Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM vừa có công văn khẩn yêu cầu các cơ sở dịch vụ ăn uống tạm ngưng hoạt động, không phục vụ khách tại chỗ. Sau thông báo trên, nhiều nhà hàng, quán ăn chấp hành và tạm dừng hoạt động, chỉ bán cho khách hàng mang về.
Tưởng chừng điều này sẽ giúp giới xe ôm công nghệ "hốt bạc", nhưng sự thật không hẳn vậy. Theo cánh tài xế, không phải nhà hàng nào cũng duy trì bán hàng, vì nhiều nơi không đủ chi phí hoạt động nên đóng cửa hẳn, trả lại mặt bằng.
Trước một nhà hàng đang đóng cửa trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), anh Nguyễn Văn Hải, 28 tuổi, tài xế Beamin chia sẻ, từ ngày lệnh tạm dừng với các cơ sở ăn uống, lượng nhà hàng còn hoạt động trên ứng dụng giảm hẳn.
"Nhiều cửa hàng đóng cửa nghỉ luôn, cho nhân viên về quê tránh dịch hết. Đôi khi có đơn hàng chạy tới quán, nhưng quán lại đóng cửa, mất công huỷ mà còn bị khách hàng đánh giá không tốt", anh Hải than thở.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Lê Triệu Quý, 24 tuổi, tài xế Grabbike cho biết, bình thường mỗi ngày anh kiếm được 300.000 - 400.000 đồng, nhưng bây giờ mức thu nhập chỉ được khoảng 200.000 đồng. Trừ chi phí, chiết khấu, số tiền còn dư không đủ chi trả nhu cầu hàng ngày.
Nhiều tài xế công nghệ đứng chờ đơn hàng để đi giao.
"Tôi bật ứng dụng từ lúc 10h00 đến 12h30 mới có một cuốc, lượng đơn hàng mấy ngày gần đây giảm gần một nửa, nếu tình trạng này kéo dài chắc tôi cũng về quê tránh dịch", anh Quý nói thêm.
Nhiều tài xế chia sẻ, nhóm khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ gọi đồ ăn nhất là sinh viên, nhân viên văn phòng. Nhưng dịch bệnh đang phức tạp nên các công ty cho nhân viên nghỉ làm, sinh viên nghỉ học dài ngày cũng về quê tránh dịch, đó có thể là nguyên nhân chính dẫn đến lượng khách giảm như hiện nay.
Bên cạnh đó, giới văn phòng, lao động phổ thông thu nhập cũng không còn được như trước, nhiều công ty, cơ sở kinh doanh nợ lương, giảm lương, nên việc mua đồ ăn ở các nhà hàng bên ngoài cũng hạn chế.
Anh Trần Quang Đệ, 30 tuổi, tài xế Grabbike chia sẻ: "Sinh viên về quê hết, dân văn phòng thì bị trừ lương. Tôi ngồi cả nửa ngày mà không có nổi một đơn hàng, giờ chắc tôi đổi sang nghề khác hoặc bí bách lắm thì về quê đợi lúc nào hết dịch mới đi làm tiếp".
Ngoài việc lượng khách hàng sụt giảm, việc đi làm giữa mùa dịch cũng khiến nhiều tài xế công nghệ lo lắng. "Bây giờ ngoài đường vắng lắm, tài xế về quê tránh dịch hết rồi. Từ sáng tới tối chỉ đeo một cái khẩu trang thôi, Mình cũng muốn về nhưng vì mưu sinh nên cố gắng ở lại", anh Đệ cho biết thêm.
Vào sáng 28/3, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM có công văn khẩn gửi UBND các quận huyện về việc tạm thời ngưng hoạt động các cơ sở dịch ăn uống, không được tổ chức ăn uống tại chỗ mà phải mang về, kể từ 28/3 đến hết ngày 15/4.
Cụ thể, các cửa hàng, quầy hàng, quán ăn, quán giải khát, nhà hàng, khách sạn, căng tin cơ quan, bệnh viện, thức ăn đường phố. không tổ chức phục vụ khách ăn, uống tại chỗ, chỉ được bán hàng mang đi, đặt hàng, bán hàng qua điện thoại, giao hàng tận nơi.
Các địa phương thực hiện nghiêm các quy định vệ sinh phòng chống dịch và bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt, phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa 2 người trong quá trình giao nhận hàng.