Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

COVID-19 bùng phát trở lại: Kinh doanh khách sạn thêm bết bát

(VTC News) -

Ngành du lịch vừa phục hồi nhẹ đã phải đối đầu với dịch bệnh COVID-19 quay trở lại khiến kinh doanh khách sạn thêm ảm đạm, thậm chí nhiều nơi nguy cơ "chết yểu".

Tháng 6,7,8 được coi là những tháng cao điểm du lịch trong năm, cùng với đó là chính sách kích cầu du lịch nội địa. Nhưng bên cạnh những tín hiệu khả quan vừa lóe thì ngành du lịch phải đối diện với vô vàn khó khăn, đặc biệt là kinh doanh khách sạn.

Lượng khách sụt giảm, doanh thu ế ẩm, nhiều khách sạn đang đứng trước tình thế vô cùng khó khăn. (Ảnh minh hoạ).

6 tháng đầu năm thê thảm

Tại các thị trường du lịch lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, lượng khách du lịch, công suất phòng đều sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo tổng hợp báo cáo từ các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2020, công suất trung bình khối khách sạn ước đạt khoảng 31,74%, giảm 38,35% so với cùng kỳ năm 2019.

Công suất khai thác và giá thuê mỗi đêm khách sạn ở Hà Nội đã giảm thấp nhất từ năm 2016. Cách ly xã hội cùng với việc đóng cửa du lịch quốc tế đã ảnh hưởng mạnh tới hoạt động thị trường khách sạn trong quý II. Du khách tới Hà Nội nửa đầu năm nay giảm hơn 65%, xuống còn 4,93 triệu lượt. Riêng quý II, khách du lịch tới Hà Nội giảm 84%, xuống 1,08 triệu lượt.

Sự thiếu vắng khách du lịch dẫn tới hàng loạt điểm tham quan, khách sạn vẫn phải hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa.

"Chúng tôi có 12 khách sạn và resort trong hệ thống, hiện tại mới chỉ mở lại 2 cái ở Hội An, những khách sạn ở Hà Nội vẫn phải đóng cửa vì không có khách. Mặc dù vậy, chi phí để vận hành duy trì khách sạn vẫn phải chi trả. Chưa tính đến tiền lương cho gần 800 nhân viên thì con số thiệt hại tính đến thời điểm này của tập đoàn đã lên đến hàng chục tỷ đồng", ông Đỗ Văn Đàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Elegance Hospitality Group (Hà Nội) chia sẻ. 

Tại Đà Nẵng, nhiều khách sạn phải rao bán vì kinh doanh ế ẩm, thua lỗ. Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, ước tính đến tháng 6/2020, tại TP. Đà Nẵng có khoảng 1.016 cơ sở lưu trú du lịch, với 42.206 phòng (tăng 196 cơ sở, với 4.774 phòng so với cùng kỳ năm 2019). Trong khi khách du lịch đến Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm rõ rệt, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1,66 triệu lượt khách, giảm hơn 49% so với cùng kỳ năm trước. 

"Hiện tại doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Doanh thu từ hệ thống các khách sạn trong tập đoàn chỉ đủ trả tiền điện, nước...chứ chưa đủ để trả tiền cho hơn 400 nhân viên. Vì vậy, chúng tôi cũng đã phải cho 30 % nhân viên nghỉ làm", ông Đỗ Như Châu - Tổng Giám đốc tập đoàn Le Pavillon HoiAn group nói.

Đáng nguy hại hơn, thành phố du lịch này đang phải đối diện với dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại, khiến rất nhiều khách phải hủy tour. Những du khách đã đến Đà Nẵng cũng nhanh chóng rời nơi đây để tránh dịch. Tình hình này chắc chắn còn kéo dài trong thời gian tới càng khiến ngành du lịch địa phương thêm ảm đạm. Các khách sạn ở đây còn phải hứng chịu thêm những hậu quả nặng nề từ dịch bệnh.

Còn tại TP.HCM theo báo cáo của Savills, trong nửa đầu năm 2020, công suất phòng điều chỉnh 32%, trong khi giá phòng chỉ còn 74 USD mỗi phòng một đêm. Các khách sạn 5 sao chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc chủ yếu vào khách quốc tế. Với tỷ lệ trống phòng khách sạn gần 80%, phân khúc này được Savills dự báo tiếp tục khó khăn.

Nguy cơ đổ vỡ hàng loạt

Trong khi các đường bay quốc tế chưa thể phục hồi, du lịch nội địa chỉ tập trung vào trong 3 tháng hè, nguy hiểm nhất là dịch bệnh quay trở lại khiến nhiều nơi phải giãn cách, kinh doanh khách sạn được dự đoán rất khó để tiếp tục cầm cự.

"HIện resot và khách sạn ở Hội An của tập đoàn đang được khai thác tốt nhưng với đặc trưng du lịch nội địa chỉ tập trung trong 3 tháng hè trong khi đó du lịch quốc tế vẫn chưa được mở cửa, chúng tôi chưa biết sau 3 tháng nữa tình hình kinh doanh thế nào", ông Đỗ Văn Đàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị -Tập đoàn Elegance Hospitality Group lo lắng.

Ông Đỗ Như Châu – Tổng Giám đốc tập đoàn Le Pavillon HoiAn group thì cho biết: "Mặc dù đang mùa cao điểm du lịch nhưng do áp lực cạnh tranh về giá, chúng tôi đã phải giảm 30% giá phòng. Với giá giảm và lượng khách trong tuần chỉ đạt công suất 20%, doanh thu từ hệ thống khách sạn trong tập đoàn chỉ đủ trả tiền điện, nước...Chúng tôi cũng chưa tính được phương án kinh doanh thế nào cho những tháng tới".

Đặc biệt việc Đà Nẵng ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng mới đây cũng khiến các đơn vị lưu trú càng lo lắng. "Ngay khi có thông tin Đà Nẵng có người nhiễm COVID-19 nhiều đoàn khách du lịch cũng như khách hàng là gia đình đã hủy đặt phòng tới Đà Nẵng. Tôi nghĩ tình trạng này chắc chắn sẽ còn gia tăng trong những ngày tiếp theo", chủ một khách sạn tư nhân ở Đà Nẵng cho hay.

Savills dự báo, với tỷ lệ trống của thị trường khách sạn luôn ở mức 30%, kinh doanh khách sạn tiếp tục gặp khó khăn trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó các khách sạn từ các dự án tương lai cùng sự trở lại mới đây của những khách sạn đóng cửa tạm thời sẽ càng gây áp lực lên thị trường những tháng cuối năm do nguồn cung tăng nhanh.

Trong khi đó, không ít ý kiến cho rằng, tình hình kinh doanh khách sạn càng bê bết hơn, thậm chí đối diện cảnh phá sản hàng loạt, khi đối diện với COVID-19 bắt đầu bùng phát trở lại.

LAN HƯƠNG

Tin mới