Mưa lớn làm mực nước tại hồ chứa đập Tam Hiệp cuối tuần qua dâng lên mức 147m, cao hơn 2 m so với mức cảnh báo lũ. Chỉ trong 1 ngày, lượng nước đổ về con đập này tăng từ 20.500 m3/s (hôm 19/6) lên tới 26.500 m3/s (hôm 20/6).
Hồi đầu tuần, Trùng Khánh cũng đưa ra cảnh báo đỏ về trận lụt lớn nhất có thể diễn ra trong vòng 80 năm qua (kể từ năm 1940) ở lưu vực sông Kỳ Giang - thượng nguồn đập Tam Hiệp. Hơn 40.000 người sau đó đã được sơ tán.
Theo Taiwan News, những trận mưa xối xả cho tới nay đã ảnh hưởng tới 8 triệu người dọc theo sông Dương Tử và gây thiệt hại 2,9 tỷ USD.
Video: Lũ lụt lớn tại lưu vực sông Kỳ Giang ở Trùng Khánh
Ngoài ra, cảnh báo mưa lũ mức cao nhất đã được phát ra cho các cộng đồng dân cư ở trung và hạ nguồn, trong đó có 10 tỉnh thành là Quý Châu, Trùng Khánh, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy, Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải và Quảng Tây.
Trạm Khí tượng Trung Quốc mới đây đưa ra cảnh báo mưa bão trong 23 ngày liên tiếp. Lưu vực Dương Tử tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những trận mưa lớn và mực nước ở thượng lưu đập Tam Hiệp đang vượt qua mức cảnh báo.
Lũ lụt dâng cao ở Trùng Khánh. (Ảnh: Weibo)
Tính tới ngày 23/6, tổng cộng 11,22 triệu người thuộc 26 tỉnh thành Trung Quốc bị ảnh hương bởi mưa lũ. Hơn 980 hồ chứa ở trung và hạ lưu sông Dương Tử cũng buộc phải xả lũ gấp.
Đài truyền hình NTD có trụ sở tại Mỹ cho biết, có tới 400 triệu người sống ở hạ lưu đập Tam Hiệp có thể gặp rủi ro, bao gồm cả những người sống ở các siêu đô thị như Vũ Hán, Nam Kinh và Thượng Hải.
Nước lũ được xả ra từ đập tràn của đập Tam Hiệp. (Ảnh: Getty Images)
Chuyên gia thuỷ văn người Đức gốc Hoa Wang Weiluo hôm 21/6 bày tỏ lo ngại về các vết nứt và và chất lượng bê tông không đạt tiêu chuẩn được phát hiện trong quá trình xây dựng.
Ông Wang cảnh báo sự cố vỡ đập nếu xảy ra sẽ gây hậu quả thảm khốc cho những người sống ở vùng hạ lưu sông Dương Tử và kêu gọi giới chức sơ tán họ càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, ông Wang từ chối bình luận về hình ảnh vệ tinh của Google lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy độ biến dạng của cấu trúc đập vào năm 2019.
Truyền thông Trung Quốc vào thời điểm đó khẳng định biến dạng của con đập của một phần của thiết kế và nó nằm trong phạm vi biến đổi cho phép.
Trước cảnh báo mới đây của ông Wang, tờ Thời báo Hoàn cầu cũng nhanh chóng trích dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu Quách Tấn thuộc Viện nghiên cứu địa chấn Trung Quốc khẳng định đập Tam Hiệp có thể chứa lượng nước vào lớn hơn nhiều so với lượng nước hiện nay.
Trong khi đó, Guo Xun - nhà nghiên cứu tại Viện Cơ học kỹ thuật Trung Quốc khẳng định, đập Tam Hiệp vẫn an toàn kể cả khi mực nước tại hồ chứa cao tới 175m và lưu lượng nước đổ về đạt 75.000 m3/s.
Đập Tam Hiệp được xây trên sông Dương Tử tại thị trấn Tam Đẩu Bình thuộc thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc.
Dự án này được khởi công từ năm 1994 và vận hành đầy đủ từ tháng 7/2012, với vốn đầu tư 200 tỷ NDT. Đây là đập thủy điện lớn nhất trên thế giới, với sản lượng điện năm 2018 đạt 100 tỷ kWh.
Dự án bao gồm một đập cao 185 m và một hồ chứa nước dài 660 km, được thiết kế để tạo ra điện và kiểm soát lũ.