Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cô giáo xinh đẹp dạy truyện ngắn bằng âm nhạc

Một cô giáo ở TP.HCM có những sáng tạo độc đáo khi chuyển thể truyện ngắn thành ca khúc, khiến học sinh thích thú và đam mê môn Ngữ văn hơn.

Ngữ văn luôn là một trong những tiết học dễ gây cho học sinh áp lực mệt mỏi, không có hứng thú học vì bài dài và lượng kiến thức nhiều.

Với mong muốn thay đổi không khí tiết học Ngữ văn, giảm tình trạng học sinh thụ động trong lớp, cô Nguyễn Thị Hồng Nhung (Trường THPT Bình Hưng Hòa, Quận Bình Tân, TP.HCM) có những sáng tạo mới lạ trong phương pháp dạy, đó là dùng bài hát chuyển thể từ tác phẩm văn học.

Video: Một đoạn hát được chuyển thể từ tác phẩm văn học do học sinh thể hiện

Theo cô Nhung, cái khó của phương pháp này là “không phải tác phẩm nào cũng có thể làm mềm hóa bằng âm nhạc. Nếu là thơ thì việc phổ nhạc tương đối dễ dàng, nhưng với văn xuôi, việc đưa âm nhạc vào tác phẩm còn gặp rất nhiều khó khăn”.

Với quyết tâm làm mới cách dạy, cô Nhung chọn truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam trong chương trình lớp 11 để thực hiện.

“Tác phẩm này khó tiếp nhận cho cả thầy và trò bởi cấu trúc “truyện không có cốt truyện” mà nhẹ nhàng như một bài thơ đượm buồn. Chính vì thế, việc hướng dẫn học sinh tìm hiểu, ghi nhớ các chi tiết và lĩnh hội nội dung tác phẩm là điều khó khăn cho cả giáo viên.

Xuất phát từ thực trạng đó, tôi đã nghĩ đến việc tự viết lời trên nền nhạc có sẵn nhằm mục đích giúp học sinh dễ dàng ghi nhớ được các chi tiết có trong truyện ngắn.

 Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung trường THPT Bình Hưng Hòa, TP.HCM. (Ảnh: NVCC)

Và trong tiết học, học sinh được nghe nhạc rồi tự tập hát sẽ là một hoạt động làm cho không khí lớp sinh động, học sinh vui vẻ và hào hứng. Việc nghe bài hát, thuộc lời để nhớ các sự việc, diễn biến trong tác phẩm sẽ bớt khô khan hơn”, cô Nhung chia sẻ.

Cô Nhung cũng cho biết, ý tưởng là thế nhưng điều khó nhất chính là phần viết lời ca khúc cho truyện. Nếu chỉ thâu tóm nội dung thì không phải quá khó khăn, mà vì muốn cho học sinh nhớ được dẫn chứng nên cô cố gắng chọn lọc các chi tiết đặc sắc trong truyện để đưa vào lời nhạc.

“Tác phẩm “Hai đứa trẻ” khá dài, phải chia nhỏ thành ba đoạn. Và để viết được hết toàn truyện cũng cần chọn lọc được phần nhạc hợp lý. Tiếp đến thì viết lời, vẫn theo mục tiêu là bám sát văn bản nên phần này khó nhất. Sau cùng, cô trò thảo luận rồi chỉnh sửa để được phần lời ưng ý nhất”, cô Nhung nói thêm.

Tiết học thú vị, học sinh hào hứng ngoài mong đợi

Nhiều học sinh cho biết, một trong những điều mà các em cảm thấy thích thú là lời bài hát được viết trên nền nhạc của ca khúc khá quen thuộc, dễ học dễ nhớ, đó là bài “Giấc mơ trưa” của ca sĩ Giáng Son.

Học sinh Đào Thị Thảo cho biết, nghe ca khúc khiến em nhớ các ý trong tác phẩm nhiều hơn. Lời bài hát tái hiện những chi tiết có trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” giúp Thảo nhớ các sự việc một cách chính xác cũng như diễn biến tâm lí của nhân vật chính trong tác phẩm. Cũng nhờ vậy, học sinh này nhớ được ý nghĩa của truyện thật sâu sắc và không cần phải học thuộc lòng bài cũ nữa”.

Cùng chung cảm nhận, em Đỗ Gia Thủy chia sẻ: “Học Ngữ văn qua âm nhạc, em cảm thấy dễ nhớ và cũng dễ hình dung ra được hoàn cảnh mà nhà văn Thạch Lam dựng lên tác phẩm “Hai đứa trẻ”.

Nếu chỉ đọc tác phẩm, em cũng có thể tưởng tượng được bối cảnh xã hội cũng như cảnh sống của con người trước năm 1945, nhưng chỉ được một phần nào đó. Còn nghe được lời nhạc dựa trên tác phẩm thì em có thể dễ hình dung ra được rõ ràng khung cảnh trong tác phẩm một cách rõ nét. Việc học như thế này sẽ khiến tác phẩm đi sâu vào lòng người đọc nhiều hơn, sâu sắc hơn”.

Học sinh Trường THPT Bình Hưng Hòa năng động, dễ thương. (Ảnh: NVCC) 

“Nghe bài hát, em dễ tưởng tượng ra cái khung cảnh trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” gồm bao nhiêu người, họ làm những nghề gì. Rồi ở phố huyện đó, nó tối tăm đến thế nào và mọi người có mong ước muốn thay đổi cuộc sống ra sao.

Nói chung, cách học Ngữ văn qua âm nhạc như thế này, em dễ hình dung ra được tác phẩm hơn”, nữ sinh Phương Uyên nêu cảm nhận.

“Với cách viết lời mới trên nền nhạc như thế này, bài hát thâu tóm toàn bộ cốt truyện khiến học sinh ghi nhớ bài học rất dễ dàng và chắc chắn”, cô Nhung khẳng định.

Nhận xét về năng lực giảng dạy của cô Nguyễn Thị Hồng Nhung, đại diện tổ chuyên môn Ngữ văn cho biết: “Cô Nhung mặc dù tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ, thế nhưng cô có một sự nghiệp vững vàng với nghề dạy học, đó chính là lòng nhiệt huyết với công việc và rất tâm lí với học sinh. Cô luôn trăn trở để tìm ra những phương pháp dạy học khả quan nhất để giúp học sinh hứng thú với môn học”.

Chính những tìm tòi, sáng tạo không ngừng nghỉ của người thầy, vừa qua Quận ủy Bình Tân, TP.HCM có ghi nhận xứng đáng khi trao thưởng cho cô Nhung danh hiệu cao quý “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” năm 2018.

PHAN THẾ HOÀI

Tin mới