Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cô gái bị ép bán dâm khi vượt biên vào Italy và hành trình vạch trần tội ác

Trải nhiều đau khổ do bị bọn buôn người ép làm gái mại dâm sau khi vượt biên trái phép vào Italy, Susan quyết định vạch trần tội ác của chúng dù bị đe dọa tính mạng.

Tháng 7/2015, Susan, một phụ nữ ở Nigeria, thấy mình kẹt giữa đám đông nhộn nhạo trong một trung tâm tị nạn ở Rome (Italy). Một nhân viên thông báo rằng cô và những người khác sẽ sớm bị đưa trở lại quê nhà.

Nhiều phụ nữ hét lên giận dữ, một số bắt đầu khóc. Susan giữ im lặng, cô biết mình không thể quay lại.

Mùa xuân năm trước đó, Susan bị một người phụ nữ tên Ivie thuyết phục đến châu Âu. Trước lời hứa hẹn cho vay tiền đi lại, đảm bảo công việc tốt, Susan làm lễ cam kết trước mặt linh mục, hứa trung thành với Ivie và trả lại toàn bộ tiền khi có thể.

Mơ ước đổi đời, thoát khỏi cảnh đói nghèo, Susan vượt biên trái phép vào Italy.

Nạn nhân của các vụ buôn người hiếm khi được xác định trong quá trình kiểm soát nhập cư vì họ đi chui. Các nhóm tội phạm buôn người Nigeria thường bắt tay với băng đảng mafia địa phương để việc làm ăn trót lọt.

Các cuộc điều tra phức tạp, tốn thời gian, trong khi những kẻ buôn người di chuyển nhanh chóng, thường xuyên đổi chỗ ở của nạn nhân và thay số điện thoại của họ.

Tháng 2/2016, Angela Pietroiusti, thẩm phán chuyên về tội phạm có tổ chức, quyết định đem tội ác này ra ánh sáng. Cuộc điều tra đã phát hiện mạng lưới buôn người tinh vi hoạt động khắp Nigeria, Libya, Italy, Pháp, Đức và Anh, chuyên đưa phụ nữ và bé gái đến châu Âu.

Chìa khóa của cuộc điều tra này là các ghi chú chi tiết và bức ảnh mà một phụ nữ bị ép làm gái mại dâm đã giấu kín. Người ấy chính là Susan.

“Họ không nói tôi sẽ làm gái mại dâm”

Khi mắc kẹt ở Italy, Susan biết rằng nếu cô không trả nợ, hậu quả sẽ khủng khiếp. Được một luật sư giúp đỡ, Susan chuyển đến một trung tâm tiếp nhận người di cư.

Sau đó, Ivie đã đón cô và đưa đến một căn hộ ở Prato, ngoại ô vùng Florence. Bốn phụ nữ trẻ người Nigeria sống ở đó. Một trong số họ đưa cho Susan đôi giày cao gót và một chiếc váy ngắn.

Đi thôi, chúng ta phải làm việc”, người đó nói với Susan.

Susan từng nghĩ đó là trò đùa. Cô được hứa hẹn có công việc như bảo mẫu hay thu ngân siêu thị. “Họ không nói rằng tôi đến đây để làm gái mại dâm”, Susan nói.

Khi Susan phản kháng, Ivie đe dọa về số tiền cô đang nợ. Nếu không chịu làm việc, mẹ và các anh trai của Susan ở quê nhà sẽ gặp nguy hiểm.

Susan phải làm việc trên đường phố hàng đêm đến 3h sáng, kể cả bị ốm sốt hay đến kỳ kinh nguyệt. Cô cố tránh nhiều nhất có thể việc bán dâm cho khách nam.

Thất vọng vì thu về số tiền ít ỏi, Ivie đánh đập dã man và chuyển Susan đến chỗ một tú bà khác ở phía Bắc Italy. Bà chủ mới còn bóc lột tàn khốc hơn, khiến cô không thể gửi tiền về cho gia đình.

Tức giận vì bị lừa dối, Susan âm thầm ghi lại mọi chi tiết về cuộc sống của cô ở Italy vào một cuốn sổ.

Cô lén chụp ảnh căn hộ nơi mình bị giam lỏng và cả Ivie, ghi chép lại mọi giao dịch, số tiền, cảm xúc trải qua khi bị ép bán thân, phục vụ đàn ông.

Trốn thoát khỏi nhà thổ, người phụ nữ Nigeria được hai luật sư giúp đòi lại công bằng.

Sau khi bị chuyển đến nơi ở mới, Susan tiếp tục thu thập bằng chứng nhiều nhất có thể. Nhân lúc bà chủ đi du lịch, Susan quyết định chạy trốn, nói dối người trong nhà rằng cô có hẹn với khách ở thị trấn khác.

Được một người lạ cho tiền, Susan đi tàu đến Rome, cố tìm cách liên lạc với hai luật sư Francesca De Masi và Carla Quinto, những người duy nhất có thể cứu giúp cô trong thời điểm đó.

Cả hai làm việc trong lĩnh vực chống buôn người, đã dành nhiều năm đến các trung tâm người di cư để tìm kiếm nạn nhân và tìm cách trợ giúp pháp lý cho họ.

Khi gặp Susan tại trại tị nạn vào tháng 7/2015, De Masi đến gần và hỏi: "Ai đã đưa cô đến đây?". “Tôi tự vượt biên trái phép,” Susan trả lời chắc chắn, vì cô từng hứa sẽ trung thành với Ivie.

Sau khi đón Susan từ văn phòng luật sư nhập cư, De Masi giúp cô gái Nigeria có một nơi ở tạm. Những tuần sau đó, cô bắt đầu thu thập lời khai. Thông tin của Susan rất chi tiết, đáng tin cậy và được ghi chép đầy đủ.

Phần lớn phụ nữ và bé gái trở thành công cụ mua bán tình dục của những kẻ buôn người.

Điều tra hời hợt

Tuy nhiên, ngay cả với những bằng chứng đã thu thập được, De Masi và Quinto hiểu rằng mọi chuyện vẫn khó khăn khi quyết định đem một vụ chống lại tội buôn người ra tòa.

Các tội danh thường được giảm nhẹ hoặc xử thành tội tổ chức mại dâm.

Lý do khiến việc kết án những kẻ buôn người rất khó vì đây là tội phạm xuyên quốc gia. Trước khi đặt chân đến Italy, Susan bị nhiều kẻ trung gian đưa qua những nước khác nhau như Niger, Nigeria, Libya.

Sự thiếu hợp tác điều tra giữa các quốc gia dẫn đến việc không thể truy tố những kẻ đồng lõa nào trong đường dây.

Số lượng các cuộc điều tra về buôn người đến Italy giảm mạnh kể từ năm 2014. Trong khi đó, khoảng 21.000 phụ nữ và bé gái Nigeria nhập cảnh trái phép vào quốc gia này kể từ năm 2015. Họ chủ yếu trở thành công cụ buôn bán tình dục.

Bên trong một trại tị nạn ở Rome (Italy).

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, chỉ 135 người Italy bị điều tra về tội buôn người vào năm 2019. Con số này ở hai năm trước đó lần lượt là 314 và 482 người.

Báo cáo cho biết nhà chức trách Italy “không đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu để xóa bỏ nạn buôn người”.

Ưu tiên của cảnh sát không phải là đưa những người sống sót đến nơi an toàn và bảo vệ họ. Việc phát hiện, trục xuất ai di cư trái phép mới là ưu tiên”, De Masi nói.

Theo thỏa thuận giữa hai quốc gia, cảnh sát Italy sẽ thông báo với chính quyền Nigeria để bảo vệ thân nhân ở quê nhà khi người sống sót đồng ý làm nhân chứng chống lại tội phạm buôn người.

Nhưng theo De Masi, chính quyền Nigeria luôn tỏ ra hời hợt và thiếu trách nhiệm. Một số gia đình đã bị tấn công. Tệ hơn, mẹ của một nhân chứng bị giết hại.

Sau 1 tháng Susan bỏ trốn đến Rome, mẹ của cô ở Nigeria bị một nhóm đàn ông tìm đến nhà, đánh đập thậm tệ với lời đe dọa Susan liệu mà trở về làm việc trả nợ.

Tuy nhiên, người phụ nữ quyết định phơi bày tội ác mình chịu đựng đến cùng.

Cuộc sống bấp bênh dù giành được công lý

Tháng 5/2016, một đơn tố cáo hình sự nhắm vào Ivie được đệ trình thay mặt cho Susan. Cả hai luật sư De Masi và Quinto đều biết cơ hội giành được công lý rất mong manh.

Theo Quinto, kết quả thường phụ thuộc vào thái độ công tố viên trong vụ án. Những khiếu nại trước đây đã bị bác bỏ bởi các sĩ quan cảnh sát, thẩm phán điều tra. Nhưng lần này, họ đã gặp may.

Sau khi nhận vụ án, công tố viên Angela Pietroiusti đã mở cuộc điều tra về nạn buôn bán tình dục từ 5 tháng trước. Nhờ thông tin chi tiết mà Susan cung cấp, Pietroiusti được cấp phép cài máy nghe lén vào nơi Ivie giam giữ các cô gái.

Các bản ghi âm và giám sát cho thấy Ivie là một mắt xích của mạng lưới buôn người, chuyên đem phụ nữ từ các quốc gia khác vào châu Âu.

Kể từ năm 2015, khoảng 21.000 phụ nữ và bé gái người Nigeria vượt biên bất hợp pháp vào Italy.

Hơn 10 người bị điều tra, nhưng chỉ có 4 trong số đó, bao gồm Ivie cùng con gái, bị truy tố tội buôn bán phụ nữ và trẻ em. Thời điểm 4 bị cáo bị bắt là 3 năm kể từ khi Susan nộp đơn tố giác.

Một phiên điều trần trước khi xét xử đã được ấn định vào tháng 7/2019. Trong phòng xử kín, bị cáo và nhân chứng ở hai phòng riêng biệt, Susan run sợ nhưng dần vượt qua, từng bước nói lên sự thật.

Phiên tòa chính thức được mở vào cuối năm 2019. 4 bị cáo bị kết án tổng cộng 45 năm tù vì tội buôn bán 10 cô gái đến Italy và ép họ làm nô lệ.

Thẩm phán tuyên phạt những kẻ buôn người trả cho Susan khoản bồi thường 80.000 euro. Nhưng đó là chuyện xa vời khi các đối tượng này thường gửi tiền về quê nhà và hiếm khi để lại tài sản ở Italy.

Không phải tất cả cá nhân liên quan đến vụ buôn người trên đều bị truy tố. Tú bà đã ép Susan làm việc ở miền Bắc Italy chưa bao giờ được xác định.

5 năm sau khi thoát khỏi những kẻ buôn người, cuộc sống của Susan vẫn còn trong tình trạng lấp lửng. Cô không có giấy phép lao động. Là một trong các nhân chứng quan trọng trong phiên tòa xét xử buôn người, việc cô quay lại Nigeria là quá nguy hiểm.

Nguồn: Zing News

Tin mới