Với dân số hơn 100 triệu dân và đang có quá trình đô thị hoá nhanh nên thị trường nội địa, đặc biệt là ở những thành phố lớn như TP.HCM mở ra cơ hội kinh doanh cho nhiều người, trong đó có hệ thống các quán cà phê. Thời điểm hiện tại, các chuỗi quán cà phê ở phân khúc bình dân đang sôi động nhất.
Cuộc chơi sôi động trên thị trường nội địa
Dù cà phê Ông Bầu mới xuất hiện nhưng tạo được ấn tượng mạnh là nhờ “ăn theo” tiếng tăm của những cá nhân nổi tiếng như ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) của Hoàng Anh Gia Lai, Võ Quốc Thắng (Bầu Thắng) của Gạch Đồng Tâm Long An.
Tính đến tháng 7/2020, Ông Bầu đã chạm ngưỡng 100 quán cà phê. Những người sáng lập ra thương hiệu này đặt ra mục tiêu sẽ có trong tay khoảng 1.000 quán cà phê khắp Việt Nam. Một tham vọng rất lớn và cũng là áp lực với các thương hiệu cà phê trong cùng phân khúc.
Nhờ mức giá nhượng quyền hợp lý cũng như không yêu cầu phải trả phần trăm doanh thu hàng tháng nên các thương hiệu cà phê hướng đến phân khúc trung bình, giới văn phòng nhanh chóng phủ khắp. (Ảnh: Ngọc Hùng)
Mẫu thức chung của các thương hiệu này là hướng đến phân khúc bình dân với giá một ly cà phê trên dưới 20.000 đồng và mức giá nhượng quyền thương hiệu không quá cao. Đây là hai điểm mấu chốt để các thương hiệu cà phê nói trên tăng nhanh số lượng quán chỉ trong một thời gian ngắn thông qua nhượng quyền thương mại.
Mức giá nhượng quyền bao nhiêu?
Theo trang nhượng quyền thương hiệu (nqtm.vn), đối với Cộng cà phê, phí nhượng quyền dao động 160-250 triệu đồng tuỳ theo khu vực, tỉnh thành. Ngoài ra, đối tác còn phải trả phần trăm hàng tháng trên doanh thu 7-8%. Do đó, đòi hỏi chủ đầu tư phải có trong tay 2-3 tỷ đồng nếu muốn kinh doanh cà phê của thương hiệu này. Cũng có thể vì lý do này mà sự phổ biến của thương hiệu này chưa nhiều.
Hiện mức giá nhượng quyền thương hiệu cà phê Napoli dạng phổ thông là 70 triệu đồng. Cà phê Lyon có gói cơ bản là 85 triệu đồng, 130 triệu đồng cho gói trung cấp. Mức giá nhượng quyền thương hiệu của E-Coffee cũng không quá cao. Cụ thể, với gói E-Coffee Kiosk Takeaway là 30 triệu/3 năm, E-Coffee đường phố và E -Coffee Premium là 60 triệu/3 năm.
Anh Mạnh Cường (39 tuổi) cho biết, khi có ý định mở một quán cà phê, anh đã thử cà phê của các thương hiệu nói trên cũng như tìm hiểu về giá cả của các gói nhượng quyền thương hiệu trước khi quyết định chọn mua thương hiệu cà phê nào.
"Tôi quyết định mua nhượng quyền dù giá có cao hơn dự tính kinh phí mở quán nhưng bù lại được bên nhượng quyền hỗ trợ nhiều thứ, mình được tự do điều chỉnh mức giá mỗi ly cà phê bán ra để cạnh tranh với quán khác, đặc biệt là không có những ràng buộc quá khắt khe với chủ thương hiệu về quá trình hoạt động của quán”, anh Mạnh Cường chia sẻ.
Phan Xích Long - con đường ăn uống nổi tiếng của TP.HCM luôn có giá thuê đắt đỏ, người có tiền chưa chắc thuê được, nhưng do COVID-19, nhiều mặt bằng được trả lại nên đây là cơ hội cho những thương hiệu cà phê có tiếng tìm được những vị trí tốt. (Ảnh: Ngọc Hùng)
Theo Tiến sĩ Thanh Bình - đang dạy môn Thương hiệu của Khoa Quản Trị Kinh Doanh, Đại học Sài Gòn, COVID-19 ảnh hưởng đến toàn bộ khối dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, trong đó có cả cà phê. Tuy vậy, về mặt chiến lược lâu dài, đây là lúc các chuỗi tận dụng thời điểm giá thuê bất động sản giảm, họ đang có nhiều cơ hội để lựa chọn mặt bằng đẹp, giá rẻ hơn để chờ thời cơ.
"Do đó, theo tôi, dù các chuỗi cà phê có ít khách hơn hẳn so với trước dịch, có thể còn lỗ nặng. Nhưng chiến lược thì vẫn mở rộng, cơ hội chuyển đổi vị trí đẹp, khuếch trương thương hiệu để chờ thời cơ bán lại sau này", Tiến sĩ Thanh Bình nói.