Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2020 với doanh thu thuần giảm đến 47% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt gần 4.910 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu do khủng hoảng kép COVID-19 và Nghị định 100 về rượu bia.
Cổ phiếu SAB lao dốc không phanh từ đầu năm. (Ảnh: SAB)
Dù đã thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí như cắt giảm chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, ngân sách quảng cáo… song lợi nhuận ròng của Sabeco vẫn chỉ đạt hơn 700 tỷ đồng, giảm 43%.
Dòng tiền kinh doanh của Sabeco trong quý cũng âm gần 1.100 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 378 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Sabeco đến cuối kỳ đạt 24.200 tỷ đồng, giảm hơn 2.700 tỷ so với thời điểm đầu năm.
Trên thị trường, cổ phiếu Sabeco gần đây cũng biến động mạnh theo xu hướng tiêu cực. Chốt phiên giao dịch 29/4, mã SAB đứng mức 163.000 đồng/cổ phiếu, giảm 7000 đồng so ngày giao dịch liền trước. Tính từ sau Tết, cổ phiếu Sabeco đã mất 65.293 đồng/cổ phiếu, tương đương 29%.
Trong công văn bản gửi Thủ tướng hồi tháng 3, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành bia.
Theo VBA, từ đầu năm 2020, ngành bị ảnh hưởng bởi tác động kép do dịch COVID-19 và Nghị định 100 nên sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.
Theo đó, hai tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp trong ngành đều sụt giảm mặc dù vào đúng dịp Tết và mùa lễ hội, mùa có sản lượng tiêu thụ lớn nhất trong các năm trước đây.
Nhiều doanh nghiệp giảm sản lượng tiêu thụ đến 40-50% trong hai tháng vừa qua. Nhiều hàng quán dịch vụ ăn uống giảm đến 70-80% lượng khách so với cùng kỳ 2019. “Giảm sản lượng tiêu thụ tác động tiêu cực làm giảm doanh thu, các doanh nghiệp nhỏ có thể phải đóng cửa do làm ăn khó khăn”, VBA cho biết.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành, VBA kiến nghị Chính phủ xem xét giảm một số loại thuế, phí tạo điều kiện các doanh nghiệp ngành bia, các tổ chức kinh doanh dịch vụ khắc phục khó khăn ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Hoãn đề xuất tăng các loại thuế trong thời gian tới để các doanh nghiệp ổn định yên tâm đầu tư phát triển sản xuất đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sản xuất sản phẩm có độ cồn thấp hoặc không có độ cồn để có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, phù hợp với quy định của pháp luật và góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa ẩm thực của Việt Nam.
Đối với Nghị định 100, VBA kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn để phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, VBA kiến nghị Chính phủ xem xét lại mức xử phạt hiện nay vì mức phạt này là quá cao so với thu nhập bình quân của người dân, đặc biệt là mức phạt đối với xe máy, phương tiện giao thông rất phổ biến hiện nay ở Việt Nam, nhất là ở vùng sâu, vùng xa nơi không có các phương tiện giao thông công cộng như taxi, xe buýt...
Đồng thời, xem xét bổ sung hình thức xử phạt cảnh cáo đối với những người đi xe máy vi phạm lần đầu với nồng độ cồn thấp như quy định trước đây của Chính phủ.