Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cú chuyển mình kinh ngạc về kinh tế của Trung Quốc

(VTC News) -

Khi Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, một trong những thành tựu được nhắc tới nhiều nhất là cú chuyển mình kinh ngạc về kinh tế của nước này.

Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu những ngày đầu, Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh tế và công nghệ. 

Câu chuyện phát triển kinh tế của Trung Quốc tới nay vẫn khiến nhiều quốc gia nể phục và bí mật đằng sau nó cũng là chủ đề được tranh luận sôi nổi. 

Trong bài viết với tiêu đề "Giải mã công thức bí mật tạo nên phép lạ kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc", tờ Hoàn cầu Thời báo mô tả quốc gia tỷ dân như một đứa con được sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo với thu nhập bình quân đầu người dưới 7,74 USD năm 1949. 

Con số đó tăng lên 10.582 USD vào năm 2020 khi Trung Quốc ngoài "70 tuổi". 

Tương quan thay đổi GDP của Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh từ năm 1960 tới năm 2019. (Đồ họa: GT)

Theo David Monyae, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Phi-Trung Quốc tại Đại học Johannesburg, các kế hoạch 5 năm (FYP) là nhân tố chính thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc lên vị trí thứ 2 thế giới. 

"Hệ thống này hiệu quả và đáng tin cậy trong việc tập trung và dự đoán nền kinh tế hoạt động thế nào và những điều chỉnh nào là cần thiết", Monyae nói với Hoàn cầu Thời báo. 

Năm 2021, Trung Quốc chính thức bước vào năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm lần thứ 14, 2021 - 2025. Đây cũng là năm đầu tiên trên con đường thực hiện mục tiêu 100 năm lần thứ 2 của Bắc Kinh. 

Cong Yi, trưởng khoa Chủ nghĩa Mác thuộc Đại học Tài chính và Kinh tế Thiên Tân nhận định, điểm mạnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc là khả năng hoạch định chiến lược phát triển lồng ghép giữa các kế hoạch ngắn, trung và dài hạn. 

Ngày nay, FYP trở thành một tài liệu chính sách được theo dõi chặt chẽ vì nó cung cấp một cái nhìn tổng quan về các chính sách kinh tế và mục tiêu phát triển của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, theo Hoàn cầu Thời báo, ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển với tốc độ ổn định như kế hoạch, không thiếu những khó khăn và sai lầm mà nước này gặp phải trong vài thập kỷ qua. Từ một số quyết định và chính sách ban đầu đi ngược quy luật thị trường cho tới "thập kỷ thảm họa" (vào cuối những năm 60 tới giữa những năm 70) theo đuổi mù quáng trên diện rộng, "tốc độ cao" trong một thời gian ngắn. 

Nhưng Trung Quốc sau đó tự đứng dậy trước những sai lầm này và có các sửa đổi thích hợp. 

Trong những năm 1960, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tụt lại phía sau không chỉ các nước có thu nhập cao, mà cả các quốc gia như Campuchia, Kenya và Sierra Leone. 

Tuy nhiên, sau khi cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khởi xướng cải cách kinh tế thị trường, phép màu kinh tế bắt đầu tới với Trung Quốc. 

Tăng trưởng GDP của các nước trong Quý I/2021. (Đồ họa: GT)

Vào cuối năm 2010, quốc gia tỷ dân vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ và dự kiến sẽ vươn lên dẫn đầu vào năm 2030.

Năm 2019, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc xếp thứ 79 thế giới, kém xa Mỹ. Nhưng khoảng cách đã được thu hẹp đáng kể trong 7 thập kỷ kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu ghi lại số liệu thống kê GDP. 

Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán trong 5 năm nữa, Trung Quốc sẽ vươn lên vị trí 70 trong bảng xếp hạng này, tiến gần đến nhóm các nước giàu nhất thế giới. 

Nhưng theo Hoàn cầu Thời báo, Trung Quốc đang cố gắng từ bỏ nỗi ám ảnh về GDP, coi đây là cốt lõi và chỉ số duy nhất để đánh giá hiệu quả hoạt động của chính phủ.  

Đơn cử như tỉnh Phúc Kiến tháng 8/2014 đã hủy đánh giá GDP ở 34 quận và thành phố, thay vào đó thực hiện phương pháp đánh giá ưu tiên cho nông nghiệp và bảo vệ sinh thái.

Các điều chỉnh thích hợp trong từng giai đoạn giúp Trung Quốc vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và đại dịch COVID-19.

Trong năm 2020, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng dương (2,3% bất chấp đại dịch). 

2020 cũng là năm đánh dấu Trung Quốc vượt Mỹ trở thành điểm đến hàng đầu trên thế giới về đầu tư trực tiếp nước ngoài mới. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc thu hút 474 tỷ USD vốn nước ngoài.

Quý I-2021, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 18,3%, con số hết sức ấn tượng trong bức tranh kinh tế thế giới căng mình hồi phục.  

Hoàn cầu Thời báo chỉ ra rằng cùng với việc mở cửa với thế giới bên ngoài, Trung Quốc cũng tự nâng cao năng lực tự cung tự cấp trong nhiều lĩnh vực, bao gồm đổi mới công nghệ. Quốc gia này thời gian gần đây đang vươn mình trở thành một cường quốc công nghệ mới. 

Thay đổi trong tỷ trọng GDP của Trung Quốc với GDP thế giới theo các năm. (Đồ họa: GT)

Hai tuần trước, Trung Quốc thành công đưa các phi hành gia đầu tiên lên trạm vũ trụ do nước này tự phát triển.

"Trong bối cảnh cạnh tranh Trung - Mỹ ngày càng gia tăng, Trung Quốc có thể phải đối mặt với rủi ro gia tăng về công nghệ cao, tắc nghẽn chuỗi cung ứng hoặc các tranh chấp thương mại mới. Điều Trung Quốc cần làm là tập trung vào hoạt động kinh doanh của riêng mình và tập trung khắc phục những khó khăn trong", Zhao Xuejun -  chuyên gia tới từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc phân tích. 

Nhưng theo Hoàn cầu Thời báo, bất chấp những thách thức mới này, Trung Quốc vẫn đang có vị thế tốt hơn bao giờ hết để đạt được các mục tiêu phát triển táo bạo, trở thành cường quốc trong những thập kỷ tới. 

Song Hy (Tổng hợp)

Tin mới