Năm 1967, khi mới 24 tuổi, chàng trai Tô Văn Đực (Út Đực) được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Dù chỉ biết đọc, biết viết nhưng ông đã mày mò, nghiên cứu làm ra hàng chục khẩu súng các loại, chế tạo được mìn cán và nổi tiếng với trái mìn gạt, góp công lớn vào những chiến tích của quê hương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sinh ra ở Củ Chi, Tô Văn Đực là con trai út trong gia đình có 9 anh em. Cha mẹ mất sớm, 9 anh em nuôi dạy nhau trưởng thành, trong đó có 3 người theo cách mạng.
16 tuổi, ông đi học lái xe, làm thợ cơ khí rồi đi cạo mủ cao su ở huyện Long Khánh (nay là TP Long Khánh, Đồng Nai). Đến năm 19 tuổi, ông lên huyện Đồng Xoài (Bình Phước) sinh sống. Đến năm 21 tuổi, ông rơi vào diện bị chính quyền Sài Gòn gọi đi lính nên quyết định bỏ trốn về quê hương.
Về Củ Chi, ông mở tiệm sửa xe đạp rồi được giao quản lý xưởng sản xuất vũ khí thô sơ. Gọi là xưởng sản xuất cho sang, nhưng thực chất xưởng chỉ như cái lò rèn.
Những năm 60, phong trào đánh Mỹ ở Củ Chi bắt đầu nổi lên và dần lớn mạnh. Tuy nhiên, thời điểm đó, vũ khí thô sơ và khan hiếm. Người dân chống giặc chủ yếu bằng dao, kiếm nên hiệu quả không cao.
Người nào được trang bị tốt mới có khẩu súng “ngựa trời”. Tuy nhiên, loại súng này cũng chỉ bắn xa được khoảng 20 - 30 m, rất khó đánh địch.
Trước tình hình này, Út Đực cùng anh em trong xưởng đã đi gom nhặt mảnh bom, ống thép ô tô, sắt vụn về rèn nòng súng, thân súng và nhiều bộ phận khác của súng.
Những cây súng do Út Đực làm ra được trang bị cho du kích trong vùng. Thế nhưng, sản xuất được một thời gian thì xưởng thiếu nguyên vật liệu, thiếu cưa, dũa, mài…
Điều này khiến ông ăn không ngon, ngủ không yên và tìm cách vượt khó.
Khẩu súng ngắn K54 được ông Út Đực chế tạo có thể bắn dc 14 viên thay vì 8 viên như trước.
Khi nghiên cứu, làm thành công khẩu súng ngắn K54 cải tiến bắn được 14 viên thay vì 8 viên như trước, ông quyết định bán súng để lấy tiền mua nguyên vật liệu cho xưởng sản xuất vũ khí.
Mỗi khẩu súng, Út Đực hì hục làm cả tháng trời ròng rã. Cán bộ rất thích súng do ông sản xuất, bán đến đâu hết đến đấy. Giai đoạn đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ phải tự trang bị vũ khí cho mình vì tình hình khó khăn, vũ khí cấp phát không đủ.
Xưởng Út Đực có nguồn kinh phí ổn định để phát triển nên tích cực sản xuất vũ khí phục vụ cho nhân dân, cách mạng.
Tháng 1/1966, xe tăng Mỹ rầm rộ đổ về Củ Chi, lực lượng vũ trang của ta không có súng chống tăng. Dàn xe tăng đi trước, lính bộ binh đi theo sau, chúng sẵn sàng san bằng những gì cản trở.
Nhìn thấy điều này, thanh niên Tô Văn Đực đau đáu muốn chế loại mìn chống tăng hiệu quả.
Trong một lần đi chơi trong xã, Út Đực gặp bạn. Hai người ngồi chơi “tán dóc” thì biết người bạn có hai quả mìn cán của Nga, mỗi trái nặng khoảng hơn 4 kg. Ngay lập tức, Út Đực xin hai quả mìn đem về.
Ông về nghiên cứu quy luật di chuyển của đoàn xe tăng địch, gài hai quả mìn cán trên con đường đất rồi chui xuống hầm bí mật cách đó 100 m, quan sát.
Một lúc sau, đoàn xe tăng đi ngang qua đúng chỗ mìn gài, một chiếc trúng mìn, đứt xích phải đứng lại. Đoàn xe tăng bị động, ngay lập tức vây quay chiếc xe gặp nạn để ứng cứu. Trận càn của địch thất bại, phải lui về.
Biết mình gài mìn thành công, Út Đực ra sức nghiên cứu cách chế mìn. Ông nghĩ, địch thả hàng tấn bom đạn xuống quê hương, trong đó có nhiều trái bom vẫn chưa nổ. Đây chính là nguồn thuốc nổ quý báu, ông lên đường đi tìm bom lấy thuốc.
Ông nhặt những trái bom bi về, mày mò nghiên cứu tính năng, tác dụng của chúng. Út Đực sử dụng những trái bom bi còn nguyên và quấn thuốc nổ xung quanh tạo thành một trái mìn cán có sức công phá lớn. Trái bom bi có tác dụng như một chiếc ngòi nổ, khi bom bi nổ thì trái mìn nổ tạo ra sức công phá mạnh.
Làm mìn cán thành công, Út Đực truyền lại kỹ thuật cho anh em trong xưởng sản xuất vũ khí rồi nhân rộng cho nhân dân trong vùng. Khi ấy, phong trào đánh xe tăng, diệt giặc Mỹ ở Củ Chi nổi tiếng khắp cả nước. Nhiều người con của Củ Chi đã trở thành dũng sĩ diệt xe tăng. Út Đực cũng là một trong số những dũng sĩ đó và được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Tháng 5/1966, trong một lần gài mìn đánh xe tăng, Út Đực phát hiện trái mìn không nổ do xe tăng chỉ cán lên một bên của trái mìn. Ông tiếc nuối vì diệt xe tăng bất thành. Út Đực nhận thấy, trái mìn cán của mình hiệu quả chưa cao. Nếu xe tăng không cán vào giữa thì mìn không nổ.
Út Đực tiếp tục nghiên cứu để làm ra trái mìn cán thế hệ mới. Ông muốn xe tăng cán vào trái mìn là nổ và trái "mìn gạt" ra đời.
Trái mìn gạt cũng tương tự như trái mìn cán trước đây, nhưng có thêm chiếc cần gạt. Khi xe tăng chạm vào chiếc cần gạt thì trái bom bi sẽ nổ và nguyên khối thuốc sẽ phát nổ. Sau khi trái mìn gạt ra đời, Út Đực đã tự tay tiêu diệt được 13 chiếc xe tăng, nhiều người phong cho ông là “vua” mìn gạt.
Từ trái mìn gạt ban đầu, nhân dân và quân đội ta đã chế tạo ra nhiều loại mìn thế hệ mới hơn và không cần đến trái bom bi để bên trong khối thuốc nổ. Cần gạt sẽ có tác dụng tức thì vào khối thuốc nổ khi xe tăng cán vào.
Năm 1964, quân Mỹ dội bom như mưa xuống vùng đất thép Củ Chi. Trong một lần oanh tạc, 6 trái bom lớn chưa nổ nằm gần nhau trong xã Nhuận Đức. Người dân khiếp sợ di tản ra khỏi khu vực nguy hiểm, vườn tược đành bỏ lại vì bom. Út Đực nhận được lệnh từ cấp trên phải giải quyết 6 trái bom để nhân dân trở về nhà.
"Mình đánh giặc nhờ dân, mà giờ dân đi hết thì mình ở với ai. Ba anh em trong xưởng chúng tôi cùng các nam, nữ thanh niên trong xã quyết tâm phá bom”, anh hùng Tô Văn Đực nói.
Đến nơi, Út Đực thấy trái bom nằm sâu dưới đất khoảng 2 mét. Mọi người cùng nhau đào bới đất xuống tới vị trí trái bom. Út Đực nói anh em tránh xa, chỉ mình ông ở lại nghiên cứu.
Thấy trái bom dài hơn 2 mét, nặng khoảng 300 kg ai cũng "rợn tóc gáy", nhưng vì xưởng đã hết thuốc nổ làm mìn nên Út Đực quyết định "ăn thua” với trái bom.
"Mấy bạn nữ đi gỡ bom với tôi khóc và nói, anh này còn trẻ, đẹp trai mà e là chết sớm. Họ nghĩ tôi sẽ chết vì trái bom", Út Đực nhớ lại không khí ngày hôm đó.
Khi mọi người đã tránh xa, Út Đực quan sát kỹ và kiểm tra hai đầu nổ của trái bom, ông nhận thấy trái bom này cũng có tính năng, nguyên lý hoạt động giống những trái bom bình thường khác. Ông nhanh chóng mở đầu nổ thứ nhất rồi đến đầu thứ hai.
Thấy Út Đực gỡ trái bom đầu tiên an toàn, mọi người yên tâm đưa nước và đồ ăn đến. Sau đó, cả 6 trái bom đều được gỡ đầu nổ thành công.
Cũng trong năm đó, ông mày mò cách đánh mìn bằng điện. Muốn thực hiện cách đánh này, ông cần phải mua bóng đèn pin về thử nghiệm. Ông xin chị gái tiền để mua 3 bóng đèn pin về thử nghiệm.
Út Đực lấy từng chiếc bóng đèn ra để tìm cách nhét thuốc nổ vào, nhưng hai bóng bị bể. Còn bóng cuối cùng, ông quyết định dùng đá mài để mài bóng từ từ. Lúc này, bóng đèn bị thủng một lỗ nhưng không bị bể, ông nhét thuốc nổ vào bóng và thử kíp nổ thành công.
Sau khi thử kíp nổ thành công và hiểu được nguyên lý đánh mìn bằng điện. Út Đực nhận thấy đội tàu hậu cần của Mỹ thường xuyên đi trên sông Sài Gòn. Đội tàu này có cả chục chiếc chở rất nhiều nhu yếu phẩm, vũ khí, đạn dược. Đội tàu hậu cần được tàu chiến bảo vệ rất nghiêm ngặt. Út Đực xin ý kiến cấp trên để đánh đội tàu này và được đồng ý.
Ngay lập tức, ông tiến hành chế tạo mìn để đặt trên sông. Ông mua 20 chiếc thùng tôn loại 20 lít rồi hàn kín lại. 20 chiếc thùng này ôm xung quanh khối thuốc nổ lớn và được đưa ra giữa sông bằng bè chuối. Quả mìn "khổng lồ" được treo lơ lửng trong nước và chờ địch đến.
Út Đực nấp bên bờ sông canh cho đoàn tàu hậu cần đến sát quả mìn thì kích nổ bằng dây điện. Một con tàu hậu cần dài khoảng 70 m bị đánh úp, hư hỏng nặng khiến lính Mỹ xả đạn tứ tung, Út Đực nhanh chóng rút lui vào bụi rậm, thoát thân.
Sau đó, Út Đực cùng nhân dân Củ Chi tiếp tục lập nhiều chiến công hiển hách rồi về Quân khu 7 phục vụ, cống hiến. Ông được giao phục trách kỹ thuật của các đơn vị trong quân khu cũng như đào tạo thế hệ kế cận.
Bom đạn đã tránh tôi để tôi sống
Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976, Anh hùng Tô Văn Đực lập gia đình và sinh được 3 người con, 2 trai và 1 gái.
Năm 1984 - 1989, ông được bổ nhiệm làm Trung đoàn phó Trung đoàn Gia Định tham gia đánh quân Pôn Pốt, bảo vệ các căn cứ của nước bạn Campuchia.
Đến năm 1992, Trung tá Út Đực chính thức nghỉ hưu khi giữ chức vụ Chủ nhiệm kỹ thuật Sư đoàn 317 - Quân khu 7.
Rời quân ngũ, ông về nhà mở xưởng cơ khí ô tô đến năm 1999 thì quyết định nghỉ ngơi và ở nhà làm vườn.
Hiện nay, tuy đã 82 tuổi nhưng ông vẫn rất minh mẫn, mỗi khi nhắc lại ký ức hào hùng, ánh mắt ông lại sáng rực. Ông đã có một cuộc đời đầy tự hào, huy hoàng và rực rỡ. Ông vẫn cầm vô lăng, tự lái xe đến những nơi mà mình từng chiến đấu và thăm hỏi bạn cũ.
“Ngày xưa, Củ Chi bom đạn ác liệt lắm, tôi phải chết hụt cả chục lần rồi. Tôi sống được đến giờ là quá may mắn rồi, bom đạn nó tránh tôi để tôi sống đó”, ông Út Đực hạnh phúc nói.