Theo AP, trên chiến trường Ukraine, những hành động đơn thuần như liên lạc với người khác bằng điện thoại hoặc bộ đàm có thể báo hiệu cho một cơn mưa đạn pháo. Cả hai bên tham chiến đều đang triển khai nhiều hình thức khác nhau nhằm áp chế đối phương bằng các hệ thống tác chiến điện tử. Đó là chưa kể đến sự hỗ trợ của radar pháo binh và máy bay do thám không người lái luôn "le ve" trên không.
Những điều kể trên chỉ là một phần nhỏ trong cuộc chiến tranh điện tử đang diễn ra ở Ukraine. Nó giống như một khía cạnh vô hình của cuộc xung đột. Hầu hết các chỉ huy Nga hay Ukraine đều tránh nói về hoạt động áp chế điện tử do lo ngại lộ bí mật.
Cuộc chiến vô hình ở Ukraine
Nhiệm vụ chính của lực lượng tác chiến điện tử trên chiến trường thường nhằm vào hệ thống thông tin liên lạc, định vị và dẫn đường của đối phương, nhằm xác định vị trí, làm mù, đánh lừa đối phương hoặc hỗ trợ tung đòn tập kích trực tiếp. Ngoài ra nó cũng được sử dụng được để chống lại pháo binh, máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình, máy bay không người lái (UAV) của đối phương cũng như bảo vệ lực lượng đồng minh.
Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của quân đội Nga.
Quân đội Nga có lợi thế hơn Ukraine trong tác chiến điện tử. Tuy nhiên vì nhiều lý do hoạt động của lực lượng tác chiến Nga trên thực địa gần như không được ghi nhận trong giai đoạn đầu của chiến sự, khi lực lượng Nga áp sát thủ đô Kiev.
Bước sang giai đoạn 2, lực lượng tác chiến điện tử Nga đã thể hiện rõ sức mạnh của họ trên nhiều chiến trường trọng điểm ở miền đông Ukraine (Donbass), khu vực không đòi hỏi quá lớn về vấn đề hậu cần đủ để Nga có thể di chuyển các hệ thống tác chiến điện tử của họ đến gần chiến trường.
Theo một chỉ huy của Aerorozvidka – một đơn vị trinh sát bằng UAV của Ukraine nói: “Người Nga làm nhiễu mọi thứ mà hệ thống của họ có thể tiếp cận được. Về cơ bản chúng tôi không bị áp chế hoàn toàn nhưng họ tạo ra cho chúng tôi không ít khó khăn.”
Một quan chức tình báo Ukraine nhận định tác chiến điện tử của Nga là "mối đe dọa khá nghiêm trọng" khi làm gián đoạn các nỗ lực trinh sát và liên lạc giữa chỉ huy với binh sĩ. Quan chức này cho biết thêm Nga gây nhiễu các thiết bị thu tín hiệu GPS (Hệ thống định vị toàn cầu) trên UAV mà Ukraine sử dụng để xác định và chỉ thị mục tiêu cho pháo binh.
Ukraine được cho là đã đạt một số thành công trong đối phó với tác chiến điện tử của Nga. Họ tuyên bố đã thu giữ hoặc phá hủy một số khí tài tác chiến điện tử của Nga.
Ở thời điểm hiện tại các chuyên gia không thể đưa ra một đánh giá cụ thể về năng lực tác chiến điện tử của Nga, nhưng nhận định quân đội Nga đã có những tiến bộ nhất định kể từ năm 2014.
Đầu tháng 6/2022, Nga tuyên bố họ đã phá hủy một trung tâm tình báo điện tử của Ukraine ở thị trấn Dniprovske (tỉnh Mykolaiv). Tuyên bố này chưa được phía Ukraine xác nhận và từ chối bình luận.
Trong cuộc chiến ở Ukraine hiện nay, chiến tranh điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong những lần hai bên đối đầu.
Về phía Ukraine, họ cũng biết tận dụng hiệu quả sự hỗ trợ về công nghệ lẫn thông tin tình báo của Mỹ và các thành viên NATO trong việc đối phó mũi tấn công của Nga. Một trong số thông tin này có thể đã giúp Ukraine đánh chìm tuần dương hạm Moskva (thuộc Hạm đội biển Đen, Nga) theo như họ tuyên bố.
Tác chiến điện tử hiện đại được chia thành ba yếu tố cơ bản là trinh sát, tấn công và bảo vệ. Đầu tiên trong hoạt động trinh sát, lực lượng tác chiến điện tử thu thập thông tin tình báo qua định vị tín hiệu điện tử của đối phương. Khi tấn công, họ phát "nhiễu trắng" để vô hiệu hóa hoặc suy giảm năng lực hệ thống của đối phương, trong đó có liên lạc vô tuyến, điện thoại di động, radar phòng không hoặc radar pháo binh.
Trong hoạt động bảo vệ, lực lượng tác chiến điện tử có thể phát thông tin giả đánh lừa đối phương, khiến họ nhầm lẫn và có thể bắn trượt mục tiêu.
"Tác chiến trên chiến trường hiện đại mà không có dữ liệu là điều hết sức khó khăn", Đại tá Laurie Buckhout, một cựu chỉ huy đơn vị tác chiến điện tử thuộc lục quân Mỹ nhận định.
“Thử tưởng tượng, áp chế điện tử có thể nhanh chóng làm 'mù và điếc' một máy bay quân sự, điều rất nguy hiểm, đặc biệt khi phi công mất tín hiệu GPS và radar trong lúc đang bay với vận tốc hơn 900 km/h", ông Buckhout phân tích.
Tất cả những điều trên giải thích một phần nào đó sự bí mật xung quanh chiến tranh điện tử.
James Stidham, chuyên gia bảo mật từng làm tư vấn cho Bộ An ninh Nội địa Mỹ nhận xét tác chiến điện tử là lĩnh vực "được bảo mật cực kỳ nghiêm ngặt do phụ thuộc vào nhiều công nghệ tiên tiến, cũng như lợi ích thu được có thể bị sao chép và xóa sổ rất nhanh".
Ukraine cũng từng có những bài học đắt giá về áp chế điện tử vào năm 2014 và 2015, khi lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn áp đảo quân đội Ukraine bằng nhiều hình thức khác nhau trong đó có tác chiến điện tử. Quân đội Nga đã đánh bật máy bay không người lái khỏi bầu trời và vô hiệu hóa các đòn tấn công bằng tên lửa, khống chế mạng di động để thực hiện tâm lý chiến.
Ngay cả quân đội Mỹ cũng đã trải nghiệm về chiến tranh điện tử của Nga ở Syria. Đại tướng Raymond Thomas, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt Mỹ, mô tả hệ thống liên lạc của các phi công Mỹ "thường xuyên bị đánh sập tại Syria trong môi trường tác chiến điện tử dữ dội nhất". Hệ thống kiểm soát và cảnh báo trên không (AWACS) cũng bị những tổ hợp tiên tiến của Nga "bịt mắt".
Trong cuộc chiến ở Ukraine hiện nay, chiến tranh điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong những lần hai bên đối đầu.
Ukraine cũng từng có những bài học đắt giá về áp chế điện tử trong các cuộc giao tranh với lực lượng ly khai Donbass vào năm 2014 và 2015.
Sự chuẩn bị của quân đội Ukraine
Các quan chức Ukraine cho biết khả năng tác chiến điện tử của họ đã được cải thiện kể từ năm 2015. Hầu hết các thiết bị liên lạc vô tuyến đều đã được mã hóa theo chuẩn NATO. Chúng ít nhiều mang đến những lợi thế nhất định.
Tuy nhiên, trong những ngày đầu của cuộc chiến, lực lượng tác chiến điện tử Nga lại tỏ ra hoạt động kém hiệu quả và không thể vô hiệu hóa toàn bộ các đơn vị radar cảnh giới và phòng không của Ukraine.
Một số nhà phân tích cho rằng các chỉ huy Nga lo ngại việc đẩy các hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến lên quá gần tuyến đầu có thể dẫn đến việc chúng bị đối phương bắt giữ hoặc phá hủy. Việc vận hành các hệ thống này quá gần vùng địch kiểm soát cũng là một vấn đề.
Kể từ đầu xung đột, Ukraine tuyên bố đã thu được hoặc phá hủy một số khí tài tác chiến điện tử của Nga, trong đó có tổ hợp Krasukha-4 và Borisoglebsk-2.
Krasukha-4 có thể gây nhiễu tín hiệu vệ tinh, cũng như radar giám sát và vũ khí dẫn đường từ khoảng cách hơn 160 km. Borisoglebsk-2, được đánh giá là khí tài tiên tiến hơn, có thể gây nhiễu các hệ thống dẫn đường của UAV và tín hiệu vô tuyến kích nổ mìn có điều khiển.
Trung tướng Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu cho biết: “Những gì chúng tôi đang biết bây giờ là người Nga đã tạm ngưng sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử vì chúng ảnh hưởng đến hệ thống thông tin liên lạc của họ.”
Hệ thống tác chiến điện tử Borisoglebsk-2 của Nga được cho là bị Ukraine "bắt sống".
Hiện vẫn chưa rõ các hệ thống tác chiến điện tử của Nga có thể mang lại bao nhiêu lợi thế cho họ trên chiến trường. Ngoài ra cũng chưa rõ Nga triển khai bao nhiêu khí tài và đơn vị tác chiến điện tử tại Ukraine.
Giới chuyên gia phương Tây nhận định mỗi nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn (BTG) của Nga, gồm khoảng 1.000 quân nhân, được trang bị một đơn vị tác chiến điện tử. Lầu Năm Góc cho biết 110 BTG của Nga đang tham chiến ở Ukraine.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, họ đang có trong biên chế hơn 1.000 máy bay do thám không người lái cỡ nhỏ Orlan-10. Các UAV này được sử dụng để trinh sát, chỉ thị mục tiêu và cả gây nhiễu các thiết bị liên lạc vô tuyến.
Chuyên gia quân sự Samuel Bendett, thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân cho biết: “Nga đã mất khoảng 50 chiếc Orlan-10 kể từ khi xung đột diễn ra, nhưng những thiệt hại đó chỉ là một phần nhỏ của số UAV đang bay trên bầu trời Ukraine.”
Giới chuyên gia nhận định chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đang trở thành chiến trường quyết liệt giữa lực lượng tác chiến điện tử của cả hai bên, khi vô hiệu hóa UAV trở thành yếu tố chính để họ giành lợi thế.
Lực lượng pháo binh của Nga lẫn Ukraine đều dựa vào UAV trinh sát, khí tài thường xuyên được coi là yếu tố quyết định trong các trận đánh.