Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyện quả báo do ăn chặn tiền từ thiện và cách nhìn nhận của Phật giáo

(VTC News) -

Trong quan điểm Phật giáo, trục lợi tiền từ thiện là tội lỗi tạo nên quả báo rất nặng, những câu chuyện được các phật tử lưu truyền cho thấy điều này.

Chuyện kể rằng ở Tô Châu, Trung Quốc vào thời nhà Minh có người họ Nguyên nổi tiếng nhân đức, hay làm việc thiện. Không chỉ dân chúng địa phương vô cùng ngưỡng mộ mà cả giới quyền quý cũng kính trọng, muốn kết giao. Danh tiếng lừng lẫy đến nỗi một thương nhân ở xa lặn lội đến Tô Châu để được gặp gỡ và quyên góp. Khi gần đến địa phương mà họ Nguyên cư ngụ thì trời tối, thương gia nọ bèn ngủ lại ở một ngôi chùa nhỏ bên đường, dự tính hôm sau đến nơi sẽ tìm gặp và đàm đạo với con người nổi tiếng phúc thiện ấy.

Sau bữa cơm chay, sư trụ trì hỏi thương nhân về lý do lặn lội đường xa, ông đáp: "Bạch sư phụ, tôi buôn bán lâu ngày có dành dụm được chút ít, muốn làm từ thiện để tích đức cho mình và con cháu. Nghe nói ở gần đây có nhà họ Nguyên đức cao vọng trọng, chuyên làm từ thiện giúp dân nghèo, tôi bèn tìm đến, vừa là kết hợp có chuyện làm ăn, vừa quyên góp tiền cho ông Nguyên làm từ thiện".

Sư nghe xong mỉm cười khuyên: "Mọi chuyện không nên chỉ nhìn bề ngoài, làm từ thiện phải có tâm ngay chính, nếu không thì chẳng những không tích đức mà còn tạo nghiệp nặng. Không biết về người mà cứ quyên tiền như vậy thì cũng chẳng tích đức được”. Ngạc nhiên, thương nhân muốn hỏi rõ nhưng sư trụ trì không giải thích thêm, bảo ông đi nghỉ sớm.

Đêm đó, thương nhân đang ngủ bỗng tỉnh giấc vì nghe tiếng kêu khóc thảm thiết, bèn bật dậy ra ngoài xem. Trước mắt ông là khung cảnh xa lạ, mờ mờ ảo ảo, nhưng tiếng khóc than lại rất rõ. Ông đi tới thì thấy một người bị gông cùm nằm trong vạc dầu sôi sùng sục. Một quỷ sứ quát to: “Họ Nguyên người Tô Châu phải ngâm vạc dầu đủ 1.000 năm vì tội lừa gạt tiền của người khác để mưu lợi cho bản thân. Hắn ta dùng danh nghĩa từ thiện để làm giàu cho mình nên tội càng nặng. Tiền quyên góp được, hắn chỉ dùng một phần nhỏ làm từ thiện, còn lại dùng để sống xa hoa, tiêu xài vô độ". Nói rồi quỷ sứ ra lệnh cho thuộc hạ tiếp tục hành tội họ Nguyên.

Tranh minh họa về địa ngục, nơi những người từng làm ác phải chịu quả báo.

Thương nhân kinh sợ, nhìn lại người trong vạc dầu rất giống với miêu tả về con người họ Nguyên nổi tiếng nhân đức nọ. Ông toát mồ hôi, rón rén tìm đường trở về phòng, nằm xuống rồi ngủ thiếp đi. Hôm sau tỉnh giấc, ông vội đến gặp trụ trì, kể lại chuyện đêm qua. Nhà sư nói: “Làm từ thiện phải từ tâm, không nhất thiết phải quyên nhiều tiền bạc. Thí chủ nếu muốn làm từ thiện tích đức thì hãy tự làm lấy. Cái kết của họ Nguyên trong giấc mơ đêm qua thực chất là điềm báo về điều sắp xảy ra cho ông ta”.

Thương nhân như bừng tỉnh, cảm tạ nhà sư và ra đi, từ đó về sau hành thiện đúng như lời khuyên, vừa giúp được nhiều người vừa tích phúc cho mình và con cháu.

Theo quan điểm của Phật giáo, cuộc sống của mọi chúng sinh đều phải tuân theo quy luật nhân quả. Từng ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta đều góp phần dẫn tới những gì mà chúng ta sẽ nhận lấy trong tương lai. Việc ăn chặn tiền từ thiện như người họ Nguyên trong câu chuyện trên ứng với các tội lỗi sau: Tham lam của cải của người khác, chiếm dụng tài sản của người khác (của người quyên góp và người khó khăn lẽ ra phải nhân được tiền quyên góp), thực chất là hành vi trộm cướp; dối trá, nói sẽ dùng tiền quyên được để làm chuyện phúc đức, trong khi thực tế làm giàu cho chính mình. 

Thông điệp của nhà sư trong câu chuyện cũng cho thấy, người làm từ thiện không chỉ cần có tâm từ bi muốn giúp người mà còn phải có trí tuệ để không vô tình tiếp tay cho những kẻ làm từ thiện giả mạo, nếu không thì tuy mục đích thiện lành nhưng kết quả lại không đem lại ích lợi gì.

Huyền Vi

Tin mới