Những vết tích thời gian
Tại Nhật Bản hiện còn lưu giữ hai bức tranh màu nước ghi nhận mối giao thương giữa xứ Đàng Trong – Giao Chỉ với Nhật Bản từ đầu thế kỷ XVII (người Nhật gọi xứ Đàng Ngoài - dưới quyền Chúa Trịnh là Đông Kinh và gọi xứ Đàng Trong của Chúa Nguyễn là Giao Chỉ, Giao Chỉ Quốc, Quảng Nam Quốc). Đó là bức tranh ‘Giao Chỉ Quốc mậu dịch độ hải đồ” (tranh vượt biển buôn bán thông thương với nước Giao Chỉ) và tranh ‘Thác kiến Quan Thế Âm”. Cả hai bức tranh đều được bảo quản tại chùa Jomyo ở thành phố Nagoya - một cảng thị lớn ở miền Trung Nhật Bản.
Nhà nghiên cứu Võ Vinh Quang đã sưu tầm được 79 bức thư bang giao giữa chính quyền Đàng Trong với Nhật Bản thế kỷ XVI-XVII.
Bức tranh “Giao Chỉ Quốc mậu dịch độ hải đồ” là bức tranh màu nước (cao 78cm, dài 498cm), là tranh của thương gia Chaya Shiroku vẽ, tả về chuyến hải trình của một thương thuyền Nhật Bản đi từ cảng Trường Kỳ (Nagasaki) cập bến Hội An rồi đến Dinh Chiêm dâng lễ vật, yết kiến Chúa Nguyễn.
Tranh có những cảnh quan: Thuyền buôn rời cảng Nagasaki đi Giao Chỉ, cảnh thuyền cập bến cảng Hội An, cảnh thương nhân Nhật dâng lễ vật cho Chúa Nguyễn và cảnh phố Nhật ở Hội An. Bức tranh có giá trị cả mỹ thuật lẫn giá trị văn hóa - lịch sử về mối quan hệ giao thương buôn bán Việt Nhật từ hàng trăm năm trước. Ở Nhật, hai bức tranh được xem là hai bảo vật quốc gia.
Những hiện vật, văn bản về mối quan hệ giao thương Việt - Nhật còn được bảo tồn, lưu trữ trang trọng tại Nhật. Đó là các quốc thư bang giao giữa các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong và Mạc phủ Nhật Bản trong thế kỷ XVI-XVII. Vào những năm 1921-1922, nhà Hán học người Quảng Nam là Sở Cuồng Lê Dư đã sưu tầm được 35 bức thư và giới thiệu đầu tiên trên Nam Phong tạp chí số 54 và 56 (bản chữ Hán). Năm 2022, nhà nghiên cứu Võ Vinh Quang (Huế) đã sưu tầm được 79 bức thư (sách “Việt Nhật thông thư - các bức thư bang giao giữa chính quyền Đàng Trong với Nhật Bản thế kỷ XVI-XVII” –NXB Hà Nội-2022)
Trở lại với bức tranh ‘Giao Chỉ mậu dịch độ hải đồ”, người Nhật cho đó là di sản của gia đình Araki Sotaro (Mộc Tông Thái Lương hay Hoang Mộc Tông Thái Lang (?-1636). Araki Sotaro là một thương nhân nổi tiếng tại vùng Nagasaki. Ông được chính quyền Mạc Phủ Tokugawa cấp cho “Châu Ấn trạng” để buôn bán với các nước Đông Nam Á, trong đó có Đàng Trong.
Ông xuất thân từ xứ Higo (Phi Hậu) thuộc tỉnh Kumamoto, gia tộc ông dời đến Nagasaki từ năm 1588 và phát triển thương nghiệp ở vùng này. Sotaro vốn là một Samura (Võ sĩ đạo) trước khi trở thành thương nhân, nhà hàng hải nổi tiếng
Mối lương duyên với người vợ Việt
Araki Sotaro sang Hội An từ rất sớm, được phép cư trú tại Phố Nhật để làm ăn và tạo được mối quan hệ thân gần với Chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Trong một bức thư ngày 22 tháng 4 niên hiệu Hoằng Định thứ 20 (1619), Chúa viết: “Luyến xem nhà Nguyễn ta từ ngày lập quốc đến nay, chăm lo thi hành nhân nghĩa, người phương xa thì tìm đến, kẻ ở gần thì vui hòa , ân huệ thấm đẫm khắp muôn nơi. Nay có chủ thuyền Hoang Mộc Tông Thái Lang (Araki Sotaro) nước Nhật Bản cưỡi tàu vượt biển, vinh hạnh đến nước ta, vào bái kiến (ta) nguyện mong vui sướng hầu cận dưới gối (với bậc cha mẹ).
Nhiều năm qua, trong lễ hội giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản thường tái hiện đám cưới Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản.
Ta bèn nâng cao hơn cho ý muốn (tốt đẹp) này, ban thêm vào họ quý tộc là Nguyễn Thái Lương, danh xưng ấy có hàm ý là hiển hùng, vinh hiển sáng láng ở chốn cung đình sao! Ấy cũng giữ bền lợi ích thông hảo giữa hai phương trời Nam - Bắc…” (theo sách “Việt - Nhật thông thư” đã dẫn trang 114).
Araki Sotaro rất được Chúa Nguyễn sủng ái, Chúa thỉnh bức tranh “Thác kiến Quán Thế Âm” ở chùa Tam Thai trên Ngũ Hành Sơn (Non Nước) để tặng cho ông (hiện nay các nhà sư chùa Jomyo thành phố Nagoya đã làm một phiên bản tranh trên tặng lại cho chùa Tam Thai sau bốn trăm năm…).
Năm 1619, Chúa đã gả một người con gái cho Araki Sotaro. Sự việc này sử triều Nguyễn không ghi lại nhưng theo nhà nghiên cứu Li Tana, sách Nagasaki Shi (Trường Kỳ sử) - một cuốn sách xuất bản tại Nhật vào thế kỷ XVIII, thuật lại có một bản giá thú bằng một loại giấy rất đẹp xác thực sự kiện hôn nhân này (dẫn theo Li Tana - Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, bản dịch của Nguyễn Nghị NXB Trẻ 1999 tr.94).
Theo sách Đại Nam thực lục tiền biên, chúa Nguyễn Phúc Nguyên có bốn người con gái: Công nương Ngọc Liên gả cho Nguyễn Phúc Vinh con trai trưởng Mạc Cảnh Huống, Công nương Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II, Công nương Ngọc Khoa được gả cho vua Chiêm Thành là Po Romé, Công nương Ngọc Đỉnh vợ của Nghĩa Quận Công Nguyễn Cửu Kiều. Như vậy người con gái mà Chúa gả cho Sotaro với cái tên Ngọc Hoa (tên bà vẫn còn “tồn nghi” chưa xác thực), bà có thể là con nuôi (dưỡng nữ). Tuy vậy, sử Nhật Bản vẫn gọi bà là con gái Quốc vương An Nam.
Theo nhà nghiên cứu Thân Trọng Thủy dẫn từ tài liệu của Hội Hữu nghị Nagasaki - Việt Nam: “Năm 1619 tại Huế, Sotaro gặp và kết hôn với một người con gái thuộc dòng bên ngoại vua An Nam (tức Chúa Nguyễn) và được Chúa nhận làm con nuôi”.
Năm 1620, vợ chồng Sotaro về Nagasaki vì có lệnh gọi người Nhật về nước trong thời cấm đạo (Thiên Chúa giáo) gắt gao. Ở Nhật, bà có tên là Wakaku (Vương Gia Cửu). Bà được tôn trọng vì là chính thất của Sotaru. Công nương Vương Gia Cửu được người dân Trường Kỳ (Nagasaki) gọi bằng tên thân mật là Anio-San (theo các bạn Nhật vì tên này do bà thường gọi chồng một cách âu yếm bằng tiếng Việt là “Anh ơi”).
Mô hình Châu ấn thuyền được Nhật Bản trao tặng TP Hội An năm 2017. Châu ấn thuyền là phương tiện được các thương nhân Nhật Bản sử dụng để qua lại, buôn bán tại thương cảng Hội An.
Năm 1636, Sotaro mất, năm 1645 bà cũng mất tại Trường Kỳ. Bà theo đạo Phật với pháp danh là Diệu Tâm. Hai vợ chồng bà có một cô con gái tên là Yaso. Người dân Nhật tại Trường Kỳ vô cùng mến mộ bà. Theo học giả Nguyễn Văn Xuân, trong một quyển sách du lịch của Nhật còn thấy hình những thuyền rồng lớn để kỷ niệm bà, trên thuyền có một cô gái Nhật đang múa. Người Nhật cho rằng long thuyền và điệu múa kia do bà Anio mang từ Đại Việt qua dạy cho người Nhật” (sách “Hội An” NXB Đà Nẵng 1998, tr.78).
Theo sử Nhật, khi thuyền đưa vợ chồng bà cập bến Trường Kỳ, người dân đã tổ chức một buổi lễ long trọng để đón cô dâu đến từ Giao Chỉ. Trang phục cô dâu và dáng vóc đã gây ấn tượng mạnh cho người dân bản địa lúc bấy giờ. Ngày nay, lễ đón cô dâu Việt trở thành một phần hết sức trọng tâm tại lễ hội Okunchi tại Nagasaki từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 10 hằng năm với nghi thức lễ rước tàu Châu Ấn Thuyền, đứng trên mũi tàu là hai em bé đóng vai Araki Sotaro và công nương Wakaku
Ở Nhật có một ngôi chùa để thờ công nương Wakaku tên là Đại Âm Tự (Daionji) tại Nagasaki. Khuôn viên chùa có phần mộ gia đình Sotaro-Wakaku
Nhiều năm qua, lễ hội giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản đã đưa nghi thức rước dâu tại cảng Nagasaki vào trong phần hội, tái hiện cảnh “tiễn dâu” về Nhật Bản nhằm ghi nhận dấu ấn văn hóa - lịch sử bang giao Việt - Nhật hơn bốn trăn năm trước tại bến Hội An - xứ Đàng Trong. Và cũng tại đô thị cổ Hội An ngày nay có một con đường dẫn từ đường Cao Hồng Lãnh xuống Chùa Cầu mang tên Công Nữ Ngọc Hoa.