Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Có gì khác nhau giữa các loại khẩu trang y tế từ 2 lớp đến 5 lớp?

(VTC News) -

Vì sao chúng ta không nên dùng khẩu trang y tế 2 lớp khi có dịch COVID-19, các loại khẩu trang y tế 2 lớp, 3 lớp, 4 lớp, 5 lớp có gì khác nhau về tác dụng?

Trước đây, mọi người đeo khẩu trang ra đường chủ yếu để tránh khói bụi hoặc chống nắng. Từ hai năm nay, khẩu trang trở thành vật bảo vệ giúp giảm nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

Có nhiều loại khẩu trang y tế, tính theo số lớp bảo vệ thì có loại tới 5 lớp. Chúng khác nhau thế nào về cấu tạo và tác dụng?

Khẩu trang y tế 2 lớp

Đây là loại khẩu trang y tế mỏng (có thể nhìn xuyên qua), kích thước nhỏ nhất và ít được sử dụng nhất. Cấu tạo của nó chỉ gồm 2 lớp: Lớp vải không dệt chống thấm bên ngoài và lớp vải không dệt bình thường bên trong. Khẩu trang y tế  2 lớp chỉ có tác dụng chống lại các hạt bụi lớn như đất, cát chứ không có tác dụng chống virus, vi khuẩn hay bụi mịn.

Không nên sử dụng khẩu trang y tế hai lớp trong thời điểm dịch COVID-19 hiện nay.

Khẩu trang y tế 3 lớp

Đây là loại khẩu trang y tế được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Lớp ngoài cùng là vải không dệt chống thấm giúp ngăn nước và các loại bụi bẩn lớn, thường có màu để phân biệt với mặt trong của khẩu trang. Tiếp đến là lớp vải lọc kháng khuẩn làm từ sợi polymer, có khả năng hạn chế tối đa vi khuẩn có hại và bụi bẩn kích thước nhỏ hơn 10 micromet. Cuối cùng là lớp vải không dệt có khả năng hút ẩm cực mạnh, giúp ngăn các giọt nước nhỏ từ mũi, miệng người dùng khi nói, ho, hắt hơi.

Khẩu trang 3 lớp được sử dụng nhiều tại các bệnh viện, trung tâm y tế cộng đồng, khu cách ly y tế tập trung vì giá thành rẻ và đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa cơ bản.

Khẩu trang y tế 3 lớp đáp ứng được điều kiện phòng ngừa dịch bệnh cơ bản. 

Khẩu trang y tế 4 lớp

Để nâng cao khả năng chống bụi của khẩu trang y tế, các nhà sản xuất cho ra đời dòng 4 lớp, gồm: Lớp vải ngoài không thấm nước, lớp vải lọc bụi, kháng khuẩn,  lớp than hoạt tính và cuối cùng là lớp vải hút ẩm chống nấm mốc.

Nhìn chung, khẩu trang y tế 4 lớp không khác nhiều so với khẩu trang y tế 3 lớp. Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở phần than hoạt tính, có tác dụng xử lý các tạp chất trong nước, không khí nên giúp tăng tác dụng lọc bụi mịn, ngăn chặn một số hóa chất, khí độc như CO2, SO2, H2S.

Khẩu trang than hoạt tính hiện nay thường có hai loại chính: Khẩu trang có tấm dán than hoạt tính được đặt giữa hai lớp vải và khẩu trang làm bằng vải dệt từ sợi hoạt tính, được khâu lại với nhau.

Khẩu trang y tế 4 lớp có lớp than hoạt tính tăng tác dụng bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng. 

Khẩu trang y tế 5 lớp

So với các loại trên, khẩu trang y tế 5 lớp là bước tiến lớn với nhiều tác dụng ưu việt. Cấu tạo của nó gồm: Lớp thoáng khí, lớp than hoạt tính, lớp lọc bụi tĩnh điện  (bụi mịn PM2.5), lớp lọc bụi nhỏ, lớp vải không dệt chống thấm nước.

Điểm nổi bật chính là lớp màng lọc bụi tĩnh điện có thể loại bỏ bụi mịn PM2.5. Loại bụi mịn này siêu nhỏ, khi vào cơ thể sẽ xâm nhập tế bào theo đường máu, phá hủy cơ chế tự miễn của cơ thể, gây tổn thương đến phổi, tim, não…

Khẩu trang y tế 5 lớp giúp lọc bụi mịn PM2.5 hiệu quả.

Lưu ý khi sử dụng khẩu trang y tế

Dù là sản phẩm không thể thiếu trong thời điểm dịch COVID- 19 diễn biến khó lường, khẩu trang y tế cần được sử dụng đúng cách mới phát huy tác dụng, nếu không sẽ có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho bản thân và cộng đồng. Khi sử dụng khẩu trang y tế, bạn cần lưu ý:

  • Chọn khẩu trang của đơn vị sản xuất uy tín, có nhãn mác đầy đủ, rõ ràng về mặt thông tin.  
  • Chỉ sử dụng khẩu trang y tế một lần, không sử dụng lại.
  • Đeo khẩu trang y tế đúng quy cách, che mũi, miệng để tránh virus, vi khuẩn xâm nhập qua các kẽ hở, không kéo khẩu trang dưới cằm khi nói chuyện.
  • Khi đeo khẩu trang, để mặt xanh ra ngoài do đây là lớp có khả năng chống nước, những giọt nước bọt lớn bắn ra sẽ không thấm vào bên trong. Mặt trắng có tính năng hút ẩm cần xoay vào trong.
  • Hạn chế chạm vào bề mặt khẩu trang y tế khi đang đeo. Rất có thể mặt ngoài khẩu trang đang có vi khuẩn, virrus nguy hiểm bám lên. Khi chạm tay, bạn sẽ bị lây nhiễm và lan truyền cho những người xung quanh. Nếu muốn tháo khẩu trang, hãy cầm hai bên dây đeo và kéo ra khỏi tai, tuyệt đối không cầm vào mặt khẩu trang để tháo ra.
  • Sau khi tháo khẩu trang, bạn nên vứt vào thùng rác quy định và rửa tay thật sạch bằng xà phòng trong vòng ít nhất 20 giây.

Đeo khẩu trang đúng cách để bảo vệ sức khỏe cho chính bạn và những người xung quanh.

Trong mùa dịch, vật tư y tế thường được huy động để ưu tiên tối đa cho y bác sĩ và nhân viên y tế, vì vậy không nên sử dụng khẩu trang y tế một cách lãng phí. Chúng ta có thể sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn tái sử dụng. Khẩu trang vải hiện nay cũng được nghiên cứu và sản xuất trên dây chuyền công nghệ tiên tiến, thiết kế với nhiều lớp vải lọc có tác dụng bảo vệ khá cao, bạn có thể yên tâm sử dụng.

NGỌC PHẠM (Nguồn: Tipsmake)

Tin mới