Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cô giáo 26 năm tìm ánh sáng cho 300 đứa trẻ nhiễm chất độc da cam

"Có những ngày trái gió trở trời, trẻ bị đau đầu dữ dội, chúng gào thét, cào cấu, cắn xé quần áo. Tôi chỉ biết ôm chặt vào lòng, mặc sức cho con cắn tay mình".

Đây là tâm sự của cô giáo Lê Thị Hòa (SN 1973) ở chùa Hương Lan (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Cô có 26 năm miệt mài truyền sức sống cho những đưa trẻ kém may mắn nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Nửa đời người trao hy vọng

Giữa những ngày trời thu tháng 10 se se lạnh của Hà Nội, tôi có mặt tại “Lớp học tình thương” của cô giáo Lê Thị Hòa ở chùa Hương Lan (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Đây chính là tổ ấm của gần 60 trẻ mắc các hội chứng bệnh đặc biệt do ảnh hưởng từ chất độc da cam/dioxin. Những đứa trẻ đến từ nhiều vùng quê khác nhau cùng tụ hội về đây.

Cô giáo Hòa đang là giáo viên trường Tiểu học Đông Sơn. Cô cũng là người tình nguyện phụ trách dạy nhóm trẻ khuyết tật đặc biệt tại chùa. Sinh ra trong gia đình nghèo, thấu hiểu mảnh đời bất hạnh, cô Hòa không nề hà xung phong nhận dạy miễn phí tại tớp học tình thương tại chùa Hương Lan.

Cô nhớ lại, bắt đầu từ năm 1993, cô nhận 23 bạn nhỏ bị nhiễm chất độc màu da cam phải nghỉ học giữa chừng về dạy trong gian bếp nhỏ của gia đình.

Lúc ấy, lớp học tạm chỉ rộng chưa đến 10m2, bám đen bồ hóng bếp. Cô phải đi xin gỗ vụn về đóng tạm thành bàn học, gọi là có nơi cho các con được học cái chữ, con số. Trăm thứ thiếu thốn bủa vây lấy cô trò, may thay được gia đình động viên cùng giúp đỡ sách vở, bút, bảng, phấn… cho các con không bị thiệt thòi.

Cô giáo Lê Thị Hòa, người mẹ của hàng trăm đứa trẻ nhiễm chất độc da cam/dioxin tại chùa Hương Lan (Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội). 

Cứ thế lớp học tạm đó dần nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ người dân. Người nọ truyền tai người kia, số trẻ khuyết tật đặc biệt quanh vùng tìm về xin học ngày một đông hơn. Cô giáo Hòa tìm đến sự giúp đỡ nơi cửa chùa và được sư thầy trụ trì chùa Hương Lan đồng ý hỗ trợ phòng học rộng đến hơn 100m2, kèm theo đó là đầy đủ sách vở, thiết bị.

Từ lớp học nhỏ chỉ với 23 học sinh ngày ấy, “lớp học tình thương” tại chùa Hương Lan chính thức khai giảng vào ngày 14/9/2007 thu hút đông sự tham gia của học sinh đến từ các vùng quê lân cận tề tựu về. Cô Hòa nhẩm tính, trong 26 năm qua có đến hơn 300 đứa trẻ tham gia lớp học này.

Vui mừng hơn năm học mới này, “lớp học tình thương” đón 58 học sinh khuyết tật đặc biệt ở các độ tuổi khác nhau. Trong đó, 19 em chưa biết chữ được xếp chung lớp để học kiến thức lớp 1; 39 em biết chữ học chung lớp, học chương trình từ lớp 2 đến lớp 5.

Cô Hòa vui vẻ nói: “Trong số trẻ theo học có 30 trẻ biết chữ, biết hát 7 bài khác nhau và tất cả đều nhận thức được hành vi, phép tắc giao tiếp cơ bản như chào, tạm biệt, xin lỗi, yêu thương… Tưởng chừng như đơn giản, nhưng làm được như vậy là kỳ tích với chính cuộc đời của các con.

Thời gian để các con có thể thuộc bài, định hình hành vi lên đến hàng tháng, thậm chí nhiều năm liền. Có những trẻ đi học 5 năm mới chỉ bập bẹ đánh vần hết bảng chữ cái, và may mắn cũng có nhiều trẻ lớn lên đã tìm được việc làm, tự nuôi sống được bản thân mình”.

 Cô giáo Lê Thị Hòa ngày ngày miệt mài uốn nắn từng nét chữ cho trẻ khuyết tật đặc biệt suốt 26 năm qua.

Không chỉ vậy, đến lớp học, ngoài các kiến thức văn hóa, các bạn nhỏ còn được học kỹ năng sống, cách ứng xử, về đạo lý làm người như các bạn học sinh khác ở trường.

Suốt 26 năm qua, lớp học của cô Hòa chưa khi nào tắt tiếng cười nói. Mỗi ngày lũ trẻ đều reo hò hồn nhiên, mặc những điều thiệt thòi đang bủa vây ngoài cánh cửa chùa kia.

"Tôi không cho phép mình và các con nhụt chí, chỉ có như vậy xã hội mới công nhận và trao cho các con cơ hội về một tương lai không xa. Mai đây, các con sẽ được đối xử bình đẳng, sống có ích như bao người khác", cô Hòa sáng bừng niềm tin.

Giáo án là tình thương và sự kiên trì

26 năm miệt mài vừa dạy, vừa dỗ trẻ khuyết tật đặc biệt, người giáo viên ấy không bám bất cứ trang giáo án nào. Với cô, giáo án chính là tình thương, lòng kiên trì và niềm tin vào các con.

Ở mỗi một thời điểm, nhận thức và hành vi mỗi trẻ khuyết tật khác nhau, đòi hỏi người dạy linh hoạt, kịp thời nắm bắt được sức khỏe của trẻ mà kiên trì uốn nắn. Dạy trẻ khuyết tật giống như nghệ nhân vuốt gốm sứ, lúc cần cương quyết, lúc lại mềm mỏng nhẹ nhàng nhưng trên hết là nâng niu, gửi gắm trọn niềm tin vào trẻ. Chỉ có vậy các con mới mở lòng và dịu đi cơn bạo bệnh.

“Có những ngày trái gió trở trời, nhiều con bị đau đầu dữ dội, chúng gào thét, cào cấu liên hồi, cắn xé quần áo. Thương các con, tôi chỉ biết ôm chặt trong lòng, mặc sức cho cắn vào tay mình để các con không tự cắn vào lưỡi rất nguy hiểm. Cứ thế cô khóc, trò gào… đến khi chúng dịu cơn bệnh mới thôi. Cảnh tượng lúc ấy nếu ai không quen sẽ kinh sợ lắm”, cô giáo nhớ lại.

Ngoài giờ học, cô Hòa bật nhạc dạy các con học múa, học hát, lớp học luôn rộn vang tiếng cười nói. 

Cô Hòa vừa cười, vừa đùa, không biết mình có bị đứt dây thần kinh không mà chưa khi nào thấy mệt hay nản trí. Ngoài giờ đi làm trên trường, cô chỉ mong nhanh nhanh đến “lớp học tình thương” để được gặp các con. Chỉ sợ ngày nào không đến lớp, các con lại ngóng đợi.

Chính các con cho tôi được sống một đời ý nghĩa hơn là những gì tôi làm được cho chúng”, cô Hòa tự nhận.

Minh chứng tiêu biểu cho sự nỗ lực dạy trẻ khuyết tật của cô Hòa, là học sinh Nguyễn Thị Thùy Dung, 20 tuổi (Hoài Đức, Hà Nội). Dung bị bại não từ khi lọt lòng mẹ, trí tuệ chậm phát triển, phát âm không rõ, đi lại khó khăn. 

Dù gia đình cho Dung theo học nhiều lớp dành cho người khuyết tật, nhưng tới đâu, Dung cũng từ chối và đòi về nhà. Ròng rã suốt 15 năm, gần như gia đình hết hi vọng vào sự hòa nhập của Dung với xã hội.

 Hàng ngày, cô Hòa vẫn miệt mài trong lớp học nhỏ ấy, nắn nót từng con chữ hy vọng cho các em có hoàn cảnh kém may mắn. 

Chỉ đến khi tiếp xúc với những giáo viên tận tâm của lớp học tình thương ở chùa Hương Lan vào năm 2015, Dung mới bắt đầu mở lòng đón nhận tình yêu thương và tiến bộ nhận thức rất nhanh.

Bập bẹ Dung khoe: “Mẹ Hòa dạy con biết đọc, biết viết, làm các phép toán trong phạm vi số 100, biết sử dụng điện thoại, máy tính. Con cũng biết hát, biết múa... Mẹ Hòa còn dạy con gấp hình con chim, hình trái tim và tô màu lên tranh. Sau này con sẽ cố gắng học để trở thành tác giả viết truyện, làm thơ”.

Với những đóng góp của mình, cô giáo Lê Thị Hòa được UBND thành phố Hà Nội đề nghị xét, tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019. Trung ương Đoàn tặng Bằng khen và danh hiệu Tổng phụ trách Đội giỏi; Tổng phụ trách Đội tiêu biểu cấp thành phố.

Năm 2014, cô Hòa vinh dự được nhận danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu ngành GD-ĐT Thủ đô dạy HS các lớp tình thương, HS khuyết tật”. Năm 2017 cô được nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu của TP Hà Nội"…

Minh Khôi

Tin mới