Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần (11/10), giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 1,5%, lên 80,52 USD/thùng. Còn giá dầu thô Brent cũng tăng 1,5%, lên 83,65 USD/thùng. Trong phiên này, giá dầu thô Brent có thời điểm đã lập mức đỉnh ở mức 84,60 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Đến phiên giao dịch ngày 12/10, giá dầu thô Brent giảm hơn 0,4%, xuống còn gần 83,3 USD/thùng, sau khi đạt mức cao 84,23 USD. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI lại tăng 0,02%, lên 80,54 USD/thùng. Đây là mức giá cao nhất của dầu WTI trong vòng 7 năm qua.
Vào lúc 6h35 hôm nay (13/10, giờ Việt Nam), giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,37% xuống 80,34 USD/thùng. Còn giá dầu thô Brent giao tháng 12 lại tăng 0,06%, lên mức 83,32 USD/thùng.
Giá dầu thế giới tiếp tục tăng mạnh.
Theo tính toán, giá dầu thô Brent đã tăng trong 5 tuần qua. Còn giá dầu WTI đã tăng 7 tuần liên tiếp. Hiện giá cả hai loại dầu này đều neo ở mức cao trên 80 USD/thùng.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu chưa có dấu hiệu dừng lại. Các chuyên gia dự báo, giá dầu có thể tăng vọt lên 100 USD/thùng khi mùa đông đến.
Các nhà phân tích cho biết, nguyên nhân khiến giá dầu tăng lên mức cao kỷ lục trong những ngày gần đây là do tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu và châu Á thúc đẩy một số quốc gia chuyển sản xuất điện từ khí đốt sang dầu khiến nhu cầu dầu thô tăng mạnh dẫn đến giá dầu và khí đốt trên toàn thế giới tăng mạnh.
Ngoài ra, việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác ngoài khối (OPEC +) khước từ tăng sản lượng dầu trong thời gian tới đã góp phần đẩy giá nguyên liệu này tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Bên cạnh đó, giá dầu thế giới tăng còn do chịu ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ "tự nhiên". Vào mùa đông, nhu cầu dầu mỏ và khí đốt thường tăng cao, dẫn tới giá các nguyên liệu này cũng tăng.
Các chuyên gia nhận định, nhu cầu tiêu thụ dầu thô năm 2022 sẽ lên tới 4,2 triệu thùng mỗi ngày, tăng so với dự báo trước đó là gần 3,3 triệu thùng một ngày.
Giá dầu tăng mạnh giữa bối cảnh nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu đang phục hồi dẫn tới tình trạng thiếu năng lượng và khí đốt nghiêm trọng tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Âu. Tại Trung Quốc, Anh, khủng hoảng nhiên liệu đã gây mất điện diện rộng, người dân phải xếp hàng dài mua xăng.
Giá xăng dầu tăng mạnh khiến giá điện cũng tăng lên mức cao kỷ lục trong những tuần gần đây. Việc này là một "đòn giáng" nữa vào nền kinh tế thế giới, vốn đang vật lộn để phục hồi dưới tác động quá lớn từ đại dịch.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, giá xăng hiện ở mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu vào chiều 11/10, giá xăng E5 RON 92 đã tăng 967 đồng/lít lên 21.683 đồng/lít, giá xăng RON 95 tăng thêm 934 đồng/lít lên 22.879 đồng/lít.
Giá các mặt hàng dầu cũng tăng mạnh. Giá dầu hoả là 16.620 đồng/lít, tăng 980 đồng. Giá dầu diesel là 17.540 đồng/lít, tăng hơn 960 đồng. Còn giá dầu mazut là 17.090 đồng/kg, tăng 510 đồng.