Trả lời VTC News về hiện tượng trên, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia Dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM nhận định: “Nguồn lao động bây giờ bắt buộc phải có kỹ năng và trình độ cao”.
Ông Tuấn cho biết thêm, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động muốn giữ được công việc thì phải thành thạo kỹ năng chuyên môn nhất định. Trên thực tế, công nghệ được phát triển nhằm phục vụ xã hội, tuy nhiên nó chỉ dùng để hỗ trợ cho con người chứ không thể thay thế hoàn toàn.
Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM. (Ảnh: NVCC)
Theo khảo sát, các nhóm ngành liên quan đến Marketing và Quảng cáo có mức độ sử dụng công nghệ cao nhất. Nếu chỉ học lý thuyết mà không thực hành, làm việc theo quy trình có sẵn thì "đúng là vô dụng". Lúc này, những video trên mạng xã hội nói ngành Marketing và Quảng cáo là ngành không nên học lại thành đúng.
“Nhưng đây là những ngành phát triển công việc đòi hỏi phải theo hoạch định chiến lược, có mối quan hệ mật thiết với con người trong quá trình vận hành thực tiễn theo nhu cầu và tình cảm xã hội. Tư duy này không công cụ trí tuệ nhân tạo nào thay thế được”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo ông Tuấn, thị trường lao động trong giai đoạn sắp tới sẽ có sự thay đổi chất lượng cơ cấu ngành nghề, sự kết hợp lồng ghép tạo nên những nhóm ngành nghề tích hợp, phù hợp cơ cấu công nghệ số. Vì vậy, nhu cầu nhân lực qua đào tạo gắn với chuyển đổi số, khả năng thích ứng với sự chuyển đổi của xã hội ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong thị trường lao động.
Chuyên gia dự báo nhân lực nhận định đây là kỷ nguyên của thời đại kỹ thuật số, vai trò chủ đạo của công nghệ kết nối kỹ thuật số đang gây ra sự thay đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực cuộc sống, máy móc trong nhà máy cần người có kỹ năng mới có thể vận hành được.
Cùng quan điểm đó, Ths Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) cho biết: “Xu hướng nghề nghiệp được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất, quyết định rất lớn đến việc chọn ngành nghề và sự thành công của các trẻ".
Ths Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM. (Ảnh NVCC)
Trong quá trình hội nhập kinh tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lao động qua đào tạo đã tăng nhanh về số lượng, nhưng chưa đồng bộ được nhu cầu nhân lực, gây mất cân đối giữa các ngành nghề.
“Đối với những người biết chọn ngành học và hệ đào tạo phù hợp sẽ xây dựng được giá trị và năng lực làm việc cho tương lai”, Ths Dung chia sẻ.
Số liệu thống kê cử nhân đại học thất nghiệp hàng năm cho thấy không phải tất cả những cử nhân tốt nghiệp đại học đều có được việc làm như ý muốn.
Ths Dung nhấn mạnh việc cạnh tranh nghề nghiệp hiện nay không đơn thuần là cạnh tranh về bằng cấp, sự thông minh, tài giỏi hay cơ bắp mà còn là sự cạnh tranh về chất lượng nghề nghiệp.