Lê Công Vinh là cầu thủ Việt Nam đầu tiên khoác áo một CLB Nhật Bản. Chỉ chơi cho Consadole Sapporo nửa mùa giải, nhưng cựu tiền đạo đội tuyển Việt Nam vẫn kịp để lại dấu ấn khi ra sân 11 trận, ghi 4 bàn và có 2 đường kiến tạo.
Hơn ai hết, Công Vinh hiểu rõ những thách thức đối với cầu thủ Việt Nam khi đến Nhật Bản tìm kiếm cơ hội. Anh cho rằng Đặng Văn Lâm, người vừa gia nhập Cerezo Osaka ở J.League 1, thậm chí phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với chính mình trước kia.
Đặng Văn Lâm là cầu thủ Việt Nam đầu tiên khoác áo một đội bóng J.League 1.
“Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức với Văn Lâm. Nếu là tiền đạo, tiền vệ thì có thể xoay vòng lực lượng nhưng đặc thù của thủ môn là ổn định", Công Vinh chia sẻ.
"HLV trưởng sẽ không mạo hiểm thay đổi nhiều trong một mùa bóng, trừ trường hợp thủ môn chính chấn thương nặng hoặc liên tiếp mắc sai lầm. Đó là khó khăn cho Đặng Văn Lâm".
Ngoài Đặng Văn Lâm, Cerezo Osaka có hai thủ môn khác giàu kinh nghiệm hơn là Kenya Matsui (35 tuổi) và Kim Jin-hyeon (33 tuổi). Nếu tuyển thủ Việt Nam không giành được suất bắt chính từ đầu, anh sẽ phải chấp nhận ngồi dự bị trong một thời gian dài.
"Nếu không được ra sân, Văn Lâm sẽ rất thiệt thòi. Cậu ấy có thể phải đối diện với việc không được bắt một trận nào nguyên cả mùa J.League 1. Văn Lâm có thể chỉ được ra sân ở những trận đấu tập vào thứ Hai hàng tuần hay các giải đấu cúp. Văn Lâm phải thể hiện khả năng chuyên môn vượt trội hơn các thủ môn khác của Cerezo Osaka thì mới có cơ hội bắt chính", Công Vinh nói.
Cựu tiền đạo đội tuyển Việt Nam cũng nhắc lại rằng thách thức đầu tiên mà Đặng Văn Lâm cũng như anh trong quá khứ phải vượt qua là thích nghi với môi trường mới. Đặng Văn Lâm hiện tại là một trong những cầu thủ có ý thức tập luyện cũng như thể chất tốt nhất của bóng đá Việt Nam, nhưng điều đó chưa chắc đảm bảo cho anh hòa nhập tốt với môi trường khắc nghiệt ở J.League.
Công Vinh từng ghi dấu ấn ở J-League 2 trong màu áo Consadole Sapporo.
“Cường độ tập luyện tại Nhật Bản cao hơn mình. Các cầu thủ tập luyện, cạnh tranh vị trí khốc liệt hơn", Công Vinh nói.
"Nếu như ở Việt Nam, chúng ta chỉ tập một buổi chiều hoặc một buổi sáng thì ở Nhật Bản, họ bắt đầu buổi tập vào lúc 10 giờ. Nhưng từ 8 giờ đến 8 giờ 30, các cầu thủ đã có mặt tại sân tập. Đến 12 giờ là kết thúc buổi tập. Nhưng cầu thủ sẽ tập đến 1 giờ chiều. Tuần nào cũng như vậy đấy”.