Aurora Borealis hay cực quang là màn trình diễn ánh sáng tự nhiên, sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió Mặt Trời với tầng khí quyển bên trên Trái Đất. Sự kết hợp năng lượng này tạo ra không gian đa sắc màu tuyệt đẹp với các dải sáng chuyển động liên tục và thay đổi, trông như những dải lụa màu trên bầu trời. Để có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng ngoạn mục này, du khách có thể đến Iceland, Na Uy hoặc Canada. (Ảnh: BlueOrange Studio)
Nằm ở Vườn Quốc gia Los Glaciares (tỉnh Santa Cruz, khu vực Patagonia, Argentina), sông băng Perito Moreno có chiều dài đáng kinh ngạc lên tới 30 km. Những khối băng “già” hùng vĩ có bề mặt không trơn nhẵn, bằng phẳng mà gồ ghề, sắc nhọn, ánh lên màu xanh như ngọc. Tất cả tạo nên tác phẩm bằng băng ngoạn mục, thể hiện sự sáng tạo hoàn hảo của mẹ thiên nhiên. (Ảnh: Saiko3p)
Mạch nước phun Strokkur là địa điểm nổi tiếng, thu hút rất nhiều du khách ở Haukadalsvegur, Iceland. Cứ sau 5 đến 10 phút, Strokkur lại phun nước lên và có thể đạt tới độ cao 40 m. Hiện tượng tự nhiên này gây ra bởi magma gần bề mặt Trái Đất, làm sôi nước từ các sông băng gần đó. (Ảnh: Snomedia)
Etna (Sicily, Italy) là ngọn núi lửa hoạt động lớn nhất ở châu Âu, thường xuyên phun trào trong hàng nghìn năm. Các vụ phun trào ở núi lửa Etna có thể tạo ra dòng dung nham cao vài trăm mét. (Ảnh: Wead)
Hình dạng tương tự khối cầu nổi khiến nhiều người liên tưởng các đám mây này là UFO. Thực chất, đám mây dạng thấu kính được tạo ra khi gió thổi trên những ngọn đồi và núi, nếu có đủ độ ẩm không khí. Trong hình là mây thấu kính bay trên các dãy núi ở bán đảo Kamchatka, miền Viễn Đông nước Nga. (Ảnh: Michael Dorogovich)
Miệng núi lửa Darvaza (ở đất nước Trung Á Turkmenistan) là một mỏ khí đốt tự nhiên đáng sợ, được mệnh danh là cổng địa ngục. Có độ sâu hơn 20 m, Darvaza bị đốt cháy từ những năm 1970 sau khi các nhà khoa học cố gắng loại bỏ một lượng nhỏ khí tự nhiên thoát ra từ miệng núi lửa. (Ảnh: Matyas Rehak)
Bản thân những ngọn núi lửa đang hoạt động đã mang đến sự nguy hiểm khó lường, thế nhưng núi lửa phun trào đi kèm sét trông còn đáng sợ hơn nhiều lần. Bức ảnh chụp sét núi lửa và dung nham phun ra từ Calbuco, ngọn núi lửa ở miền nam Chile, vào năm 2015. (Ảnh: Martin Bernetti)
Tháng 11/2018, trận cháy rừng Woolsey Fire đã quét qua Malibu (California, Mỹ) và hình thành một lốc xoáy lửa ở đây. Cơn lốc thổi tung những mảnh vụn, than hồng, khí gas và có thể chỉ kéo dài một vài phút. (Ảnh: Erick Madrid)
Trong điều kiện phù hợp, bằng mắt thường, bạn có thể quan sát dải ngân hà bao la với hàng trăm tỷ ngôi sao lấp lánh. Hình ảnh dải ngân hà cùng trận mưa sao băng Perseids tuyệt đẹp trên được chụp trên bờ Biển Đen (Bulgaria). (Ảnh: Jasmine_K)
Dung nham gặp nước: Bức ảnh này chụp dung nham tươi từ núi lửa Kilauea (Hawaii, Mỹ) chảy ra biển Thái Bình Dương. Dòng dung nham có thể giúp tạo ra vùng đất mới nhưng cũng phá hủy bất cứ thứ gì trên đường chảy qua. (Ảnh: Saraporn)