Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cô giáo bị học sinh nhốt, ném dép: Công đoàn Giáo dục Việt Nam vào cuộc

(VTC News) -

Theo Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, cần biện pháp răn đe đủ mạnh và giải pháp căn cơ bảo vệ danh dự nhà giáo, "thầy ra thầy, trò ra trò, không thể lẫn lộn".

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, ngay khi nhận được thông tin vụ việc nhóm học sinh trường THCS Văn Phú (Tuyên Quang) ném dép vào mặt cô giáo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đề nghị công đoàn giáo dục tỉnh này tích cực phối hợp với các đơn vị xử lý nghiêm vụ việc, bảo đảm quyền lợi cho giáo viên.

Theo ông Ân, việc học sinh ném dép vào mặt cô giáo chỉ là giọt nước tràn ly, những mâu thuẫn, bất bình này đã tồn tại từ lâu. Do nhà trường, công đoàn trường chưa kịp thời nắm bắt, giải toả nên mới để sự việc đi quá xa, giáo viên bị xúc phạm.

"Trách nhiệm đầu tiên thuộc về lãnh đạo nhà trường, tiếp đến là công đoàn trường chưa phát huy hết vai trò trong việc bảo vệ giáo viên", ông Ân nói và nhấn mạnh cần xử lý nghiêm học sinh, lãnh đạo nhà trường bằng pháp luật để đảm bảo danh dự cho nhà giáo. Biện pháp răn đe cần đủ mạnh thì xã hội mới tôn trọng nhà giáo hơn, thầy ra thầy, trò ra trò, không thể lẫn lộn.

Trường THCS Văn Phú (Tuyên Quang) -  nơi xảy ra sự việc học sinh ném dép vào mặt cô giáo. 

Ông cũng cho rằng, từ trước đến nay, chúng ta thường quan tâm, lên tiếng về việc bạo lực học đường với học sinh, nhưng quên đi giáo viên cũng là người cần được bảo vệ, tránh khỏi bạo hành, điển hình như vụ việc ở Tuyên Quang vừa qua. 

"Nghề giáo là nghề dạy dỗ, tạo nên đạo đức cho người học, do đó chính nhà giáo viên cần là chuẩn mực đầu tiên. Thầy cô cần tự trang bị thêm các kĩ năng để dạy học sinh ngoan hơn, để bảo vệ danh dự, uy tín của bản thân và ngành", ông Ân nói thêm và cho biết, cần nhìn nhận khách quan sự việc ở Tuyên Quang để ra giải pháp căn cơ về đạo đức học đường, đạo đức thầy trò.

Ông cũng đề nghị tổ chức công đoàn ở các trường học cần phát huy hơn nữa việc nắm bắt tâm tư giáo viên, kịp thời giải toả, chấn chỉnh kịp thời không để xảy ra hiện tượng xúc phạm nhà giáo. Đồng thời nhà trường, giáo viên cũng cần trau dồi thêm năng lực xử lý, ứng đáp với những trường hợp học sinh hư.

Tại họp báo Chính phủ chiều qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá, đây là việc "rất nghiêm trọng, không thể chấp nhận được". Cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ việc, do giáo viên hay học sinh, hay thuộc trách nhiệm của nhà trường, để chấn chỉnh, xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm sâu sắc. Ngành giáo dục, địa phương, phụ huynh, thầy cô cần tìm giải pháp căn cơ, lâu dài.

Liên quan vụ việc trên, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) sáng nay ký quyết định tạm đình chỉ công tác Hiệu trưởng trường THCS Văn Phú.

Theo báo cáo của UBND huyện, nguyên nhân xuất phát từ khúc mắc giữa cô và trò trong giờ học. Trong giờ học Âm nhạc ngày 29/11 tại trường THCS Văn Phú, cô P.T.H. (SN 1985) nhắc nhở vài học sinh vào lớp ổn định chỗ ngồi sau giờ ra chơi. Tuy nhiên, một số học sinh không chịu nghe lời và phản ứng, tỏ thái độ với cô giáo. Sau đó giữa giáo viên và học sinh có khúc mắc trong giờ học.

Kết thúc tiết học, một số học sinh có phát ngôn và hành vi thiếu chuẩn mực đối với cô H. như nói tục, có hành vi xúc phạm giáo viên, quay video và đăng tải lên mạng xã hội Facebook.

Hà Cường

Tin mới