Chảo Thị Yến (SN 1990, ở xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) vượt qua định kiến, theo đuổi học vấn và trở thành cô gái Dao Tuyển đầu tiên của một xã biên giới Việt Trung nhận học bổng du học Đức. Câu chuyện của cô đã truyền cảm hứng cho nhiều nữ sinh người đồng bào dân tộc thiểu số quyết tâm theo con đường học hành.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần II tổ chức trong tháng 12/2020, câu chuyện Chảo Yến đi học được vinh danh là câu chuyện truyền cảm hứng của năm.
Quỳ khóc xin bố mẹ hủy hôn, cho đi học
Chảo Thị Yến là con thứ ba trong gia đình cô có 4 anh chị em ở thôn Ngám Xá, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Mới 3 tuổi, Yến cùng mẹ lên rẫy từ sớm tinh mơ đến tối mịt mới về. Lớn hơn chút, Yến ở nhà trông nom con gà, lợn. Khát, Yến uống nước suối; đói thì hái lá rừng ăn kèm với muối trắng.
Bà nội thường ôm Yến vào lòng vỗ về: “Mày sống được đến giờ đúng là kỳ tích vì ăn lung tung bao nhiêu lá, may mà không ăn phải lá ngón”. Mỗi lần bà nói thế, mẹ Yến lại rơm rớm nước mắt.
Lớn lên giữa núi đồi hoang sơ, Yến thường nhìn về hướng xa xa và thắc mắc: “Bên ngoài những dãy núi bên kia điều gì đang chờ đợi những người nghèo như mình”. Khi biết đó là con đường duy nhất để đến trường, Yến mong một ngày nào đó được vượt qua dãy núi của thôn bản.
Thế nhưng, trong suy nghĩ của người dân khi đó, học hành không dành cho con gái. Ở bản, nhiều người lập gia đình khi vừa bước qua ngưỡng tuổi 14, 15.
Yến may mắn được bố mẹ cho đi học. Hàng ngày, bất kể thời tiết nắng nóng đổ lửa hay rét căm căm, Yến vẫn cơm nắm, muối trắng đi bộ đến trường. Vượt qua bao khó khăn, suốt 9 năm liên tiếp, Yến luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, trở thành niềm tự hào của gia đình.
Học hết lớp 9, bố trở bệnh nặng, kinh tế gia đình khó khăn, Yến xin nghỉ học trong nước mắt tuôn rơi. Những ngày sau đó, em đi làm thuê, lên nương rẫy lao động cùng gia đình.
Nếm trải sự cực khổ, Yến càng mong quay về với trường lớp. Không ngày nào là em không nhắc đến việc đi học.
Chảo Thị Yến là nhân vật truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ người dân tộc thiểu số tự tin theo đuổi con đường học tập. (Ảnh: V.N)
Thời gian sau, gia đình thông báo Yến sẽ lấy chồng. Yến gục ngã vì giấc mơ đến trường tiêu tan. Một đám hỉ theo phong tục người Dao “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” sắp diễn ra. Yến không biết mặt chồng ra sao nhưng tục lệ bao đời vẫn vậy. Phận con gái chỉ biết nghe lời.
Trước ngày lấy chồng một tháng, đêm nào, Yến cũng vào phòng cha mẹ quỳ xuống và khóc. Yến xin cha mẹ hủy hôn để cô có thể tiếp tục được đi học. Thấy con gái như vậy, cha mẹ Yến mủi lòng. Gia đình gánh nợ hủy hôn, Yến nung nấu thêm quyết tâm đi học.
Biết được ước mơ cháy bỏng đó của Yến, thầy Bùi Chí Thành, giáo viên cấp 2, không quản đường sá khó khăn, liên tục đến nhà thuyết phục bố mẹ cho Yến đi học.
Cuối cùng, Yến được đi học cấp 3. Hàng xóm biết chuyện, có người nói: “Nhà đã nghèo, không biết khổ còn cho con đi học. Con gái thì chỉ đi lấy chồng làm kinh tế, đi học làm gì”. Nghe vậy, Yến chỉ cười: “Đường ngược chiều bao giờ cũng khó hơn xuôi chiều mà”.
Nhận học bổng 50.000 USD
Hết cấp ba, Yến thi vào khoa Quản lý rừng, Đại học Lâm nghiệp (Hà Nội) với mong muốn sẽ làm kiểm lâm bảo vệ rừng, ngăn cho cây trồng không bị chặt phá bừa bãi.
Về lý do lựa chọn ngành học, Yến chia sẻ, năm 2008 huyện Bát Xát hứng chịu một trận lũ lịch sử. Trong chớp mắt, lũ cuốn phăng 16 nóc nhà, 21 người trôi mất tích.
Ngày đó, Yến đang là học sinh của trường THPT Bát Xát 2. Xem tivi, Yến cho rằng chính con người phá hết rừng nên lũ mới hoành hành như vậy.
“Ngày nhỏ tôi cứ nghĩ rừng hiển nhiên phải phục vụ con người. Nhà hết củi, tôi vào rừng lấy. Nhà hết lương thực, tôi vào rừng tìm. Nhưng trận lũ lịch sử năm 2008 đã thay đổi hoàn toàn nhận thức của tôi về rừng, không những thế, nó cũng làm thay đổi con đường đi của tôi sau này”, Yến nói. Đó cũng là lý do Yến thay đổi ước mơ giáo viên để lựa chọn học ngành quản lý rừng.
Năm 2010, Yến khăn gói nhập học đại học. Nhìn bạn bè có người thân cùng tới trường, Yến có chút chạnh lòng vì một thân một mình từ bản làng xuống Thủ đô. Hành trang của cô chỉ vỏn vẹn chiếc cặp của trường THPT số 2 Bát Xát, bên trong là mấy bộ quần áo đã cũ. Số tiền học phí ít ỏi được bố mẹ dặn cất giữ cẩn thận.
Bằng nghị lực phi thường Chảo Thị Yến giành được học bổng 50.000 USD, trở thành cô gái Dao Tuyển đầu tiên du học nước ngoài. (Ảnh: NVCC)
Vào đại học, Yến gánh trên vai áp lực của sự nghèo khó và mặc cảm. Nhà nghèo, Yến đi học nhờ sự nhường nhịn của chị em và những đồng tiền làm thuê của bố mẹ.
Vì thế ngoài giờ học, ngày nào Yến cũng lọ mọ đi làm thêm đến tối mịt mới về. Cô nữ sinh làm đủ nghề, nào là rửa bát, phục vụ hàng ăn, bán quần áo cho đến phụ hồ…không việc gì mà Yến chưa từng trải qua.
Năm đầu tiên, Yến từng nghĩ buông tất cả, việc học đã vất, làm thêm cũng choán gần hết thời gian nghỉ ngơi. Yến nhận ra, con đường duy nhất thoát nghèo với mình là học thật tốt. Em cũng nhận ra muốn thoát khỏi những dãy núi quê hương để vươn ra thế giới, tiếng Anh chính là chìa khóa.
Hết kỳ một, Yến quyết định nộp đơn vào hệ tiên tiến để nâng cao trình độ. Vừa đủ điểm đỗ, nhưng vào học, Yến gần như tách biệt bởi khả năng tiếng Anh kém, không hiểu được bài giảng của cô.
Đường ngược chiều mà tôi chọn là con đường học vấn với ước mơ cháy bỏng có thể thắp sáng mảnh đời của những đứa bé người Dao Tuyển như tôi bằng con chữ”
Chảo Thị Yến
Nhưng đó là động lực để Yến nỗ lực học ngày học đêm. Từ năm thứ 3, kỳ nào Yến cũng giành học bổng cho sinh viên xuất sắc. Điểm khóa luận tốt nghiệp em cao thứ 2 toàn khóa, điểm tổng kết chung xếp thứ 3 toàn khóa.
Tốt nghiệp tháng 12/2014, nhờ vốn tiếng Anh tốt, Yến làm phiên dịch cho một công ty may, rồi làm bộ phận chăm sóc khách hàng cho một công ty du lịch ở Lào Cai. Thế nhưng, giấc mơ làm cán bộ quản lý rừng ngày nào vẫn còn nguyên đó.
Bằng nỗ lực và khát khao cháy bỏng, một bước ngoặt mở ra cũng là bước tiến cho ước mơ bảo vệ rừng quê hương của Chảo Thị Yến. Yến nhận được học bổng của chương trình Sufonama, theo học thạc sĩ ngành quản lý tài nguyên rừng bền vững của Đại học Gottingen (CHLB Đức) trong vòng 2 năm trị giá 47.000 Euro (khoảng 50.000 USD).
Trước ngày lên đường sang Đức du học, căn nhà của Chảo Yến tấp nập dân bản đến chúc mừng. Yến đã phá bỏ định kiến, trở thành người Dao Tuyển đầu tiên của một xã biên giới Việt - Trung đỗ đại học, rồi đi du học.
Mong ước của Yến là có thể giúp được nhiều hơn nữa các em học sinh dân tộc thiểu số được đến trường. (Ảnh: V.N)
Mong trẻ vùng cao đi “đường ngược chiều”
Sau khi hoàn thành việc học, Chảo Yến không lựa chọn ở lại Đức mà quyết tâm về Việt Nam hoàn thành ước mơ bấy lâu. Cô trở thành nhân viên của Trung tâm Thiên nhiên và Con người, một tổ chức phi chính phủ với nhiều dự án bảo vệ, cải tạo rừng.
Yến nhận bản thân thành công trên con đường học hành còn thoát nghèo thì chưa. Với Yến thoát nghèo là phải giúp đỡ được nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có kế sinh nhai bền vững. Trẻ em không ai phải bỏ dở việc học suốt 3 năm để rồi sau đó phải vật lộn với bao thử thách để được đi học trở lại như Yến ngày xưa.
Cuối tháng 3/2020, Yến xuất bản cuốn sách “Đường ngược chiều” kể về quãng thời gian vượt khó đi học, giành học bổng của Đức.
“Tôi cũng không thể nào quên những ngày quỳ khóc đến chai sạn đầu gối xin bố mẹ đừng gả tôi đi lấy chồng. Khát khao được đi học luôn cháy bỏng trong trái tim tôi. Và tôi nhận ra rằng, đi học là con đường duy nhất tôi có thể thoát nghèo.
Ai đó từng nói, con đường dễ dàng là con đường xuống dốc. Nhưng đối với tôi, con đường tôi lựa chọn là con đường ngược chiều. Con đường này đi ngược lại những định kiến, hủ tục đã ăn sâu vào trong nếp suy nghĩ của người dân quê tôi. Đường ngược chiều mà tôi chọn là con đường học vấn với ước mơ cháy bỏng có thể thắp sáng mảnh đời của những đứa bé người Dao Tuyển như tôi bằng con chữ”, Yến viết trong sách về cuộc đời của bản thân.
Câu chuyện của Chảo Yến cũng trở thành niềm cảm hứng của nhiều bạn nữ người dân tộc thiểu số, thôi thúc các em đi học thay vì ở nhà làm nương rẫy, lấy chồng sớm. Yến mong mọi người ở quê hương hãy xóa bỏ suy nghĩ tư tưởng cũ, hãy đi học để biết thế giới rộng lớn thế nào.