Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Mèo mập’ trong chính trị Mỹ

(VTC News) -

Từ “mèo mập” trong chính trị Mỹ có nguồn gốc thú vị từ những năm 1920.

Theo Political Dictionary, “fat cat” (mèo mập) trong chính trị Mỹ là từ dùng để chỉ những người giàu và có ảnh hưởng, đặc biệt là những người quyên góp hào phóng cho các chiến dịch chính trị.

Thông thường, từ này dùng để chỉ những người có thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với trung bình của người Mỹ. “Mèo mập” hàm ý chỉ hình dáng của người này giống như những con mèo đã ăn quá nhiều trong nhiều năm và trở nên thừa cân.

Từ “mèo mập” trong chính trị Mỹ có nguồn gốc thú vị từ những năm 1920. (Ảnh minh họa)

Từ “mèo mập” được sử dụng lần đầu tiên trong những năm 1920 ở Mỹ, theo từ điển Merriam Webster. Một số ý kiến cho rằng một bài báo trên tờ Baltimore Sun năm 1925 là một trong những nơi đầu tiên dùng từ này. “Có thể giải thích rằng Mèo Mập là cái tên quan trọng và nổi bật trong giới chính trị dành cho những người giàu có, bóng bẩy, họ tham gia chính trị vì lý do này hay lý do khác và vị thế và sự thành công của họ là dựa vào sự phóng khoáng và số tiền mà họ sẵn sàng vung ra”, bài báo viết.

Thuật ngữ “mèo mập” thường được các chính trị gia và học giả Mỹ sử dụng để mỉa mai các đối thủ hoặc nhân vật chính trị. Năm 2009, Tổng thống Mỹ khi đó là Obama đã sử dụng thuật ngữ này để mô tả chủ các ngân hàng phản đối các quy định tài chính do ông đề xuất. Obama nói trên chương trình 60 Minutes: “Tôi không tranh cử để giúp cho đám chủ ngân hàng mèo mập ở Phố Wall”.

Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, chính Obama cũng bị chỉ trích là “mèo mập”. Một số bài báo cho rằng sau khi rời nhiệm sở, cựu Tổng thống tính phí tới 400.000 USD cho một lần tham gia phát biểu. Obama về sau cũng xin lỗi vì đã gọi các nhân viên ngân hàng là mèo mập. Ông nói với New York Times: “Điều đó làm tổn thương họ. Một số người trong số họ nói với tôi, ‘thưa ông, khi tôi về nhà con trai tôi đã hỏi bố nó có phải là mèo mập không’”?

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông Donald Trump cũng nhiều lần gọi bà Hillary Clinton là “mèo mập”. Ông phát biểu với Meet the Press của NBC, cho rằng bà Clinton đã quá nhiệt tình trong nỗ lực gây quỹ của mình và “bán đứng” mình cho Phố Wall: “(Clinton) đang bán mình cho Phố Wall, và dàn mèo mập của Phố Wall đang quyên góp rất nhiều tiền cho bà ta”, Trump nói, đồng thời khẳng định chiến dịch tranh cử của ông không cần gây quỹ như vậy.

Tất nhiên, vài năm sau, đến lượt Trump bị những người phản đối gọi là “mèo mập”. Ý tưởng này cũng trở nên phổ biến với các họa sĩ chuyên vẽ tranh chính trị và biếm họa. Một họa sĩ biếm họa đã vẽ cựu Tổng thống Trump trong hình ảnh một con mèo màu cam đẫy đà đội tóc màu vàng. Thậm chí một số vật phẩm được in hình “con mèo trong chiếc mũ”, trong đó ông Trump được miêu tả là với hình ảnh một con mèo béo trong bộ đồ màu xanh lam và chiếc mũ MAGA.

Hồi tháng 5/2022, Bloomberg có bài viết tiêu đề: “Ngày nay trong chính trị Mỹ ai cũng là ‘mèo mập’”, bàn về vấn đề tài chính trong các chiến dịch tranh cử ở Mỹ và những tác động liên quan. Bài viết có đoạn: “Chúng ta đang sống trong thời đại dồi dào tài chính cho các chiến dịch tranh cử, mặc dù hầu hết các ý tưởng về tiền trong chính trị đều xuất phát từ thời nó còn khan hiếm. Việc các điều luật và quy định được nới lỏng đã mang lại những nguồn tiền lớn mới — một số được tiết lộ, một số không — vào cuộc chơi. Sự thay đổi công nghệ kết hợp với sự phân cực đảng phái đã tạo ra hiện tượng ‘tích tiểu thành đại’ - hàng triệu USD được huy động theo từng khoản nhỏ, hầu hết từ các cử tri trung thành”.

Phương Anh (Tổng hợp )

Tin mới