Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cơn khát nước sạch của 1 triệu dân Hà Nội: Một gia đình phải lắp tới 9 máy bơm

(VTC News) -

Nguồn nước ngầm khan hiếm nên gia đình anh Song phải dùng 3 giếng khoan với 9 máy bơm để tìm nguồn nước, tiền điện để bơm nước mỗi tháng cũng mất 1 triệu đồng.

Video: 1 triệu dân ngoại thành Hà Nội "khát" nước sạch

Nước sạch là một trong những nhu cầu thiết yếu nhất trong đời sống con người. Nhưng ngay tại Hà Nội, cách trung tâm gần 40km, 250.000 hộ dân, tương đương khoảng 1 triệu nhân khẩu ở 4 huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai và Mỹ Đức  hàng chục năm nay vẫn luôn sống trong cảnh thiếu nước sạch.

Ở những địa phương này, người dân đang phải từng ngày dùng nước mưa, nước sông, thậm chí cả nước ao để sinh hoạt. Trong đó, chỉ số ít hộ dân có điều kiện kinh tế mới mua được những bộ máy lọc về sử dụng tạm thời. Nước chỉ hợp vệ sinh chứ chưa đảm bảo cho việc ăn uống theo tiêu chuẩn Bộ Y tế.

9 máy bơm phục vụ 1 gia đình

Tại xóm 5, xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, do nước ngầm khan hiếm nên gia đình anh Đàm Trọng Song phải dùng đồng thời 3 giếng khoan với 9 máy bơm nước mới đủ cho nhu cầu của gia đình.

Thế nhưng, nước bơm lên lại rất bẩn. Phải qua một lần lọc cát sỏi, than hoạt tính, lại tiếp tục qua máy lọc RO, gia đình anh Song mới dám dùng nước để ăn uống. Lõi lọc vừa mới thay chưa được 2 tháng đã cáu bẩn, đen xì.

Để chứng thực với mọi người, anh tháo lõi lọc từ máy RO ra, để vào chậu và chà xát. Chỉ chưa đầy 1 phút sau, bàn tay anh đã phủ lớp màu đen kịt, mùi nồng sộc lên tận mũi.

"Về mùa mưa lượng nước dồi dào, gia đình xây 2 bể chứa nước mưa và 3 bể lọc nước giếng khoan bằng cát sỏi dùng quanh năm. Vẫn phải ăn chứ biết làm thế nào, chẳng lẽ đi xin được mãi, đi mua nước bình về ăn thì tiền đâu? Nhà mình đây còn đỡ, có nhà còn khổ hơn, nhiều người khoan giếng còn không khoan nổi mà dùng. Chỉ tính riêng tiền thuê người thau 3 bể lọc cát sỏi nhà tôi cũng mất 3 triệu/2 tháng", anh Song cho biết.

Chị Hiện (chị dâu anh Song) đang ngồi rửa đồ ăn chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Lấy nước từ giếng khoan lên rửa nhưng chị bảo: "Khuất mắt trông coi, nhìn nước thì cứ trong như này nhưng ai biết được trong nước bị nhiễm những chất độc hại gì đâu. Biết ăn vào sẽ độc hại đấy, nhưng không dùng thì làm gì còn nước nào mà sử dụng nữa".

Không chỉ riêng gia đình anh Song, nhiều hộ dân ở đây cũng đang phải chịu thêm tiền khoan giếng chẳng rẻ mạt gì. Mỗi mũi khoan ở đây có giá từ 25 triệu đến 30 triệu, tùy vào độ sâu của giếng và tầng địa chất ở khu vực, có giếng phải khoan sâu tận 70 mét, có nhà phải khoan đến 4 mũi mới thấy nước. Tiền điện để vận hành hệ thống máy bơm của những nhà như anh Song luôn ở mức trên dưới 1 triệu đồng.

Dù đã dùng tới máy bơm thứ 9, nhưng nguồn nước ngầm được bơm lên bể nhà anh Song không phải lúc nào cũng có.

Cách đó 200m, tại khu vực giếng làng của xã, hàng chục ống nước được cắm trực tiếp xuống giếng nằm phía trước khu đình làng. Các hộ dân xung quanh dùng máy bơm để kéo nước về nhà sinh hoạt qua những đường ống này.

Một người dân cho biết, hàng chục hộ tại khu vực quanh đình làng đều phải dùng chung nguồn nước này. Cá biệt có những hộ ở xa, máy bơm không hút được phải dùng trực tiếp nguồn nước của sông Đáy gần đó.

"Chúng tôi biết nguồn nước ở giếng làng này giờ không còn sạch nữa, cũng không biết nó độc hại đến mức nào. Nhưng cũng không còn cách nào khác để tìm nguồn nước sinh hoạt. Chúng tôi khoan nhiều lần rồi nhưng nước ngầm ngày càng cạn kiệt, nên đành nối ống ra đây để bơm nước về qua bể lọc mà nấu ăn, sinh hoạt. Bây giờ không ăn nước này thì chúng tôi ăn nước gì?", người dân vừa nói vừa chỉ tay về phía giếng làng.

Những ống nhựa dẫn nước từ giếng làng về các hộ dân phục vụ sinh hoạt.

Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Ngọc Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Lâm cho hay: “Trên địa bàn xã Phúc Lâm hiện chưa có nước sạch để dùng, tất cả các hộ dần đều dùng nguồn nước từ giếng khoan, nước mưa, thậm chí có những hộ dân dùng nước sông Đáy.

Chính quyền xã cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân về xây dựng các trạm cấp nước, nhưng vẫn chưa có đơn vị nào. Mong muốn của chính quyền cũng như người dân địa phương nơi đây là sẽ sớm có nước sạch để dùng”.

Đó là những nơi không có nước sạch để dùng, còn có nơi có nước sạch nhưng người dân không muốn dùng.

Trạm nước sạch thành nguồn nhiễm bệnh

May mắn hơn các hộ dân ở huyện Mỹ Đức, người dân tại xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai được sử dụng nước từ trạm cấp nước của xã. Nhưng theo kết quả của Sở Y tế Hà Nội, nước của trạm này nhiễm cả Amoni, Asen, Coliform và Ecoli.

Trạm nằm cạnh UBND xã và cách khu vực dân cư chỉ khoảng 300m. Trạm nước này được đưa vào hoạt động từ năm 2013 với vốn đầu tư 10,2 tỷ đồng.

Được xây dựng với mục đích cung cấp nước sạch cho người dân của xã, tuy nhiên người dân trong xã nhiều lần phản ánh lên các cơ quan chức năng về chất lượng nước ở đây.

Trạm nước sạch tại xã Xuân Dương bị nhiễm các độc tố Amoni, Asen, Coliform và Ecoli.

Bà Nguyễn Thị Xinh (xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai) cho biết, nước ở đây có mùi tanh. Ban đầu, bà Xinh thắc mắc với gia đình và gọi cho các con về kiểm tra lại thiết bị lọc nước, nhưng hoá ra đó là tình trạng chung của cả xóm và nhiều nơi trong xã. Thậm chí, nước đun sôi lên rồi cũng không thể dùng nổi.

“Con tôi về kiểm tra lại bể chứa nước được dẫn theo đường ống của trạm về từng hộ dân, nhưng không phát hiện ra vật thể gì trong đó cả. Sau đó do không chịu được mùi tanh bốc ra từ nước, nên tụi nó đã phải mua hệ thống lọc nước RO về cho nhà sinh hoạt. Cho đến bây giờ, chúng tôi chỉ dùng nước mưa làm nước nấu ăn, còn nước từ trạm thì để sinh hoạt như giặt quần áo hoặc tắm rửa”, bà Xinh chia sẻ.

Gia đình bà Xinh phải thay lõi lọc hàng tháng để đảm bảo nước không bị ô nhiễm.

Anh Tuấn (cháu bà Xinh), một bác sĩ nha khoa của xã cũng có ý kiến về câu chuyện nước sạch ở địa phương. Anh cho biết, những lần anh điều trị cho người dân nơi đây, họ đều phàn nàn về nguồn nước được cấp ra từ trạm: "Nhiều lần tôi vào trong xã làm việc, gặp nhiều bà con bảo rằng khi uống nước từ nguồn này, họ cảm giác trong nước có mùi nồng và tanh, đôi khi nước có thêm cả cặn nữa. Họ rất lo về vấn đề này nhưng không biết ý kiến với ai".

Trên thực tế, mặc dù đã có nhiều văn bản quy định, nhưng do thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất về một đầu mối, dẫn đến việc quản lý, giám sát chất lượng nước sạch sau quá trình sản xuất, khai thác đến việc bảo đảm xử lý nước thô thành nước sạch và khâu phân phối qua hệ thống đường ống đến từng hộ dân vẫn đang bị buông lỏng.

Để khắc phục tình trạng này, cuối năm 2019, Bộ Xây dựng thẩm định đề án Điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch mới này bổ sung thêm nhà máy nước mặt Xuân Mai sẽ cung cấp nước cho toàn bộ khu vực phía Nam ngoại thành Hà Nội.

Một nhà máy nước hoạt động song song cùng nhà máy nước mặt sông Đà để đảm bảo an ninh nguồn nước nếu một trong hai nhà máy gặp sự cố. Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của Hà Nội (cả khu vực đô thị và nông thôn), tổng diện tích là 3.358,59km2 có mở rộng ra vùng phụ cận Hà Nội. 

Ông Lê Văn Du, Phó Trưởng phòng Hạ tầng, Kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, phương án quy hoạch đã được UBND TP Hà Nội báo cáo Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng cũng đã trình Thủ tướng, tuy nhiên về nội dung thì giữa UBND TP Hà Nội và Bộ Xây dựng vẫn còn một số điểm chưa thống nhất. Đặc biệt là bổ sung thêm một số nhà máy nước để đáp ứng nhu cầu cho Hà Nội như nhà máy nước Xuân Mai”.

Như vậy, những hộ gia đình như anh Song, hay bà Xinh cùng hàng trăm nghìn hộ dân ở 4 huyện ngoại thành nói trên, lại phải mòn mỏi chờ đợi không biết đến khi nào mới có thể xóa cơn khát nước sạch.

Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên - Môi trường, hiện mỗi năm, có khoảng 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém, gần 250 nghìn người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước.

Một nghiên cứu của WHO về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, đưa ra cảnh báo, hiện có khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mà nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và kém về vệ sinh. Bên cạnh đó, có khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen.

Thanh Tùng (Đồ họa: Hà Thành)

Tin mới