc Trung đoàn 236. Ông và các đồng đội đã phát hiện máy bay không người lái bay cao từ biển vào.
Bằng sự tự tin qua nhiều lần học tập, kíp trắc thủ điều khiển quả đạn nổ trùm lên mục tiêu, máy bay không người lái của địch rơi ở khu vực thị xã Ninh Bình.
“Tất cả reo hò sung sướng. Trên xe điều khiển lúc này có cả anh Trần Xanh (Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 236) và sĩ quan điều khiển của bạn. Anh Trần Xanh lập tức lên xe đi tìm xác máy bay không người lái mang về. Đơn vị về cấp 2 rút kinh nghiệm chiến đấu. Buổi rút kinh nghiệm tất nhiên là vui, mọi người không nói ra nhưng ai cũng nghĩ, nếu những lần gặp địch trước cứ mạnh dạn bắn đi chắc có nhiều niềm vui hơn. Trận đánh đã phá vỡ bế tắc trong quyết tâm đánh địch của mọi người. Kết thúc buổi rút kinh nghiệm, mọi người về lán nghỉ ngơi, nhưng chắc không ai ngủ được vì quá phấn chấn”, Đại tá Nguyễn Quang Hùng vui vẻ nhớ lại.
Ngay sau đó chẳng bao lâu, “Keng - keng - keng - keng…”, kẻng báo động lại vang lên. Mọi người trên trận địa nhanh chóng vào vị trí chiến đấu. Mọi người đều toát lên vẻ tự tin. Khi tài nhanh chóng được kiểm tra và đưa vào vị trí chiến đấu. Vẫn là kíp điều khiển của trận trước nhưng mọi người bình tĩnh, tự tinh hơn.
Trận này là đánh máy bay cường kích F-105 nên không ngon ăn như trận trước. Địch có nhiều thủ đoạn đối phó với tên lửa, hướng địch bay vào có nhiều đồi núi, địa vật nhiều, sẽ khó phát hiện và bám sát mục tiêu.
Ba trắc thủ bám sát bằng tay chính xác, quả thứ nhất nổ ở cự ly 22km, máy bay đi đầu tan tành, định chuyển bám chiếc thứ hai thì phát hiện nó đã tụt xa khỏi đường nằm ngang (đường cự ly), rơi nốt nên ba trắc thủ chuyển ngay sang chiếc thứ 3 nhưng sai số lớn, quả thứ hai không nổ, chiếc máy bay thứ 3 của Mỹ thoát chết.
“Trận đánh thật mỹ mãn. Bám sát mục tiêu bằng tay. Một quả tên lửa diệt tại chỗ hai chiếc F-105. Đây là trận đánh có một không hai trong chiến tranh chống Mỹ của bộ đội tên lửa. Ông Trần Xanh chưa kịp mang xác máy bay không người lái về đã chạy sang Nho Quan nhặt xác cường kích F-105. Mệt quá nhưng vui nên hết mệt”, ông Hùng tự hào kể về chiến công hiển hách bậc nhất cuộc đời của mình. Khi ấy, ông vừa tròn 21 tuổi.
Trận thứ hai diễn ra trên bầu trời Hà Nội. Ngày 6/11/1967, địch lại tổ chức đánh lớn vào Hà Nội đúng dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Lúc đó, ông Hùng đã là sĩ quan điều khiển. Trận địa của Tiểu đoàn 62 ở khu vực làng Nhật Tân, được giao nhiệm vụ chặn đánh đội hình gồm 16 chiếc F-105 vào oanh tạc Thủ đô Hà Nội.
Mặt trời lên từ sớm. Khoảng hơn 7h thấy trực ban tác chiến vừa hô “Cấp 1” vừa gõ kẻng. Mọi người khẩn trương mở máy kiểm tra. Sau khi kiểm tra chức năng xong, tôi thường có thói quen bật ăng-ten kiểm tra nhiễu một vòng, bất ngờ xuất hiện nhiễu hướng đông, liền cho bám sát và báo cáo. Ít phút sau, trên tiêu đồ xuất hiện một tốp 16 chiếc F-105 ở cự ly 60 km. Ông Nguyễn Quang Hùng làm động tác chọn dải và cho bám sát, ba đạn cũng đã chuẩn bị.
Khi địch bắt đầu triển khai đội hình chuẩn bị ném bom, ba trắc thủ Triệu Tuấn Tú, Nguyễn Quốc Vượng và Nguyễn Xuân Mai hiệp đồng chặt chẽ, nhẹ nhàng điều khiển hai quả đạn tên lửa. Đến cự ly 21 km, quả thứ nhất nổ, mục tiêu tan tành từng mảnh, xác chiếc F-105 rơi xuống cánh đồng Yên Phong.
Thấy máy bay chỉ huy bị tan xác ngay trước mặt, các tốp sau quăng bom bừa bãi, ù té chạy. Cầu Đuống vẫn an toàn.
Cả Hà Nội chứng kiến. Các chuyên gia quân sự Liên Xô dự kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga ở Hà Nội thỏa sức chụp ảnh chứng kiến tên lửa bắn tan xác máy bay Mỹ trên bầu trời Thủ đô của Việt Nam.
“Đây là chiếc máy bay Mỹ thứ 2.500 bị bắn rơi tại miền Bắc. Đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, vội gửi ngay mảnh xác chiếc máy bay thứ 2.500 theo đường hàng không để kịp tặng nhân dân Liên Xô, mừng kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Được tin, Bác Hồ đã khen ngợi đơn vị bắn rơi máy bay và khen ngợi sáng kiến của đồng chí Trần Duy Hưng”, Đại tá Nguyễn Quang Hùng kể lại kỷ niệm theo ông suốt cả cuộc đời.
Nhờ chiến công đặc biệt này, ông và đồng đội được nhiều báo đài phỏng vấn, đưa tin.
“Từ ngày đi đánh Mỹ, đây là lần đầu tiên Tiểu đoàn 62 có tên trên mặt báo, tên của từng thành viên kíp chiến đấu cũng được nêu trên báo. Tôi được các báo “phong” là “sĩ quan” điều khiển trong khi vẫn là Thượng sĩ, trắc thủ cự ly ngồi ghế sĩ quan điều khiển thao tác.
Đài Tiếng nói Việt Nam miêu tả tôi là “sĩ quan điều khiến trẻ măng”. Chúng tôi xin cảm ơn lời động viên của cơ quan truyền thông. Nhưng sung sướng nhất vẫn là trong vòng 11 ngày, chúng tôi đã bắn tan xác ba máy bay Mỹ, trả thù cho đồng đội, đồng bào, cô giáo và 26 em nhỏ đã bị máy bay Mỹ sát hại ngày 13/8/1966 ở Nhật Tân. Ngay ngày hôm sau, chúng tôi đã nhận được phần thưởng của Thành ủy Hà Nội là một chiếc đài bán dẫn. Chúng tôi đã mang nó theo suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, ông Hùng cười tươi nhớ lại.
Chiến công đáng nhớ thứ ba xuất hiện vào tháng 7/1972, khi Đại tá Nguyễn Quang Hùng cùng Tiểu đoàn 62 nhận nhiệm vụ bảo vệ đội hình chiếm giữ thành cổ Quảng Trị. Trận đánh này được nhận xét là xuất sắc khi đây là lần đầu tiên ông đứng ở vị trí chỉ huy tiểu đoàn.
Tối 12/7/1972, Tiểu đoàn 62 của ông nhận nhiệm vụ ngăn chặn 1 tốp 3 chiếc B-52 đánh vào không phận thành cổ Quảng Trị.
Vào thời điểm quyết định, 3 quả tên lửa vút lên, chiếc “pháo đài bay” đi giữa đội hình nổ tan tành, lửa thắp sáng rực cả một vùng trời đêm. Chiến công này đã góp phần ngăn không cho một quả bom nào rơi xuống Thành cổ Quảng Trị trong đêm hôm đó.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Nixon đã lệnh cho các lực lượng tác chiến Mỹ và Việt Nam Cộng hoà bằng mọi giá phải vào được thành cổ Quảng Trị, quay phim, chụp ảnh để đến ngày 13/7 trong cuộc họp bốn bên ở Hội nghị Paris, những tài liệu ấy sẽ trở thành sức ép trên bàn đàm phán.
Tuy nhiên, với nỗ lực và tinh thần quyết tâm của các tiểu đoàn tên lửa, trong ngày 12/7, không một quả bom nào rơi xuống thành cổ. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tá Nguyễn Quang Hùng, Tiểu đoàn 62 lập công khi bắn hạ một chiếc B-52.
Điều này đồng nghĩa với việc không một bức ảnh nào chụp được thành cổ trong đêm 12/7 và đến sáng hôm sau, Nixon phải tuyên bố hủy bỏ cuộc họp vô thời hạn.
Đại tá Nguyễn Quang Hùng hồi tưởng về những ngày chiến đấu oanh liệt cùng đồng đội.
Sau đó, vào tháng 9/1972, chỉ trong 9 ngày, ông Hùng cùng đồng đội còn bắn rơi thêm 2 máy bay B-52 của Mỹ.
Ngày 6/9/1972, khí tài đã hoàn chỉnh triển khai trong lô cao su của Đội Tiền Phong, Nông trường Phú Quý, Quảng Bình. Đến 16h30, Tiểu đoàn 62 trực sẵn sàng chiến đấu. Kíp chiến đấu tranh thủ hội ý nhận xét về địch và bàn cách đánh. Vì đạn có ít, Tiểu đoàn 62 chỉ tập trung đánh B-52.
“Địch hoạt động ở đây không khác gì Quảng Trị. Khí tài đang hỏng máy phát nên cứ “bám thắt lưng địch mà đánh” (cứ bám dải nhiễu mà đánh)”, Đại tá Nguyễn Quang Hùng nhớ lại.
Lúc 17h10, đài 1 phát hiện nhiễu. Vừa kiểm tra chức năng xong, trắc thủ tiêu đồ phát hiện tốp B-52 ở độ cao 10km. Phương pháp bám sát bằng tay vào dải nhiễu, đạn điều khiển theo phương pháp ba điểm, ngòi nổ 11,5 giây.
Mục tiêu bắt đầu chuyển hướng bay, trắc thủ phương vị nhẹ nhàng điều chỉnh cho tâm cánh sóng nhiễu trùng tâm cánh sóng thu của đài điều khiển, hai đạn đều nổ ở cự ly 31 km.
“Không nghe thấy tiếng bom, nhiễu mờ dần, giảm độ cao nhanh. Kết quả một B-52 bị tan xác”, ông Nguyễn Quang Hùng nhớ lại.
Tiểu đoàn quyết định đánh tại đây một trận nữa, xe thu phát chữa khí tài, kíp xe điều khiển rút kinh nghiệm trận đánh và hài lòng vì cách “lấy gậy ông đập lưng ông”.
“Dải nhiễu B-52 phát ra để chế áp tên lửa, nhưng chế áp đâu không biết, các trắc thủ tên lửa đã lợi dụng bám vào dải nhiễu đó mà đánh vì chắc chắn có B-52 trong đó. Mỹ đâu có hay!”, Đại tá Nguyễn Quang Hùng vui vẻ chia sẻ về bí kíp đánh B-52.
Vài ngày sau, ông Hùng cùng đồng đội lại bắn tan xác thêm một “pháo đài bay B-52” của Mỹ.
Chiều 15/9, ông Nguyễn Quang Hùng đã viết điện báo cáo Trung đoàn 236A xin phép tối được nạp đạn chiến đấu, đồng thời thông báo cho đơn vị kiểm tra công tác chuẩn bị thật chu đáo. Tiểu đoàn đã kiểm tra kỹ mọi mặt và lệnh 16h30 mọi người có mặt ở vị trí chiến đấu.
Mọi việc diễn ra như dự kiến, đúng 19h10 khí tài đã sẵn sàng chiến đấu. Kẻng báo động vang lên, tiếng hộ truyền miệng nhau: “Cấp 1... Cấp 1”. Lúc này là 20h 50, trực ban tác chiến báo cáo: “Phát hiện tốp B-52 số hiệu 247, hướng Tây Nam”. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Quang Hùng hô: “Chuẩn bị hai đạn tốt”.
Đài điều khiển nhanh chóng được kiểm tra. Khẩu lệnh ngắn gọn của chỉ huy: "Bám sát dải nhiễu phương vị 235 độ”.
“Lúc này là 20h 55, đạn nổ trúng mục tiêu: quả 1 ở cự ly 30km, quả thứ 2 ở cự ly 28 km. Không có quả bom nào nổ. Kíp chiến đấu xác định B-52 bị tiêu diệt. Đồng chí Ly Sơn - Phó Chính ủy Sư đoàn 377 thông báo, cấp trên xác định Tiểu đoàn 62 đã bắn rơi một B-52 đêm 15/9”, Đại tá Nguyễn Quang Hùng nhớ lại.
Dù lập nhiều chiến công trên khắp các mặt trận ác liệt, nhưng đến bây giờ, Đại tá Nguyễn Quang Hùng vẫn mang niềm tiếc nuối lớn nhất đời binh nghiệp khi đơn vị của ông không kịp có mặt ở Hà Nội trong 12 ngày đêm bão lửa. Thời gian đó, ông cùng Trung đoàn 236 vẫn ở Quảng Trị để bảo vệ vùng giải phóng.
Kể đến đây, giọng Đại tá Nguyễn Quang Hùng như nghẹn lại.
“Đột nhiên được tin đêm 18/12/1972, địch dùng B-52 đánh Hà Nội. Tôi nằm đây nhưng tâm hồn ở ngoài Hà Nội. Giá như lúc này Trung đoàn 236 có mặt ở Hà Nội thì tốt biết mấy. Từng đánh rơi đủ loại máy bay, đặc biệt đã bắn rơi đến 9 chiếc B-52 từ đầu năm tới giờ. Kinh nghiệm đánh nhiễu, kinh nghiệm đánh B-52 thời điểm này chắc chưa ai hơn Trung đoàn 236. Nằm đây không đánh đấm gì mà Hà Nội đang bị B-52 tàn phá, ai mà không xót xa. Trong đội ngũ 9 cô gái thông tin của Sở chỉ huy Trung đoàn 236B rút ra Sư đoàn 361 hồi tháng 9/1972, có đồng chí Đỗ quê Hà Bắc đã hy sinh ngay tại Hòa Mục đêm 18/12/1972”.
Mãi tới sau khi Ních-xơn tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra (7h ngày 30/12/1972), ông Hùng mới nghe tin Trung đoàn 236 chuyển về Hà Nội.
“Nếu chúng tôi có mặt sớm hơn, Hà Nội đỡ tổn thất, đồng bào được cứu sống nhiều hơn. Mọi năm thường cứ gần Tết là Trung đoàn 236 lại về bảo vệ đồng bào Hà Nội. Tội ác giặc Mỹ xâm lược với người Việt Nam, đời đời kiếp kiếp còn ghi lại”, giọng ông trầm lại.
Hai cuốn hồi ký của Đại tá Nguyễn Quang Hùng: "Chuyện của tôi" và "Sam-2 vít cổ B-52 như thế đấy".
40 năm quân ngũ là quãng đời phấn đấu kiên trì, bền bỉ của Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Quang Hùng. Ông cũng là trường hợp hiếm hoi trong lịch sử của Binh chủng Tên lửa phòng không trưởng thành từ người lính trắc thủ, lên sĩ quan điều khiển, rồi tiểu đoàn trưởng. Và ở cả ba vị trí trên, ông đều cùng đồng đội đạt những chiến tích vẻ vang bắn rơi máy bay Mỹ.
Kể về quá trình viết hồi ký "Chuyện của tôi", ông cười hồn hậu cho rằng đây là "hành động táo bạo" vì bản thân bây giờ đã già nhưng vẫn cố gắng làm được điều gì đó để lại cho con cháu và thế hệ mai sau. Đại tá Nguyễn Quang Hùng đã dùng nhiều tháng trời tổng hợp lại các tài liệu, ghi chép và chỉnh sửa nên cuốn hồi ký dày dặn và hấp dẫn.
“Trong này tất nhiên là có cái gì diễn ra trong đời mình, chuyện chiến đấu của mình, mình ghi cả trong này”, ông cười tươi chia sẻ.
Đây có thể coi là cuốn tư liệu lịch sử và cẩm nang về chiến đấu dành riêng cho bộ đội tên lửa, bởi mọi sự kiện, số liệu, lối đánh, kỹ năng tiêu diệt máy bay địch đều được tác giả miêu tả đầy đủ, chi tiết.
Đáng chú ý, trong cuốn hồi ký có phần phụ lục ghi lại tất cả trận đánh thắng của Trung đoàn 236 trên mọi miền Tổ quốc. Đây là tài liệu quan trọng mà cá nhân ông có ý thức ghi chép, giữ gìn trong suốt thời gian chiến đấu.
"Đời người trôi qua thật nhanh, tôi bằng lòng với tất cả những gì đã đến với mình", Đại tá Nguyễn Quang Hùng cười tươi chia sẻ trước khi kết thúc buổi trò chuyện với phóng viên.