Thị trường chứng khoán sáng 28/3 giảm mạnh ngay từ khi mở cửa, với tâm điểm là nhóm cổ phiếu bất động sản bị bán tháo ồ ạt, trong đó các mã liên quan FLC dư bán sàn hàng chục triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu "họ" FLC trắng bên mua, liên tục lao dốc. (Ảnh minh họa)
Lúc 10h, mã FLC của Tập đoàn FLC Group tạm giao dịch mức 13.600 đồng/cổ phiếu, giảm sàn 6,85%, tương đương mỗi cổ phiếu “bay” 1.000 đồng. Với hơn 709 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hoá thị trường FLC “bốc hơi” hơn 709 tỷ đồng.
Tương tự, các mã khác như ROS (Xây dựng FLC Faros), HAI (Nông dược H.A.I), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone), KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS), ART (Chứng khoán BOS) cũng đồng loạt nằm sàn. Cụ thể, ROS giảm sàn 7% về 8.770 đồng/cổ phiếu, HAI giảm sàn 6,9% về 6.320 đồng/cổ phiếu, AMD giảm sàn 6,9% về 6.650 đồng/cổ phiếu, KLF giảm sàn 9,85 về 6.400 đồng/cổ phiếu, ART giảm sàn 9,65% về 10.300 đồng/cổ phiếu.
Không những thế, các mã FLC, ROS, AMD, KLF, ART…đều ở tình trạng trắng bên mua từ sớm. FLC dư bán sàn hơn 55 triệu cổ phiếu, ROS dự bán sàn gần 47.4 triệu cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu AMD, KLF, ART cũng dư bán sàn đáng kể.
Theo giới phân tích, trường hiện chứng khoán đang xôn xao với một tin đồn liên quan tới nhóm cổ phiếu này. Tâm lý lo ngại đã khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu “họ” FLC.
Chia sẻ về cách ứng xử khi có tin đồn trên thị trường, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp - CEO tại Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư S-Talk - cho rằng nhà đầu tư cần quan sát và ra quyết định thật nhanh đầu phiên. Xác định những tin mang tính cục bộ một nhóm cổ phiếu (nếu giả sử là thật) có thể sẽ lan ra cho nhóm ngành liên quan, không loại trừ sẽ lan cả thị trường. Đừng nghĩ đó là sự vô lý vì thị trường chứng khoán ví như một cơ thể, bất cứ bộ phận nào bị sự cố, đều sẽ làm cơ thể yếu mệt. Thông thường những ảnh hưởng cục bộ sẽ tác động tức thời và ngắn hạn. Kinh nghiệm chỉ ra rằng nếu tin đồn không có thật, câu chuyện sẽ kết thúc hoàn toàn trong 1,5 phiên. Trong trường hợp sự việc có thật, nhóm của vụ việc sẽ rơi sâu và kéo dài, nhóm liên quan có thể sẽ mất khoảng 15% trong thời gian 3-4 phiên, thị trường chung sẽ mất 5% - 8% trong vòng 2-3 phiên.
“Đối với mỗi lớp nhà đầu tư có trạng thái tài khoản, danh mục đầu tư khác nhau, tâm lý cũng như khả năng chịu đựng khác nhau, đều cần phải xây dựng kế hoạch và xử lý chuyên biệt”, ông Điệp nói.
Lúc 11h, thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ. VN-Index giảm 11.29 điểm về khu vực 1.487 điểm. Toàn sàn có 332 mã giảm, 116 mã tăng, 42 mã đi ngang. VN30 giảm 11,4 điểm xuống 1.486 điểm, mã giảm chiếm đa số với 24 mã. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 3,58 điểm và UPCOM-Index cũng lùi về 116 điểm.
Tạm dừng phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 13,94 điểm (0,93%) xuống 1.484,56 điểm. Toàn sàn HoSE có 325 mã giảm, 125 mã tăng và 43 mã đứng giá.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 3,11 điểm (0,67%) xuống 458,64 điểm. UPCom-Index giảm 0,81% xuống 116,05 điểm. Thanh khoản toàn thị trường ở mức trung bình với giá trị giao dịch 3 sàn đạt 21.000 tỷ đồng. Một điểm sáng trong phiên là giao dịch khối ngoại mua ròng hơn 50 tỷ đồng trên sàn HoSE, lực mua tập trung vào các cổ phiếu như DGC, VRE, FTS...
Phiên giao dịch chiều tiếp tục chìm trong sắc đỏ với áp lực bán ồ ạt tại hàng loạt nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Đóng cửa phiên đầu tuần, VN-Index giảm 15,32 điểm (1,02%) còn 1.483,18 điểm. Nhóm VN30 ghi nhận 3 cổ phiếu giữ được sắc xanh là MWG, SAB, FPT; BVH, PLX và PNJ đứng tham chiếu, còn lại 24 cổ phiếu đều chìm trong sắc đỏ.
HNX-Index giảm 6,86 điểm (1,49%) còn 454,89 điểm. UPCoM-Index giảm 0,99 điểm (0,95%)xuống 116,01 điểm.
Độ rộng thị trường hôm nay nghiêng hoàn toàn về bên bán. Toàn thị trường có tới 681 mã giảm điểm, trong đó 35 mã giảm sàn; áp đảo hoàn toàn so với 395 mã tăng điểm. Thanh khoản phiên giao dịch hôm nay ở mức cao, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt giá trị 39.745 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt 32.880 tỷ đồng.