Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia: Vỡ đập Tam Hiệp sẽ gây sóng thần cực lớn, kinh tế Trung Quốc suy sụp

(VTC News) -

Chuyên gia cho rằng, nếu đập Tam Hiệp vỡ sẽ là thảm hoạ cực lớn, khiến Trung Quốc lâm vào tình trạng thiếu điện, kinh tế suy sụp, đói kém, bệnh dịch sẽ hoành hành.

Mưa lũ liên tục làm mực nước ở hồ thủy điện Tam Hiệp của Trung Quốc vượt mức báo động, khiến nhiều người lo ngại con đập lớn nhất thế giới bị vỡ ngay trong năm nay.

Trả lời VTC News, GS-TSKH Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Phó Chủ tịch Hội đập lớn thế giới, nguyên Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho biết, sự cố vỡ đập đã từng xảy ra trên thế giới và nguy cơ từ đập Tam Hiệp là hoàn toàn có thể xảy ra.

Đập Tam Hiệp xả nước trong mùa mưa lũ. (Ảnh: Shanghaiist)

- Mưa lũ đang hoành hành tại các tỉnh miền Nam Trung Quốc, có thể gây ra nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp?

Theo tôi được biết, hiện sông Dương Tử (Trường Giang) có lũ lớn, gây ra thiệt hại đối với nhiều thành phố, đe dọa nguy cơ mất an toàn cho một số đập nhỏ ở thượng nguồn của các sông nhánh cũng như phụ lưu sông Dương Tử. Thành phố Trùng Khánh cũng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các trận mưa xối xả trong những ngày qua.

Mực nước ở hồ chứa đập Tam Hiệp hiện đã đạt 147m, cao hơn mức cảnh báo lũ tới 2m. Đập Tam Hiệp được thiết kế để đáp ứng mực nước 175m hoặc lượng nước nào 70.000 m3/s. Việc đập Tam Hiệp vượt mức cảnh báo lũ là điều hết sức đáng lo ngại.

Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc khẳng định đập Tam Hiệp vẫn trong phạm vi an toàn, khả năng an toàn của đập vẫn được đảm bảo. Họ cho rằng, với mực nước 147m và lượng nước vào 26.500 m3/giây, đập vẫn an toàn.

Trung Quốc vẫn khẳng định có thể kiểm soát được, song mùa mưa mới chỉ bắt đầu, muốn đánh giá tác động, sức chịu của đập như thế nào thì cần phải xem xét lượng mưa tiếp theo trong thời gian tới.

Tôi cho rằng, Trung Quốc cũng sẽ làm hết cách để bảo vệ đập. Trong trường hợp xấu nhất thì họ cũng sẽ có các biện pháp giảm nhẹ thiệt hại. Chúng ta cần tiếp tục theo dõi thêm trong tình huống này.

Video: Trận lụt lớn nhất kể từ năm 1940 tại thành phố Trùng Khánh

- Hậu quả sẽ khủng khiếp thế nào nếu như đập Tam Hiệp bị vỡ, thưa ông?

Nếu đập Tam Hiệp bị vỡ thì đó là thảm họa cực lớn. Nên nhớ rằng đập Tam Hiệp là đập lớn nhất thế giới, quy mô công trình lớn. Đập Tam Hiệp bị vỡ sẽ gây ra cơn sóng thần cực lớn, tàn phá và nhanh chóng nhấn chìm vùng hạ lưu bởi năng lượng nước từ áp lực dòng chảy là khủng khiếp.

pham hoang giang.jpg

Đập Tam Hiệp bị vỡ sẽ gây ra cơn sóng thần cực lớn, tàn phá và nhanh chóng nhấn chìm vùng hạ lưu.

GS-TSKH Phạm Hồng Giang

Thiệt hại là không lường nếu sự cố vỡ đập xảy ra, bởi đập Tam Hiệp được xây dựng trên dòng sông có lưu vực đông dân, có nhiều trung tâm kinh tế và dân sinh rất lớn. 1/3 diện tích Trung Quốc, trong đó có các vùng thịnh vượng nhất như Vũ Hán, Nam Kinh, Thượng Hải nằm trên lưu vực sông Dương Tử.

Tổn thất về người và kinh tế nếu đập Tam Hiệp vỡ là không thể kể xiết. Ngoài việc hàng loạt làng mạc bị nhấn chìm, nhiều công trình, nhà máy, di tích cũng sẽ bị tàn phá, ngập nước và cuốn ra biển thì việc mất nguồn cung cấp điện khổng lồ sẽ khiến Trung Quốc lâm vào tình trạng thiếu điện, khoa học công nghệ tan tành, kinh tế suy sụp, đói kém, bệnh dịch sẽ hoành hành…

- Các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam chịu tác động, ảnh hưởng thế nào từ đập Tam Hiệp?

Toàn bộ sông Dương Tử nằm ở lưu vực thuộc phạm vi của Trung Quốc, do đó con sông này không có tác động, ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á. Dương Tử vốn là dòng sông có khả năng cung cấp nước lớn cho miền Trung Trung Quốc, đồng thời cấp cho cả phía Bắc Trung Quốc.

Thực ra, đây là vùng có lũ, mưa lớn hàng năm, nước dư thừa cho nên Trung Quốc đang xây dựng “Vạn Lý Trường Thành” về nước để chuyển nước từ sông Dương Tử qua sông Hoàng Hà về phía Bắc Trung Quốc, trong đó có Thủ đô Bắc Kinh.

Vỡ đập Tam Hiệp sẽ là thảm hoạ với Trung Quốc.

- Tại Trung Quốc có nhiều tranh luận liên quan đến việc xây dựng đập Tam Hiệp, nhất là trong giới chuyên gia khi nhiều người hoài nghi tính hiệu quả, phản đối việc xây dựng đập Tam Hiệp?

Đập Tam Hiệp là con đập lớn nhất Trung Quốc và thế giới, được khởi công xây dựng từ năm 1994 và chính thức hoàn thành vào năm 2009. Con đập này xây chắn ngang một trong những con sông lớn nhất Trung Quốc là Dương Tử.

Trung Quốc là nước có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng các đập lớn. Vì thế, việc xây dựng đập Tam Hiệp được lên kế hoạch, thực hiện theo các chỉ định nghiêm ngặt.

Quá trình xây dựng công trình lớn như vậy, có nhiều ý kiến khác nhau từ các giới trong việc tranh luận về việc thực hiện cũng là điều hoàn toàn bình thường.

Các tranh cãi chủ yếu tập trung vào tính hiệu quả cũng như những tác động, rủi ro và nguy cơ từ đập Tam Điệp đem lại. Thế nhưng, cần phải khẳng định rằng đây là công trình tầm cỡ thế giới, việc đảm bảo an toàn cho công trình này được Trung Quốc hết sức chú trọng.

Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn của đập là vấn đề hết sức lưu tâm, bởi nguy cơ vỡ đập là không loại trừ.

Sự cố vỡ đập đã từng xảy ra trên thế giới. Cách đây mấy năm, đập lớn nhất của Mỹ - đập Oroville, cũng đã đối mặt với nguy cơ vỡ, mặc dù quy mô, hạ tầng của đập này rất đảm bảo song lũ lớn đã khiến vỡ tuyến tràn.

- Việc xây dựng đập Tam Hiệp đã tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường xung quanh?

Bất kỳ công trình nào cũng có ảnh hưởng đến môi trường, vấn đề là cần đánh giá xem nó có tạo ra sự cân bằng mới đối với hệ sinh thái, môi trường và xã hội như thế nào. Đập Tam Hiệp lớn, ảnh hưởng nhiều đến môi trường, hàng nghìn hộ dân phải di dời, tất cả những yếu tố đó điều tác động đến hệ sinh thái của môi trường.

Theo chuyên gia, các nguy cơ tiềm ẩn đối với đập Tam Hiệp vẫn rất cao.

Tuy chưa có số liệu để đánh giá chính xác tác động của đập Tam Hiệp song những tác động đến môi trường, hệ sinh thái từ việc xây dựng con đập này là không tránh khỏi. Trong đó, có những tác động tích cực cũng như có cả tác động tiêu cực.

Hiện các nhà khoa học cũng đã có các nghiên cứu về tác động của việc xây dựng đập Tam Hiệp có tác động đến động đất, gây đứt gãy vỏ Trái Đất song vẫn chưa có cơ sở để khẳng định điều này. Bởi vì, đập Tam Hiệp chỉ là con số rất nhỏ, cách hàng trăm km so với bề dày của vỏ Trái Đất.

Tuy nhiên, phải khẳng định vùng thượng nguồn sông Dương Tử (Vân Nam, Qúy Châu) - vùng Tây Nam Trung Quốc, có những mặt đứt gãy về địa chất. Đây là nơi phát sinh nhiều trận động đất ở Trung Quốc.

Ngoài ra, việc xây dựng đập Tam Hiệp ngăn dòng chảy có thể sẽ tác động đến địa chất, biến đổi hệ sinh thái xung quanh, khiến gia tăng nhiệt độ, đe dọa các loài thủy sản trong lòng hồ.

Video: Mưa lũ khủng khiếp nhất 80 năm tại miền Nam Trung Quốc 

- Các chuyên gia Trung Quốc đầu tuần này cảnh báo nguy cơ cư dân ở vùng hạ lưu sông Dương Tử nên chuẩn bị sơ tán trước nguy cơ đập Tam Hiệp bị vỡ, vì nghi vấn các vết nứt và và chất lượng bê tông không đạt tiêu chuẩn trong quá trình xây dựng. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Cảnh báo của vị chuyên gia này là thông tin cần hết sức lưu tâm. Tôi cũng đã được đọc tài liệu của chuyên gia Trung Quốc - hiện sống ở Đức, đưa ra cảnh báo về tình trạng mất an toàn của đập Tam Hiệp, cũng như qua các kênh báo chí. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa có những những động tác cảnh báo như cần phải di dời dân, yêu cầu xử lý, ứng phó.

Bất cứ con đập nào khi xây dựng cũng được tiến hành một cách thận trọng và tuân thủ các thông số kỹ thuật nghiêm ngặt. Song cũng không thể đảm bảo được tuyệt đối, cần phải có các khoan trắc và theo dõi thường xuyên.

Hiện tại chưa thể khẳng định chắc chắn điều gì, song các nguy cơ tiềm ẩn đối với đập Tam Điệp vẫn rất cao.

- Có ý kiến cho rằng, tình trạng nước trong lòng hồ Tam Hiệp vượt ngưỡng báo động. Vậy có giải pháp nào để ngăn nguy cơ vỡ đập xảy ra, thưa ông?

Đập Tam Hiệp mang lại nhiều lợi ích, rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Trung Quốc. Đập này được xây dựng bằng bê tông, do đó khi lũ tràn về, áp lực nước lớn nhưng không dễ vỡ như các đập xây bằng đất. Trong trường hợp đập bị vỡ, sẽ vỡ ở các phạm vi nhỏ trước.

Trong trường hợp này, theo tôi, Trung Quốc có thể cho phá rộng các phạm vi nhỏ này để tăng thêm nguồn nước chảy, quét xuống dưới đập. Khi có thêm nguồn nước được thoát ra ngoài sẽ khiến mực nước trong lòng hồ sẽ giảm, tính chất nguy hiểm đối với đập cũng giảm thiểu đi rất nhiều.

Cần lưu ý rằng biện pháp này chỉ thực hiện trong trường hợp các cửa tràn đã mở hết mà lũ về vẫn cao. Mục đích là điều tiết được mức nước hồ, giảm thiểu thiệt hại.

Đập Tam Hiệp không có nhiều tác động, ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á.

- Tình hình mưa lũ trong năm nay ở nước ta được dự báo diễn biến phức tạp, ông khuyến nghị gì trong việc đảm bảo an toàn cho các đập của Việt Nam?

Việt Nam là nước có số lượng đập nhiều song phần lớn là các đập nhỏ, số đập lớn không nhiều và tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc và miền Trung. Việc quan tâm đến các đập ở Việt Nam rất được chú ý. Tuy nhiên, chúng ta không được lơ là trong vấn đề này.

Theo đó, Chính phủ, cơ quan chức năng cần thường xuyên nhắc nhở cơ quan quản lý đập, quan tâm đến sự bảo vệ an toàn của đập.

Đối với các đập lớn, chúng ta phải thường xuyên khoan trắc, kiểm tra theo đúng quy định. Điều này cần phải được quán triệt và thực hiện quyết liệt hơn, chủ động hơn để đảm bảo an toàn cho đập, tránh các nguy cơ, rủi ro xảy ra từ các sự cố đập.

Đặc biệt, thượng nguồn sông Mekong, sông Đà, sông Hồng và sông Lô là những nơi Trung Quốc có xây đập thủy điện, khi có lũ, mưa lớn ở phía Nam Trung Quốc thì chúng ta phải chú ý bởi Trung Quốc có khả năng xả lũ đột ngột.

Điều này sẽ xảy ra lũ lớn bất ngờ tại thượng nguồn hệ thống sông ở miền Bắc Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần hết sức chú ý, chủ động theo dõi, đưa ra các cảnh báo đối với thượng nguồn của các con sông có dòng chảy bắt nguồn từ Trung Quốc.

- Xin cảm ơn ông!

Kông Anh (Thực hiện)

Tin mới