Ảnh minh hoạ: Getty/CNBC.
Trong cuộc họp vào hôm thứ Hai tuần này, OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các nước đồng minh ngoài khối, quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 11. Trước đó, một số nước tiêu thụ dầu lớn, gồm Mỹ và Ấn Độ, đã hối thúc OPEC+ tăng sản lượng nhiều hơn trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng tốc cùng với sự phục hồi của nền kinh tế.
Giá dầu đã liên tiếp tăng mạnh trong phiên ngày thứ Hai và thứ Ba, nối tiếp xu hướng leo thang đã có từ trước đó.
Giá dầu WTI giao sau tại Mỹ chốt phiên ngày thứ Ba với mức tăng 1,31 USD/thùng, tương đương tăng 1,7%, đạt 78,93 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI tăng hơn 2%, đạt 79,48 USD/thùng, cao nhất gần 7 năm.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,3 USD/thùng, tương đương tăng 1,6%, đạt 82,56 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent đạt đỉnh 3 năm ở 83,13 USD/thùng.
Nếu tính từ đầu năm, giá cả hai loại dầu đã tăng khoảng 60%.
“Thị trường dầu lửa đang tràn đầy tin tưởng”, nhà phân tích cấp cao Tamas Varga của PVM Oil Associates nhận định trong một báo cáo đuọc hãng tin Reuters trích dẫn. “Câu hỏi đặt ra lúc này là sự lạc quan đó có hợp lý hay không mà thôi”.
Năm 2020, khi COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, OPEC+ cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày để cứu giá dầu. Sau đó, khi kinh tế toàn cầu hồi phục, liên minh này nâng dần sản lượng. Đến hiện tại, sản lượng dầu của OPEC+ vẫn đang thấp hơn 5,8 triệu thùng/ngày so với trước đại dịch.
Theo hãng tin CNBC, sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu từ đại dịch đã diễn ra nhanh hơn so với dự báo. Trong khi đó, nguồn cung dầu lại bị thắt chặt, một phần bởi OPEC+ hạn chế khai thác, mặt khác do mưa bão trên Vịnh Mexico và mức đầu tư thấp của các công ty dầu khí.
Giá khí đốt tăng bùng nổ gần đây, khiến nhiều nhà máy phát điện chuyển từ dùng khí đốt sang dùng dầu, là một nguyên nhân quan trọng khác khiến giá dầu tăng mạnh.
Giá dầu Brent trên 80 USD/oz “có thể mang lại cảm giác thiếu bền vững”, nhưng giá dầu “chỉ bị xem là quá cao cho tới khi những đợt lạnh đầu tiên tràn xuống bán cầu Bắc và đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu lên mức cao hơn nữa, dẫn tới một đợt gom mua dầu mới”.
Trong ngắn hạn, bà Varga cho rằng môi trường hiện tại đồng nghĩa “vẫn còn dư địa để giá dầu tăng cao hơn”.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thời gian gần đây đã kêu gọi OPEC và đồng minh tăng sản lượng khai thác dầu, trong bối cảnh giá xăng ở Mỹ tăng mạnh. Giá xăng dầu và khí đốt cùng leo thang đặt ra nguy cơ đẩy lạm phát ở Mỹ lên cao hơn nữa, gây chệch hướng phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ấn Độ, một nước tiêu thụ dầu lớn khác, cũng hối thúc OPEC tăng sản lượng mạnh hơn và đảm bảo mức giá dầu hợp lý cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.
“Thị trường đang nhận ra rằng nguồn cung dầu sẽ bị thiếu trong một vài tháng tới, nhưng OPEC không lo ngại về chuyện đó”, nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận định.
Cuối tháng trước, OPEC+ nhận định nguồn cung dầu toàn cầu sẽ thiếu hụt 1,1 triệu thùng/ngày trong năm nay và sẽ thừa 1,4 triệu thùng/ngày trong năm tới. Nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters rằng, dù đối mặt với áp lực tăng sản lượng, OPEC+ lo ngại rằng một làn sóng COVID-19 thứ tư trên toàn cầu có thể khiến nhu cầu tiêu thụ dầu yếu đi.
Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading View.
Nhà kinh tế học Kieran Clancy thuộc Capital Economics, thừa nhận áp lực đòi hỏi OPEC+ tăng sản lượng nhanh hơn đang ngày càng lớn. “Chúng tôi cho rằng việc OPEC+ từ chối làm như vậy đồng nghĩa thị trường sẽ tiếp tục thiếu dầu trong quý 4, giá dầu sẽ còn cao ít nhất trong thời gian còn lại của năm nay”, ông nói.
Theo ông Clancy, một câu hỏi quan trọng hơn là liệu OPEC+ có khả năng đáp ứng những mục tiêu như vậy hay không.
Tháng trước, Bank of America Global Research cho biết có thể đưa mức giá mục tiêu 100 USD/thùng dầu lên thời điểm sớm hơn, nếu nhiệt đột mùa đông năm nay xuống thấp hơn dự báo.
Ngân hàng Goldman Sachs cũng nâng dự báo giá dầu Brent cho thời điểm cuối năm nay lên 90 USD/thùng, từ mức 80 USD/thùng trước đó, trên cơ sở nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng nhanh hơn dự báo.
“Các thành viên OPEC có vẻ không coi việc giá dầu tăng cao là một vấn đề nghiêm trọng ở thời điểm này”, các chuyên gia của Eurasia Group nhận định trong một báo cáo. “Tuy nhiên, Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã bắt đầu giảm giá bán dầu chính thức cho các khách hàng lớn, có thể nhằm xoa dịu mối lo về việc giá dầu Brent giao sau vượt 80 USD/thùng”.
Về phía nhu cầu, Eurasia Group nói rằng sự giảm tốc của hoạt động sản xuất công nghiệp, nguy cơ đổ vỡ công ty bất động sản Trung Quốc Evergrande, áp lực lạm phát tăng và những gián đoạn do Covid-19 gây ra trên khắp thế giới có thể khiến nhu cầu tiêu thụ dầu tăng trưởng chậm lại trong 12 tháng tới.
Trong ngắn hạn, một mùa đông lạnh giá ở bán cầu Bắc “có thể dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng ở nhiều trung tâm sản xuất công nghiệp”, theo Eurasia. Công ty nghiên cứu và tư vấn này dự báo giá dầu Brent sẽ ở quanh mốc 75 USD/thùng cho tới hết năm nay và có thể giảm về 67 USD/thùng trong năm 2022.