Tại văn bản hướng dẫn tuyển sinh lớp 10 THPT công lập của Hà Nội, đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên chủ yếu thuộc nhóm gia đình chính sách như con thương binh, liệt sỹ, học sinh có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số, người đang sinh sống, học tập ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố của Hà Nội nằm ngoài nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên khi thi vào lớp 10 THPT công lập.
Có nên cộng điểm ưu tiên cho học sinh giỏi cấp tỉnh khi thi vào lớp 10? (Ảnh minh họa)
Là phụ huynh có con đoạt giải học sinh giỏi cấp thành phố môn Hóa học, chị Nguyễn Thị Thanh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, để đoạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố mỗi học sinh đều phải nỗ lực rất nhiều. Bên cạnh đó, thầy cô và gia đình cũng rất vất vả để hỗ trợ các con. Khi tham gia đội tuyển học sinh giỏi, ngoài học chương trình đại trà, chính khóa, các con còn phải học ngày cày đêm cho môn thi đội tuyển, không chỉ đầu tư lượng lớn thời gian, mà còn có rất nhiều nỗ lực, cố gắng.
"Không có chính sách ưu tiên, khuyến khích với những học sinh này khi thi vào lớp 10 khiến cả học sinh và phụ huynh đều cảm thấy đáng tiếc”, vị phụ huynh nói.
Chị Phạm Thanh Trà (Đống Đa, Hà Nội) có con đang học lớp 8 và được thầy cô động viên, khuyến khích tham gia đội tuyển học sinh giỏi môn Tin học khi lên lớp 9, thế nhưng chị Trà lại khá băn khoăn: “Việc con được tham gia đội tuyển học sinh giỏi là cơ hội tốt để trau dồi và bồi dưỡng môn học thế mạnh. Song môn Tin học lại không phải một trong những môn sẽ thi vào lớp 10, nếu con dành quá nhiều thời gian cho việc học và thi đội tuyển học sinh giỏi, tôi e ngại sẽ ảnh hưởng đến kết quả học các môn khác. Trong khi đó, mục tiêu trước mắt là cần thi đỗ vào lớp 10”.
Phụ huynh này cũng cho rằng, nếu có các chính sách cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 THPT công lập cho học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố sẽ động viên các em nhiều hơn.
Thầy Bùi Mạnh Tùng, Tổ trưởng Tổ tự nhiên Trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), đồng thời cũng là Chủ nhiệm đội tuyển Toán của quận Hoàn Kiếm cho biết: “Tôi rất hiểu tâm lý của học sinh và phụ huynh khi các em phải trải qua một chặng đường rất vất vả để đạt được giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi, để đạt được thành tích cao, mỗi em đều đã nỗ lực rất lớn. Nếu có bất cứ chế độ cộng điểm nào với những học sinh này cũng đều xứng đáng. Tuy nhiên dưới góc độ quản lý nhà nước, điều phối chung về tuyển sinh, việc giữ cơ chế như hiện nay cũng có những lý do riêng”.
Thầy Bùi Mạnh Tùng lý giải, nếu không cộng điểm cho học sinh giỏi cấp thành phố, phần nào cũng khiến học sinh và phụ huynh cảm thấy công sức của mình chưa được thực sự ghi nhận. Tuy nhiên, nếu cộng điểm ưu tiên cũng sẽ dễ tạo ra bất công, bởi theo quy định của TP Hà Nội, mỗi quận, huyện sẽ chỉ được cử 10 học sinh giỏi ở từng môn tham gia kỳ thi cấp thành phố.
Ví dụ, nếu một học sinh xếp thứ 11 của quận Hoàn Kiếm có thể không được lọt vào danh sách đi thi, nhưng với năng lực đó nếu em này học ở một quận huyện khác, lại hoàn toàn có khả năng lọt danh sách top 10 thí sinh giỏi nhất quận để đi thi và đoạt giải.
“Theo quan sát, hàng năm vẫn có trường hợp học sinh không nằm trong đội tuyển học sinh giỏi, nhưng khi thi vào THPT chuyên vẫn đỗ điểm cao, trong khi đó, thí sinh khác đoạt giải cấp thành phố lại vẫn trượt trường chuyên.
Mỗi quận huyện chỉ được chọn đúng 10 học sinh giỏi để đi thi, không phải quận nào có nhiều học sinh giỏi hơn thì nhiều em được đi thi hơn. Nếu đã khống chế số lượng thí sinh dự thi ngay từ đầu, mặt bằng giáo dục giữa các quận huyện là khác nhau, áp dụng cơ chế cộng điểm sẽ không đảm bảo công bằng.
Giả sử, kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố có một vòng loại mở ra cho tất cả các thí sinh có năng lực và nguyện vọng có thể đăng ký, từ đó chọn ra 300 học sinh giỏi nhất để vào vòng chung kết thi học sinh giỏi và trao giải, cộng điểm ưu tiên cho những em này, tôi hoàn toàn ủng hộ”, thầy Bùi Mạnh Tùng nói.
Bên cạnh đó, theo thầy Bùi Mạnh Tùng, việc không được cộng điểm ưu tiên cũng gây thiệt thòi cho một số thí sinh thi học sinh giỏi các môn như Giáo dục công dân và Khoa học hay Tin học… Với môn Tin học, học sinh thi vào lớp 10 chuyên Tin vẫn phải thi thông qua môn Toán, hay môn GDCD không có môn chuyên. Như vậy các em nỗ lực học ôn rất nhiều nhưng lại không được sử dụng kết quả của quá trình ôn luyện học sinh giỏi khi thi vào lớp 10. Thầy Tùng cho rằng, đây cũng là một trong những bất cập cần được xem xét.
Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho rằng, khi bỏ quy định cộng điểm ưu tiên với học sinh đoạt giải các môn văn hóa trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố cũng khiến phong trào thi học sinh giỏi tại các trường bị giảm sức hấp dẫn. Tuy nhiên, quy định này cần được cân nhắc, xem xét và có sự thống nhất, rõ ràng giữa các địa phương.
“Công tác khảo thí có tác động rất lớn đến học sinh. Không chỉ riêng Hà Nội mà các tỉnh thành khác kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đều có tỷ lệ chọi rất cao. Ở góc độ quản lý, điều quan trọng nhất là đảm bảo công bằng và có kế hoạch rõ ràng, sớm ban hành quy định để cha mẹ, học sinh có định hướng. Việc cộng điểm cũng là chính sách khuyến tài quan trọng giúp học sinh yêu thích bộ môn đó hơn, bên cạnh đó, đây cũng là kết quả kép giúp tuyển được học sinh giỏi vào các trường THPT và cũng là cơ hội để các bộ môn có học sinh chuyên trong giai đoạn sắp tới”, thầy Nguyễn Cao Cường nói.