Cụ thể, hai tháng qua, so với doanh nghiệp phía Nam không hoặc chưa bị tác động, doanh nghiệp phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp trong đợt dịch lần ba. Những ảnh hưởng trực tiếp có thể kể đến như khó khăn trong việc tuyển dụng lao động sau Tết cũng như chuỗi cung ứng, sản xuất bị ảnh hưởng vì khó lưu thông hàng hóa.
Trong báo cáo, Ban IV cho biết các doanh nghiệp gặp khó khăn đầu tiên ở việc thu hút lao động. Sau đợt nghỉ Tết cộng thêm diễn biến dịch mới, người lao động có tâm lý e ngại di chuyển và quay lại làm việc trong vùng có dịch.
Về chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ở nhiều khu công nghiệp cũng gặp khó khăn do hàng hóa tắc nghẽn khi vận chuyển qua địa phương có dịch như Hải Dương. Nếu lái xe từ Hải Dương không được ra khỏi tỉnh thì lái xe tỉnh ngoài cũng ngại tham gia tuyến này vì sợ bệnh dịch. Các tập đoàn lớn cũng không muốn thuê lái xe từ Hải Dương, một số chốt kiểm tra không cho lái xe có CMND nguyên quán Hải Dương qua chốt...
Cũng theo báo cáo, do các chính sách hạn chế đi lại và các biện pháp cách ly của các tỉnh lân cận, đặc biệt là Hải Phòng, việc thu mua và vận chuyển nông sản từ Hải Dương ra Cảng Hải Phòng bị ách tắc. Nhiều công ty xuất khẩu nông sản từ Hải Dương bị hủy lịch tàu, mất hợp đồng.
Chuỗi cung ứng bị gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19 diễn biễn phức tạp tại Hải Dương đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp phía Bắc. Ảnh: Thạch Thảo.
Thống kê từ Hiệp hội vận tải Hải Dương cho thấy đã có trên 100 đơn hàng xuất khẩu nông sản, tương đương 650 container loại 40 feet phải huỷ lịch tàu và huỷ hợp đồng từ khi có dịch và dừng lưu thông. Điều này gây thiệt hại 100 tỷ đồng. Và nếu tình trạng tắc nghẽn kéo dài đến đầu tháng 3, tổng thiệt hại ước tính lên đến trên 400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, đóng cửa hàng quán ở các thành phố lớn cũng đã làm suy giảm lượng cầu hàng hóa nông sản nói chung và một số sản phẩm như cà phê, chè, thủy sản...
Với lĩnh vực vận tải, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lĩnh vực vận tải hành khách bị ảnh hưởng khá lớn. Nhiều đội vận tải hành khách chỉ hoạt động 20-30% lượng phương tiện hiện có.
Dịch COVID-19 tái bùng phát đợt đầu năm cũng khiến lượng người đi lại bằng tàu, xe giảm mạnh dù đây là thời điểm cận Tết, nhu cầu đi lại cao. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đầu tháng 2 cho biết có trên 33.000 vé tàu bị trả lại, trị giá gần 30 tỷ đồng, phần lớn từ các chặng phía Nam ra Bắc trước Tết và trở về sau Tết.
Doanh nghiệp kinh doanh xe khách tuyến miền Trung ra Bắc cũng gặp tình trạng tương tự. Một doanh nghiệp vận tải chạy tuyến Đà Nẵng - Thanh Hoá cho biết, lượng khách mua vé về Tết giảm 50% so với năm ngoái.
Nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội Vận tải và Hiệp hội Logistics cũng phản ánh đã phải đi vòng để tránh vùng dịch khiến phát sinh thêm chi phí. Mức phí chênh lệnh đang từ 1-1,5 triệu đồng tùy tuyến đường. "Điều này làm phát sinh chi phí cho nhiều doanh nghiệp và cũng gây ảnh hưởng đến dòng hàng cung ứng cho các doanh nghiệp vẫn đang thực hiện vừa sản xuất vừa chống dịch", báo cáo nêu rõ.
Riêng với các doanh nghiệp xuất khẩu, báo cáo cho biết bên cạnh các ảnh hưởng tức thời nêu trên, khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề thiếu container rỗng. Các doanh nghiệp đánh giá cao sự đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp từ phía các cơ quan ban ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Giao thông Vận tải... đã tích cực tìm cách tháo gỡ việc thiếu container rỗng cho doanh nghiệp trong thời gian qua.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp mong muốn thông tin từ phía cơ quan nhà nước được minh bạch hơn, đồng thời các cơ quan nhà nước cần rà soát để nắm bắt cụ thể số lượng container không chủ đang tồn đọng, đẩy mạnh việc giải phóng các container này, thống kê được cầu về số lượng container để tránh tình trạng một số hãng lợi dụng tăng giá.
Về mặt giải pháp, Ban IV kiến nghị UBND thành phố Hải Phòng và UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cùng phối hợp để khảo sát, lựa chọn địa điểm có đủ điều kiện (ví dụ như trạm dừng nghỉ trên Quốc lộ hoặc đường cao tốc) làm “vùng đệm” để xử lý các biện pháp phòng chống dịch đối với lái xe, xe và hàng hóa.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng kiến nghị thực hiện việc đổi lái xe có đủ điều kiện để điều khiển phương tiện vào địa bàn địa phương mình. Việc đổi lái xe có thể cho phép các doanh nghiệp tự thỏa thuận bố trí hoặc có thể có đội lái xe chuyên nghiệp phục vụ tương tự như việc tổ chức ở cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn.
Với xe phục vụ hàng xuất nhập khẩu vào các cảng của Hải Phòng, địa phương có thể nghiên cứu xây dựng hành lang lưu thông riêng để không làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa.
Một giải pháp khác là áp dụng đăng ký danh sách lái xe đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để làm điều kiện điều khiển phương tiện, đồng thời có cơ quan chuyên môn giám sát hoạt động của phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình.
Về xét nghiệm COVID-19 cho lái xe, doanh nghiệp kiến nghị người đang cư trú tại địa phương nào được cơ quan y tế của địa phương đó tạo điều kiện lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm, không bắt buộc phải về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
Bên cạnh đó, Chính phủ có thể xem xét giảm phí cầu đường trong thời gian có dịch bệnh bùng phát tại các cao tốc mà các hãng vận tải phải đổi hành trình do các lộ trình cũ bị cách ly do có dịch.
Qua báo cáo, các doanh nghiệp cũng đề xuất thiết lập nhanh một kênh thông tin để cập nhật mọi văn bản chỉ đạo, điều hành từ cấp trung ương đến địa phương để nắm bắt kịp thời, đồng bộ. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong việc chuẩn bị phương án về nhân lực, kế hoạch lưu thông hàng hóa, tính toán các chi phí lưu thông hợp lý.