Nhiều ngân hàng tiếp tục thanh lý lượng lớn xe ô tô trong thời gian gần đây, trong đó có hàng loạt xe được thanh lý với giá dưới 200 triệu đồng, thậm chí chỉ từ 60 triệu đồng,...
Đơn cử như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) rao bán tới 90 chiếc xe ô tô. Trước đó, VPBank cũng đã thông báo thanh lý hàng chục chiếc xe.
Đáng chú ý, trong đợt thanh lý này có hơn 20 chiếc xe ô tô được ngân hàng rao bán với giá khởi điểm dưới 200 triệu đồng, thậm chí chỉ từ 60 triệu đồng.
Chẳng hạn, 2 chiếc xe tải thùng kín Changan SC1022DB4N/TK sản xuất năm 2017 được ngân hàng rao bán với giá 61 triệu đồng và 67,5 triệu đồng. Một chiếc xe tải Chiến Thắng sản xuất năm 2016 cũng đang được ngân hàng rao bán với giá 96 triệu đồng. 3 chiếc xe tải Veam có giá khởi điểm từ 136-180 triệu đồng,…
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB)cũng tiếp tục rao bán 69 phương tiện vận tải. Trong đó, chiếc Chevrolet Spark Van được ngân hàng rao bán với giá từ 185-204 triệu đồng, Chevrolet Aveo giá 268 triệu đồng, chiếc Toyota Vios giá 360 triệu đồng, Kia Morning 2018 giá 330 triệu đồng,…
Trước đó, VIB cũng rao bán 59 phương tiện vận tải, chủ yếu là ôtô dưới 9 chỗ các dòng Toyota Vios, Ford Transit, Toyota Innova, Honda City, Chevrolet Colorado, Mitsubishi Pajero, Peugeot…Ngân hàng Techcombank cũng thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo là 30 ôtô.
Hình ảnh những chiếc xe được rao bán
Nói về vấn đề này, ông Trần Việt Chính - chủ một cửa hàng chuyên về xe ô tô cũ ở Q. Long Biên, TP. Hà Nội cho rằng, giá xe thanh lý mà các ngân hàng đang đưa ra dù có thấp hơn giá chung của thị trường nhưng lại có nhiều thủ tục giải quyết phức tạp hơn, bên cạnh đó chất lượng chiếc xe cũng không được bảo hành dài như tại các cơ sở khác.
"Xe ôtô mà các ngân hàng thanh lý được hiểu là xe thu hồi từ những người vay ngân hàng lấy chiếc xe đó làm tài sản thế chấp. Khi không đủ khả năng trả nợ thì người vay buộc phải trả bằng chính chiếc xe đó. Tài sản này được các ngân hàng thu hồi, đưa về kho bãi một thời gian rồi tiến hành đấu giá, thành lý tài sản nhằm thu hồi vốn", ông Chính giải thích.
Chính vì thế, ông Chính cho rằng, xe ôtô bị ngân hàng thu hồi thường là không được sàng lọc kỹ càng về mặt chất lượng. "Do yếu tố thu hồi, người vay không có khả năng trả bằng tiền mặt nên dù thế nào ngân hàng cũng phải thu hồi lại những chiếc xe đã thế chấp. Trong đó, có cả những chiếc xe kém chất lượng, người vay đã sử dụng nhưng không giữ gìn, sửa chữa, thậm chí trong đó có cả những xe đã từng bị ngập nước mà vẫn bị thu hồi.
So sánh với những chiếc xe cũ bán tại các cửa hàng xe cũ, thì những chiếc xe mà ngân hàng thanh lý thường không trải qua khâu kiểm tra chất lượng ban đầu như tại các cửa hàng vẫn thường làm", ông Chính cho biết.
Theo ông Chính, tại ngân hàng cũng có các bộ phận thẩm định giá tài sản trước khi tiến hành thanh lý. Chắc chắn giá xe ôtô mà các ngân hàng đưa ra đã được căn nhắc kỹ lưỡng về mọi yếu tố chứ không có chuyện thanh lý "hớ".
"Người mua cần phải đặt câu hỏi, vì sao một chiếc xe có cùng chủng loại, năm sản xuất mà có giá rẻ hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Nhất là khi chiếc xe đó đã có cơ quan thẩm định giá chuyên nghiệp định giá?", ông Chính đặt ra câu hỏi.
Anh Nguyễn Đức Nhân - chủ một cửa hàng xe ôtô cũ ở Q. Hà Đông, TP. Hà Nội cho hay, giá xe thanh lý mà ngân hàng đưa ra chỉ là mức giá khởi điểm ban đầu. Theo nguyên tắc thanh lý tài sản của ngân hàng, tài sản sẽ được tiến hành đấu giá. Nếu trong phiên đấu giá có từ 2 người tham gia trả giá trở lên thì ai là người trả giá cao hơn sẽ sở hữu xe.
"Từ giá trị ban đầu của chiếc xe nhưng trong phiên đấu giá có thể sẽ được trả giá cao hơn. Việc đưa ra giá xe ban đầu thấp có thể chỉ là thủ thuật nhằm tạo sự quan tâm từ người có nhu cầu mua. Càng nhiều người quan tâm, tham gia trả giá xe thì ngân hàng càng được lợi và khả năng giá xe được đẩy lên cao hơn", anh Nhân cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Mạnh Thắng - chủ auto Mạnh Thắng (số 99 Nguyễn Chánh, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội) cũng cho rằng, đây rất có thể chỉ là chiêu của các ngân hàng khi đưa ra mức giá rất thấp để thu hút nhiều người quan tâm tham gia phiên đấu giá, đến khi bán thì do cạnh tranh nhau người mua sẽ trả giá cao lên.
Ông Thắng là người từng tham gia rất nhiều các cuộc đấu giá thanh lý tài sản xe ôtô do ngân hàng tổ chức, nhưng hầu hết trong các cuộc đấu giá đó ông Thắng "không có cửa" trúng đấu giá nên đành phải ngậm ngùi từ bỏ nguồn hàng này.
"Các cuộc đấu giá xe ôtô của ngân hàng đều diễn ra một cách khó hiểu. Những chiếc xe còn tốt, giá rẻ thì không bao giờ đến lượt các cá nhân hay chủ gara mua được mà người trúng đấu giá thường là nhân viên ngân hàng, người thân của đơn vị tổ chức đấu giá... Dù không có bằng chứng chứng minh điều này nhưng chủ các gara đều hiểu điều đó nên thường không có mấy người tham gia mua xe thanh lý của ngân hàng, vì có tham gia cũng chẳng mua được", ông Thắng cho hay.
Theo ông Thắng, mua xe thanh lý của ngân hàng cũng gặp rủi ro giống như việc mua xe cũ ở các nơi khác, khi mà chiếc xe đó không còn nguyên đai, nguyên kiện, bị hỏng hóc nhiều.
"Còn có những chiếc xe được ngân hàng thu hồi nợ về, để không cả năm trời ngoài bãi khiến cho chất lượng xe bị xuống cấp nên có giá rất rẻ, khi mua về thì tiền sửa còn quá tiền mua", ông Thắng cho hay.
Một vấn đề khác cũng được ông Thắng đưa ra để những người mua xe ôtô thanh lý từ các ngân hàng lưu ý là chuyện giấy tờ của xe rất phức tạp. Những chiếc xe do tranh chấp giữa chủ xe và ngân hàng, dễ nảy sinh hệ quả pháp lý nên sau đó sang tên đổi chủ rất khó khăn.