Gần 1 năm sau ngày ba mẹ qua đời trong cao điểm dịch COVID-19 ở TP.HCM, chị Nguyễn Thị Thảo vẫn ngỡ những tai ương ập xuống gia đình mình chỉ như một cơn ác mộng chợt đến trong đêm. Thảo là đứa con duy nhất của ba mẹ, nhưng dịch bệnh khủng khiếp đã cướp đi cả 2 người thương yêu nhất của chị.
Video: Chuyện người con một mất hết mẹ cha
9h tối, cửa hàng tạp hóa bà Hường ở phường 17, quận Gò Vấp (TP.HCM) vẫn sáng đèn đón khách. Chị Nguyễn Thị Thảo lấm tấm mồ hôi, cặm cụi dọn từng kiện đồ ăn, thức uống lên kệ để chuẩn bị mở hàng cho sáng mai.
Phía bên ngoài, khách vẫn đến nườm nượp. “Cho 2 bánh flan, 2 rau câu mang về”, khách đặt hàng, chị Thảo vâng dạ, chỉ tốn chưa đến 30 giây để gói hàng cho khách. Làm xong việc, người phụ nữ 30 tuổi lặng lẽ tựa lưng vào ghế nghỉ ngơi, thi thoảng nhìn lên biển hiệu “tạp hóa bà Hường”. Trên tấm biển, gương mặt hiền hậu của bà Nguyễn Thị Hường - mẹ chị Thảo hiện lên tươi sáng và ấm áp.
“Ba mẹ vẫn đang ở đây thôi, chứ chẳng đi đâu cả. Từng giây từng phút trôi qua, tôi đều dặn lòng mình như thế”, giọng chị Thảo nghẹn lại.
Tiệm tạp hóa bà Hường là tâm huyết cả đời của mẹ chị Thảo. Trong con ngõ nhỏ nép bên đường Lê Đức Thọ, cửa hàng với mặt sân rộng 15m2 là nơi bà Nguyễn Thị Hường cần mẫn nấu rau câu, làm bánh flan, sữa chua để bán cho khách trong hơn 30 năm.
Bàn tay cần mẫn và tâm huyết của mẹ bên góc bếp, hay bộ quân phục cùng giọng nói uy nghiêm, trầm ấm của ba là cả bầu trời tuổi thơ của người phụ nữ vừa tròn 30. Ba là sỹ quan quân đội về hưu rồi làm tổ trưởng tổ dân phố, mẹ bán tạp hóa và làm đồ ăn.
Thời điểm dịch căng thẳng, ba chị Thảo - ông Nguyễn Văn Thức (khi ấy là Tổ trưởng Tổ dân phố 85, khu phố 11, phường 17, quận Gò Vấp) phải đi làm và tới 8-9h tối mới tạt về nhà tắm rửa rồi lại chạy ra chốt kiểm soát. Có những đêm trực chốt, nhớ vợ, nhớ con, ông nhờ người khác chụp hình mình rồi gửi về gia đình.
Ngày 18/7, ông Thức hết ca trực, tranh thủ về nhà rồi ông bị sốt, mệt và sau đó được xác định đã mắc COVID-19.
Tới ngày 27/7, ông Thức qua đời. 1 tuần sau, bà Hường cũng nhiễm bệnh và không qua khỏi.
Trên bàn thờ, di ảnh của ba mẹ được chị Thảo đặt nghiên cẩn, gọn gàng, bên cạnh hai hũ tro cốt cùng những kỷ vật. Mỗi ngày, bàn thờ luôn có hoa tươi bởi đó là sở thích của mẹ lúc sinh thời. Phía ngăn dưới bàn thờ là những bằng khen của ba, trong đó có bằng khen của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dành cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong cuộc chiến chống dịch.
9h30 tối, cửa hàng ngớt khách, chị Thảo trở lại phòng khách, thắp nén hương rồi lặng nhìn nụ cười hiền dịu của ba và mẹ. “Tôi phải nén nỗi đau để bước tiếp con đường của mình, nhưng nỗi đau đến giờ vẫn chưa nguôi được”, chị Thảo kể lại.
Bên cạnh bàn thờ là chiếc xe máy Honda của ba cùng bộ quân phục được gấp gọn gàng. Chiếc xe hoen rỉ màu thời gian, nhưng luôn được lau chùi thường xuyên. Bộ quần áo ba hay mặc được gấp gọn gàng, đặt ở vị trí trang trọng.
Chị Thảo có thói quen nhìn lên ảnh mẹ trên tấm biển hiệu cửa hàng, rồi nhẹ nhàng đặt bàn tay lên bộ quân phục của ba, rồi nhớ lại những ngày còn được sống trong vòng tay che chở của ba mẹ.
“Để không thấy lạnh khi ở một mình, tôi đã xây bàn thờ đẹp cho ba mẹ. Tôi vốn sợ mưa, sợ sấm sét, nhưng khi có bàn thờ và di ảnh ở đây, tôi luôn thấy ấm áp, không còn sợ hãi hay lo lắng gì nữa. Nhiều đêm tôi mơ thấy ba mẹ nhìn tôi rồi mỉm cười, hạnh phúc lắm”, chị Thảo chia sẻ.
Sự ra đi đột ngột của cả ba và mẹ đã đảo lộn cuộc sống của chị Thảo. Trước đây, chị mở lớp dạy yoga và zumba. Sau ngày ba mẹ mất, chị tiếp quản cửa hàng tạp hóa của mẹ, rồi thay mẹ trở thành người đứng bếp nấu rau câu, sữa chua cho khách.
Chị Thảo giảm số giờ đứng lớp, bỏ dạy buổi tối để tập trung làm tiếp những công việc mẹ làm ngày trước. Thu nhập từ bán rau câu, flan không bằng những buổi đứng lớp, nhưng chị Thảo không bận tâm.
Mỗi sáng, chị dậy sớm để dọn quầy hàng, rồi vào bếp nấu nướng. Khoảng giờ trưa chiều, khi cửa hàng vãn khách, chị đứng lớp dạy học, rồi đến chiều tối lại ra bếp nấu ăn.
Khách đến cửa hàng của chị Thảo chủ yếu là người quen, những người ở khu phố 11 đã quen với hình ảnh bà Hường tần tảo nấu rau câu, hay ông Thức chăm chỉ, tận tụy làm việc ở tổ dân phố.
Ngày bà Hường mất, chị Thảo vẫn để hình ảnh của mẹ trên biển hiệu cửa hàng. Nhìn chiếc biển sáng đèn, chị luôn tin mẹ và ba vẫn ở đấy, nhìn mình trìu mến và yêu thương.
“Khách ở đây biết đến cửa hàng là nhờ mẹ, đã quen với những món ăn mẹ nấu. Tôi muốn khách không bao giờ quên hình ảnh của mẹ với búi tóc ngang vai, muốn mọi người tiếp tục đến ủng hộ những món ăn đã làm nên thương hiệu của mẹ. Tôi muốn tưởng nhớ mẹ và chẳng bao giờ tin mẹ đã rời xa”, chị Thảo chia sẻ.
10h tối, chị Thảo dọn hàng. Đối diện hiên nhà là khu nhà văn hóa của tổ dân phố, nơi các bà, các chị đang tổ chức liên hoan mừng ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Bữa tiệc kéo dài đến tận tối muộn, như chất chứa niềm vui bị kìm nén của nhiều gia đình sau hơn nửa năm chống chọi với đại dịch. Với chị Thảo, niềm vui gia đình chẳng bao giờ trọn vẹn lại như trước, nhưng người con của ba Chức - mẹ Hường không chịu đầu hàng trước bi kịch.
Nói về chuyện cưới xin, người phụ nữ 30 tuổi ngập ngừng. “Tôi đợi sau ngày mất của ba mẹ 3 năm rồi mới tính đến chuyện cưới xin. Bạn trai tôi hiểu và ủng hộ tôi hết mực”, chị Thảo chia sẻ.