Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Có nên điều chỉnh giá điện như xăng dầu?

(VTC News) -

EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, tức là khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại, đề xuất này đã khiến dư luận quan tâm.

Trước đề xuất của EVN, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn Đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, điều này phù hợp với tình hình thực tế của thị trường.

“Ngành điện tuy độc quyền nhưng họ cũng sản xuất kinh doanh theo thị trường, nếu xăng dầu có biến động về giá thì sẽ ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành điện. Cho nên việc ngành điện đề xuất áp dụng cơ chế thị trường tôi cho là hợp lý. Ngành điện cứ thua lỗ mãi sẽ không ổn, thua lỗ thì làm sao kinh doanh được, Nhà nước cũng không thể bù đắp cho họ mãi. Do đó, việc ngành điện phải tính toán và nêu đề xuất khắc phục cũng là dễ hiểu", đại biểu Hòa nói.

Tuy nhiên, ông Hòa nhấn mạnh, EVN không thể cộng những chi phí bất hợp lý để đưa vào bù lỗ cho ngành. Do đó, muốn thuyết phục được người dân và các bộ, ngành thì EVN phải công khai chi tiết, chính xác, tỉ mỉ từng khoản lỗ và chi phí sản xuất, chứ không thể chỉ kêu lỗ suốt được. Đại biểu Quốc hội cũng khuyến cáo, việc điều chỉnh giá điện cần phải xem xét kỹ, xem có phù hợp với thực tế hay không, tác động thế nào đến người dân và nền kinh tế, từ đó Bộ Công Thương và Chính phủ mới đi đến quyết định.

“Bộ Công Thương với chức năng quản lý Nhà nước và Chính phủ phải xem xét lại đề xuất và quan trọng là chi phí của ngành điện có hợp lý hay không. Nếu không hợp lý thì ngành điện phải cắt bỏ những chi phí không hợp lý. Còn nếu thực tiễn khách quan do giá đầu vào tăng mà ngành điện phải bù lỗ thì cần tăng giá điện. Tôi nghĩ rằng cần phải xem xét thật kỹ để làm sao vừa phù hợp, ích nước lợi nhà, vừa tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp, lợi ích cho người dân và đặc biệt là ưu tiên cho người tiêu dùng, ưu tiên cho những nhà máy sản xuất kinh doanh sử dụng điện”, ông Hòa nêu ý kiến.

EVN đề xuất được linh hoạt điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường. (Ảnh minh họa)

Cùng bàn luận về vấn đề trên, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, Quyết định 24/2017 của Thủ tướng đã nêu rõ, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất, nhưng vì điện là mặt hàng nhạy cảm, có tác động lớn đến nhiều lĩnh vực nên thời gian không tăng giá cũng đã kéo dài. Hiện, giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) duy trì từ tháng 3/2019 đến nay. 

"Pháp lý đã có rồi nhưng vì sao chúng ta không căn cứ vào đó để điều chỉnh giá điện, đó là vì chúng ta giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Vì thế, việc đề xuất tăng giá điện theo quy luật thị trường bây giờ là có thể hiểu được. Tuy nhiên, tăng như thế nào, tăng bao nhiêu, có tăng, có giảm như thế nào thì Nhà nước vẫn phải kiểm soát kỹ và chỉ đạo”, ông Long nói.

Ông Long cũng nêu dẫn chứng về việc kinh doanh thua lỗ, thu không đủ bù chi như mặt hàng xăng dầu thời gian qua, khi yếu tố đầu vào tăng, nếu kinh doanh mà không bù đắp đủ chi phí thì nhiều doanh nghiệp không nhập xăng dầu, dẫn đến khan hiếm nguồn cung. Chưa kể việc kinh doanh thua lỗ khiến doanh nghiệp thiếu vốn, nguy cơ phải ngừng sản xuất, dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu của người dân và nền kinh tế. Ngành điện cũng đối diện tình trạng đó, nếu thua lỗ kéo dài.

“Chi phí của ngành điện bao gồm bốn khâu gồm: khâu phát điện; khâu truyền dẫn; khâu phân phối, bán buôn, bán lẻ và chi phí quản lý, vận hành. Việc điều hành giá điện như cơ chế điều hành giá xăng dầu, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tôi cho rằng cũng hợp lý”, ông Long nêu quan điểm.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cũng cho rằng, việc tăng giá điện hiện nay là nhu cầu cần thiết đối với tình hình của EVN. "Từ năm 2019 đến nay ngành điện đã không điều chỉnh giá, việc tăng lúc này cũng là hợp lý. Tuy nhiên, mức tăng giá như thế nào và tăng khi nào là bài toán của cơ quan chức năng để hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, vì việc tăng giá điện lúc nào cũng là vấn đề nhạy cảm, tác động rất lớn đến số đông. Nhất là hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do nhiều chi phí đầu vào cũng tăng cao. Do vậy, suy đến cùng vẫn phải cân nhắc thấu đáo".

"Để phù hợp với tình hình chung, nếu phải tăng giá điện thì EVN và cơ quan chức năng cần cân nhắc mức độ tăng vừa phải, tránh "gây sốc" thị trường. Đồng thời nên xem xét giãn thời gian tăng giá ra so với các yêu cầu khác, có thể sau dịp Tết Nguyên đán, khi sản xuất bắt đầu đi vào ổn định...", ôngThịnh nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo ông Thịnh, vẫn còn nhiều ý kiến thắc mắc về chi phí cấu thành giá điện, do đó doanh nghiệp cần phải công khai, minh bạch thông tin, có sự giám sát của cơ quan chức năng.

Việc ngành điện đề xuất áp dụng cơ chế thị trường là hợp lý. Ngành điện cứ thua lỗ mãi sẽ không ổn, thua lỗ thì làm sao kinh doanh được.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn Đại biểu tỉnh Đồng Tháp

Trước đó, tại Hội nghị về huy động nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ngày 12/12, lý giải về đề xuất điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu, ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN cho biết, năm nay, giá chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng rất cao. Điển hình, giá dầu tăng vài chục phần trăm, giá khí "ăn theo" giá dầu, còn giá than tăng 600% so với đầu năm 2021. Trong khi đó, giá bán điện vẫn giữ bình ổn từ năm 2019 đến nay.

"Các yếu tố nêu trên khiến tình hình tài chính EVN năm nay và thời gian tới gặp nhiều khó khăn. Vấn đề mất cân đối tài chính dẫn đến nguy cơ EVN sẽ không có nguồn chi phí để hoạt động, không có tiền trả cho các đơn vị bán điện cho EVN. Thực trạng này sẽ ảnh hưởng đến đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Chính vì vậy, EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại một cách kịp thời theo một cơ chế tự động, tương tự cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu", ông Nhân nói.

Trước đó, cuối tháng 9, EVN cũng từng đề nghị cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện kịp thời theo đúng quy định của Quyết định 24/2017 của Thủ tướng.

Tính toán của tập đoàn tháng trước cho thấy năm nay EVN có thể lỗ hơn 31.000 tỷ đồng và đã đề xuất cấp có thẩm quyền tăng giá điện. Phương án đề xuất của doanh nghiệp đang được Bộ Công Thương cùng các cơ quan liên quan thẩm định, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Hiện, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo Quyết định 24/2017, dựa trên biến động đầu vào của tất cả khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. Theo Quyết định 24, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3-5%, EVN được quyền quyết định điều chỉnh. Mức biến động giá bán lẻ điện bình quân 5-10%, thẩm quyền quyết định thuộc Bộ Công Thương và trên 10% Thủ tướng quyết định điều chỉnh giá bán lẻ bình quân.

Quyết định này thực hiện gần 5 năm qua, nhưng thực tế việc điều chỉnh giá ở mức nào đều phải có sự chấp thuận từ cấp có thẩm quyền do điện là đầu vào sản xuất, ảnh hưởng tới nhiều ngành, lĩnh vực.

PHẠM DUY

Tin mới