Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cục Trồng trọt bác thông tin '90% người Việt đang ăn gạo 'bẩn'

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định thông tin 90% người Việt đang ăn gạo "bẩn" là hoàn toàn sai sự thật.

Ngày 5/9, mạng xã hội xôn xao về lời của đại diện một doanh nghiệp nói tại một buổi tọa đàm: "Tôi xin khẳng định, 90% người Việt Nam ăn gạo bẩn, có khi 90% là khiêm tốn...".

Vị này cho biết, rất nhiều người nghĩ ăn gạo bẩn không chết, mà thực tế thì Việt Nam hay thế giới ăn gạo bẩn cũng không ai chết ngay cả. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây tỷ lệ người bị ung thư, tiểu đường… ngày càng tăng, mà nguyên nhân có sự góp phần của gạo bẩn, của thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo.

Thông tin 90% người Việt đang ăn gạo "bẩn" là không chính xác.

Thông tin này lập tức khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng về chất lượng của gạo Việt Nam. 

Tuy nhiên, trả lời báo chí, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, gạo Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang rất nhiều quốc gia có hàng rào kỹ thuật, đương nhiên phải đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Trong khi đó, ở Việt Nam không có vùng nào sản xuất riêng cho xuất khẩu, tất cả đều sản xuất chung phần để ăn và phần để xuất khẩu. Cũng có một số loại gạo hữu cơ sản xuất riêng nhưng với số lượng vài chục nghìn tấn.

"Do đó, không thể nói gạo Việt Nam là gạo bẩn được. Mặc khác, thị trường gạo Việt Nam đang cạnh tranh với các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Campuchia. Nếu gạo chúng ta là gạo bẩn thì làm sao bán được, làm sao cạnh tranh được?", ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, khi có những nhận định về một ngành sản xuất quan trọng với người nông dân, thì cần có những căn cứ, số liệu chính xác, khoa học, không nên có những nhận xét mang tính cảm tính. Điều này sẽ ảnh hưởng đến những thành công và phát triển vượt bậc của ngành lúa gạo Việt Nam trong những năm qua, làm tổn hại đến uy tín hạt gạo Việt ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp và nông dân đã xây dựng trong suốt nhiều năm qua.

Từ đầu năm 2020 đến nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu gạo vẫn được coi là điểm sáng với sản lượng xuất khẩu tới 4,5 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019, có thời điểm giá gạo Việt Nam còn vượt cả Thái Lan.

Phải khẳng định, Việt Nam không phải "một mình một chợ" trong xuất khẩu gạo, chúng ta đang chịu cạnh tranh gay gắt từ gạo Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, nếu không khẳng định được chất lượng, chắc chắn gạo Việt Nam không có được kết quả xuất khẩu ấn tượng như vậy.

Theo Cục trưởng cục Trồng trọt, những năm qua, ngành Nông nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo.

Việt Nam đang có bộ giống lúa rất tốt, chất lượng gạo không chỉ được cải thiện mà còn đáp ứng cả yếu tố mùa vụ. Các giống gạo thơm ngắn ngày chất lượng cao vừa đáp ứng được yêu cầu của thị trường vừa giúp chúng ta chủ động trong bố trí mùa vụ.

Trong những năm gần đây, diện tích gieo trồng lúa dù dao động trong khoảng 7,3 - 7,4 triệu ha nhưng sản lượng thóc lên tới 43,4 - 43,5 triệu tấn/năm, không chỉ đủ cho tiêu dùng và chế biến trong nước với 100 triệu dân mà mỗi năm còn xuất khẩu 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo, gạo Việt đã đến được nhiều phân khúc thị trường khác nhau.

Điều đáng mừng hơn là, giá gạo xuất khẩu Việt Nam ngày càng được nâng cao, chứng tỏ sức cạnh tranh của gạo Việt ngày càng mạnh.

Ngọc Vy (tổng hợp)

Tin mới