Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

COVID-19 đang dần biến mất tại Nhật Bản?

Làn sóng dịch bệnh COVID-19 do biến chủng Delta bất ngờ suy giảm một cách bí ẩn tại Nhật Bản.

Nhật Bản đến nay đã trải qua 5 làn sóng dịch bệnh COVID-19. Làn sóng cuối cùng, và cũng là nghiêm trọng nhất, gây ra bởi biến chủng siêu lây nhiễm Delta.

Thế nhưng, vài tuần qua, dịch bệnh có dấu hiệu đột ngột suy giảm, khi số ca mắc mới mỗi ngày giảm mạnh. Nguyên nhân hiện tượng này hiện chưa rõ ràng. Một số chuyên gia tin rằng biến chủng Delta có thể đã tự tiêu tan, theo Japan Times.

Diễn biến bất thường ở Nhật Bản

Cuối tháng 8, đại dịch ở Nhật Bản đạt đỉnh, gần 26.000 ca mắc COVID-19 được ghi nhận mỗi ngày. Nhưng sau 3 tháng, con số này giảm mạnh. Tuần qua, Nhật Bản ghi nhận trung bình khoảng 200 ca mắc mới mỗi 24 giờ. Bên cạnh đó, nước này không ghi nhận bất cứ ca tử vong vì COVID-19 nào kể từ 7/11.

Các học giả chỉ ra một số khả năng giúp Nhật Bản tạm thời thoát khỏi dịch bệnh như hiện nay.

Yếu tố đầu tiên là tỷ lệ bao phủ vaccine cao, với 75% dân số đã được chủng ngừa hoàn toàn.

Dịch bệnh gần như đã biến mất ở Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, "chúng ta không thể giải thích tình hình ở Nhật Bản chỉ là nhờ tiêm vaccine, bởi với 30% của 100 triệu dân chưa được tiêm chủng, vẫn có rất nhiều không gian để virus lây lan", Mike Toole, chuyên gia viện nghiên cứu y tế Burnet Institute, nhận định, theo ABC.

Các khả năng khác là thói quen giãn cách xã hội, đeo khẩu trang đã ăn sâu bén rễ trong văn hóa, sinh hoạt của người Nhật.

Cuối tháng 10, giới chức Nhật Bản cho biết một số nguyên nhân như thời tiết mát mẻ hơn, hệ thống xét nghiệm hiệu quả, cùng thái độ cảnh giác của người dân, cũng góp phần giúp giảm mạnh số ca lây nhiễm, theo New York Times.

Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất được cho là xuất phát từ biến đổi gene của virus trong quá trình tự nhân bản. Hiện nay, khoảng 2 đột biến trên virus xuất hiện mỗi tháng, theo Japan Times.

Theo ông Ituro Inoue, giáo sư Viện Di truyền Quốc gia Nhật Bản, biến chủng Delta ở Nhật Bản tích lũy quá nhiều đột biến đối với protein phi cấu trúc, có chức năng sửa lỗi di truyền mang tên nsp14. Hệ quả là virus dần mất đi chức năng tự sửa lỗi gene, cuối cùng dẫn tới "tự hủy diệt".

Các nghiên cứu cho thấy ngày càng nhiều người dân châu Á sở hữu enzyme phòng vệ tên APOBEC3A có khả năng tấn công các virus RNA, trong đó có virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, số người châu Âu, châu Phi sở hữu enzyme này ít hơn hẳn.

Các chuyên gia của Viện Di truyền Quốc gia và Đại học Niigata đã nghiên cứu nhằm xác định cách thức APOBEC3A tác động lên protein nsp14, cũng như khả năng enzyme này ức chế hoạt động của virus.

Nhóm chuyên gia phân tích dữ liệu đa dạng di truyền với hai biến chủng Alpha và Delta từ người mắc COVID-19 ở Nhật giai đoạn tháng 6-10.

Quan hệ giữa các trình tự DNA của virus SARS-CoV-2 sau đó được hiển thị trong một sơ đồ có tên mạng lưới haplotype, cho thấy sự đa dạng về di truyền của virus. Về tổng thể, càng nhiều mẫu bệnh phẩm được phân tích, mạng lưới dữ liệu càng lớn.

Alpha là chủng virus gây ra làn sóng dịch bệnh thứ 4 hồi đầu mùa hè ở Nhật Bản. Biến chủng này có 5 nhóm chính với nhiều đột biến phân nhánh, cho thấy mức độ đa dạng di truyền.

Ban đầu, các nhà khoa học tin rằng biến chủng Delta, với khả năng lây lan mạnh hơn, gây ra triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn, sẽ có mức độ đa dạng di truyền lớn hơn nhiều.

Thế nhưng, kết quả thực tế khiến nhóm nghiên cứu bất ngờ. Mạng lưới haplotype của biến chủng Delta chỉ cho thấy 2 nhóm chính. Các đột biến dường như đột ngột dừng lại ở giữa quá trình phát triển tiến hóa của virus.

Khi nghiên cứu enzyme sửa lỗi di truyền, các nhà khoa học phát hiện nhiều mẫu virus ở Nhật Bản có protein nsp14 đã trải qua nhiều lần đột biến ở vị trí A394V.

"Chúng tôi thực sự bị sốc khi phát hiện điều này. Biến chủng Delta ở Nhật Bản có khả năng lây nhiễm rất mạnh, lấn át các biến chủng khác. Nhưng chúng tôi tin khi các đột biến xuất hiện nhiều hơn, virus bị lỗi và mất khả năng tự nhân bản", giáo sư Inoue nói.

Trong qua trình đột biến, chính bởi mất khả năng tự sinh sôi, virus đã tự diệt vong, các nhà khoa học Nhật Bản phỏng đoán.

Cơ hội chấm dứt đại dịch?

Giả thuyết của giáo sư Inoue lý giải cho sự biến mất bí ẩn của dịch bệnh COVID-19 ở Nhật Bản do virus gây ra. Nhật Bản là trường hợp hiếm hoi số ca COVID-19 không tăng dù nhà hàng, phương tiện giao thông công cộng đã mở cửa và đông đúc trở lại.

Trong khi đó, những nước với tỷ lệ bao phủ vaccine cao như Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu đang hứng chịu những làn sóng lây nhiễm mới, số ca mắc trong ngày liên tục phá kỷ lục.

"Nếu virus vẫn còn tồn tại, số ca mắc bệnh chắc chắn sẽ tăng bởi đeo khẩu trang hay tiêm chủng không hoàn toàn bảo vệ con người trước nguy cơ lây nhiễm", giáo sư Inoue nói.

Một chuyên gia không thuộc nhóm nghiên cứu là Takeshi Urano, giáo sư chuyên ngành y tại Đại học Shimane, có quan điểm tương tự về sự biến mất của dịch bệnh tại Nhật Bản.

"Nsp14 có vai trò quan trọng là bảo vệ không để virus RNA bị phân hủy. Các nghiên cứu đã cho thấy khi nsp14 bị tê liệt, khả năng tự nhân bản của virus giảm đáng kể. Đây có thể là một yếu tố khiến dịch bệnh hạ nhiệt", ông Urano nói.

Giáo sư Đại học Shimane cho rằng loại chất hóa học có khả năng phân rã protein nsp14 có thể được coi là phương thuốc hứa hẹn để điều trị cho người mắc COVID-19.

Tại Nhật Bản, biến chủng Delta hoàn toàn lấn lướt biến chủng Alpha, khiến chủng virus cũ gần như biến mất từ cuối tháng 8. Trong khi ở các nước khác như Indonesia và Ấn Độ, biến chủng Alpha vẫn tiến tục lan rộng bên cạnh biến chủng Delta.

Đeo khẩu trang là thói quen của người Nhật. (Ảnh: Reuters)

Hiện tượng virus SARS-CoV-2 tự biến mất hoàn toàn có khả năng xảy ra ở các quốc gia khác, dù việc phát hiện có thể khó hơn bởi không ở đâu protein nsp14 có nhiều đột biến như tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, các đột biến ở vị trí A394V cũng đã được ghi nhận ở 24 quốc gia.

Giả thuyết của giáo sư Inoue cũng có thể giúp giải thích lý do đại dịch SARS đột ngột chấm dứt vào năm 2003. Khi tiến hành thí nghiệm, các nhà khoa học tạo ra các đột biến nhân tạo tại protein nsp14 của virus SARS. Kết quả cho thấy virus dừng tự nhân bản.

"Chúng ta không có dữ liệu di truyền của virus SARS, vì vậy tất cả chỉ là phỏng đoán. Nhưng bởi virus SARS đã biến mất, đại dịch SARS sẽ không bao giờ quay trở lại", ông Inoue nói.

Câu hỏi đặt ra là liệu đại dịch COVID-19 có thể kết thúc một cách tự nhiên nếu virus SARS-CoV-2 dừng tự nhân bản trên phạm vi toàn cầu.

"Khả năng này không phải không có, nhưng lúc này hy vọng như vậy là quá lạc quan bởi chúng ta chưa có bất cứ bằng chứng xác thực nào", ông Inoue nhận xét.

Từ sau khi đạt đỉnh vào cuối tháng 8, số ca mắc COVID-19 mỗi ngày ở Nhật Bản đã giảm xuối dưới 5.000 vào giữa tháng 9 và chỉ còn dưới 200 từ cuối tháng 10.

Nhật Bản hiện là quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất trong nhóm các nước phát triển. Tuy nhiên, ông Inoue cảnh báo điều này không có nghĩa Nhật Bản sẽ miễn nhiễm trước làn sóng dịch bệnh kế tiếp.

"Delta từng khiến các biến chủng khác không lan rộng ở Nhật Bản. Nhưng lúc này biến chủng Delta đã không còn, các biến chủng khác sẽ có cơ hội lấp chỗ trống. Chỉ một biện pháp tiêm chủng là không đủ để chấm dứt đại dịch", ông Inoue nói.

Khi được hỏi liệu sự biến mất của biến chủng Delta có liên quan tới bộ gene của người Nhật Bản hay không, giáo sư Inoue lắc đầu.

"Người dân tại các nước Đông Á, như người Triều Tiên, có chung nguồn gốc sắc tộc với người Nhật. Tôi cũng không rõ vì sao hiện tượng virus tự biến mất chỉ có ở Nhật Bản", ông Inoue nói.

Nguồn:

Tin mới