Chúng tôi liên hệ tới cô giáo trẻ Trần Thị Hà khi cô đang chuẩn bị đồ đạc để lên điểm trường thôn Ia Dơr trước một ngày tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Hà kể để kịp chuẩn bị cho ngày khai giảng và có được sức khỏe tốt nhất, cô phải lên đường từ ngày 3/9.
"Em muốn dạy lũ trẻ biết viết, biết đọc"
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, cô gái trẻ sinh năm 1997 quyết định về quê và nhận nhiệm vụ công tác tại Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành (xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum).
Ia H’Drai là huyện biên giới nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Kon Tum, cách thành phố Kon Tum khoảng 150 km. Huyện này mới được thành lập 6 năm.
Trường Tiểu học - THCS Nguyễn Tất Thành có 7 điểm trường lẻ. Điểm trường thôn Ia Đơr mà Hà đang dạy là điểm xa nhất của trường và cũng là xa nhất trong các điểm trường của tỉnh Kon Tum.
Điểm trường này cũng mới được lập 2 năm và cô Hà là một trong những giáo viên đầu tiên, cũng là giáo viên trẻ nhất ở đây.
Hà kể, trước đây, để đi được đến điểm trường thôn Ia Dơr, các giáo viên phải vượt quãng đường hơn 90 cây số từ điểm trường chính, đi vòng qua địa phận tỉnh Gia Lai. Đi qua những đoạn đường đất trồng cao su, có đoạn phải lên phà qua sông..., không ít lần cô giáo trẻ ngã lên ngã xuống vì đường trơn trượt vào những ngày mưa.
Nhưng “ngã chỗ nào thì dựng xe lên ở chỗ đó và đi tiếp thôi” - cô giáo Hà nói.
Hai năm gần đây, do được mở đường mới đến điểm trường nên quãng đường rút ngắn xuống chỉ còn 60 cây số. Tuy vậy, con đường này đến nay vẫn chưa hoàn thành, một nửa đã được đổ nhựa, nửa kia vẫn là đất đỏ. Để đến điểm trường, dù đi theo đường nào, cô giáo vẫn mất hơn 2 tiếng đồng hồ.
“Do con đường mới vẫn đang trong quá trình thi công, nên vào mùa mưa đường hơi khó đi. Sợ trơn trượt, em vẫn thường đi cung đường cũ để đến điểm trường”, cô Hà kể.
Cũng vì đường quá xa, nên cô Hà thường ở lại điểm trường những ngày trong tuần, mỗi tuần về một lần. Cứ đầu tuần đi lên, cuối tuần về.
Điểm trường thôn Ia Dơr của Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành (xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) vừa được xây mới.
“Em nghĩ đơn giản, mình có đam mê với nghề, thích được dạy học, chỗ nào có học sinh cần thì mình tới thôi. Em muốn dạy lũ trẻ biết viết, biết đọc, bởi nơi đây cuộc sống còn nhiều khó khăn”, Hà tâm sự.
Điều may mắn, bố mẹ cũng không ngăn cản mà ủng hộ quyết định của Hà. Cô giáo trẻ xác định phải học cách làm quen với cuộc sống không bạn bè, không tụ tập cà phê, trà sữa như ở thành thị, thậm chí không xác định lập gia đình sớm.
Nhiều khó khăn, thiếu thốn
Tình nguyện đến điểm trường xa nhất của tỉnh, song Hà thừa nhận ban đầu chưa lường hết được những khó khăn. Theo miêu tả của cô giáo trẻ, xung quanh trường bao bọc bởi đồi núi, sóng điện thoại cũng chập chờn khi có khi không, chứ chưa nói đến mạng internet.
Người dân ở đây chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số (Gia Rai, Thái, Mường...), đời sống còn nhiều thiếu thốn, nên việc vận động trẻ đến trường không hề dễ dàng.
Năm học trước, cơ sở vật chất của điểm trường thiếu thốn, phải mượn tạm 3 căn nhà gỗ của dân để làm chỗ dạy học.
Ông Nguyễn Quang Thọ, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ia H’Drai cho hay, đây là điểm trường khó khăn nhất của huyện.
“Cô Hà là một trong những lứa giáo viên đầu tiên xung phong đến dạy ở điểm trường Ia Đơr từ ngày thành lập. Các giáo viên dạy điểm trường này là là những người rất cố gắng và nỗ lực. Bởi đây là điểm trường mà cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, thời tiết rất khắc nghiệt, việc vận động học sinh nhiều vất vả” - ông Thọ chia sẻ.
Cô giáo Trần Thị Hà.
Năm nay, để phòng dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho học sinh, toàn tỉnh Kon Tum khai giảng trực tuyến. Thế nhưng, cô Hà cùng các giáo viên vẫn chuẩn bị cho ngày khai giảng như trang trí cổng trường, lau chùi bàn ghế và dọn các lớp học sạch sẽ để chào đón học sinh.
“Ngày khai giảng, không được đón học sinh đến trường như mọi năm, em cảm thấy có chút buồn. Bởi cô trò đã xa nhau từ đầu hè đến giờ”, cô tâm sự.
Phụ trách dạy lớp 1, Hà cho hay, cô sẽ quyết tâm hướng dẫn để các em sớm bắt nhịp học tập, thậm chí có thể sẽ đến nhà học sinh để hướng dẫn các em.