(VTC News) - Bất kể trường hợp nào, nếu chó mèo còn sống, dù thoi thóp, nhóm đều tiếp nhận, đưa đến các phòng khám để cấp cứu.
Kỳ 2 (kỳ cuối): Điện châm, truyền nước, phẫu thuật cho chó mèo
Trạm Cứu hộ chó mèo ở Hà Nội thành lập tháng 4/2012, thì đến tháng 8 năm đó, Nguyễn Thị Thu Trang nhận nuôi một chú mèo mắc trọng bệnh.
Một thành viên thông báo ở đường Trường Chinh (Đống Đa, Hà Nội) có một con mèo sắp chết. Bạn này rất thương con mèo, nhưng trong nhà có trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng máu, không thể nuôi động vật được, nên không dám mang về.
Chăm mèo như chăm người
Thấy hình ảnh chú mèo mới khoảng 5-6 tháng tuổi, nằm bất động cạnh đống rác ven đường Trang liền mang về chăm sóc. Trang nhớ lại: "Em mèo đó nhỏ như con chuột. Em bị bệnh, nên người ta vứt ra đống rác. Nếu em không nhận về nuôi, thì em mèo đó sẽ chết. Nếu để em chết như thế thì tàn nhẫn quá, nên em đưa em mèo về. Em muốn những ngày cuối đời, em mèo được sống trong sự chăm sóc chu đáo".
Bế mèo về, đút cho ăn, nhưng con mèo yếu đến nỗi không thể há được miệng. Trang đưa mèo đến phòng khám thú y ở đường Trường Chinh. Bác sĩ khám xét và kết luận con mèo này bị tai nạn dẫn đến chấn thương cong vẹo cột sống, ảnh hưởng đến thần kinh, rồi mù luôn hai mắt. Bệnh nặng thế, nên nó không nhận thức được môi trường xung quanh.
Cho mèo bú sữa Trạm cứu hộ chó mèo |
Con mèo như một đứa trẻ vừa bại liệt, vừa thiểu năng. Được bác sĩ chăm sóc, thuốc thang, con mèo đã qua cơn nguy kịch, nhưng bệnh tình thì không tiến triển gì. Những lúc khỏe nhất, thì dùng hai chân trước lết đi. Vì lết như thế, nên bụng nó mài xuống đất, tạo ra những vết lở loét.
Theo chỉ dẫn của các bác sĩ thú y, Trang đã đưa con mèo này đến Phòng khám thú y Gaia ở An Dương để điện châm, điều trị thần kinh và chấn thương cột sống. Được điện châm nhiều ngày, máu tuần hoàn, sức khỏe con mèo đã khá lên trông thấy. Nó không phải lê hai chân trước nữa, mà đứng được bằng 4 chân. Tuy nhiên, khi đi lại, vì cong vẹo cột sống, nên chỉ đi theo vòng tròn. Không phải lết, nên các vết lở loét cũng lành. Mặc dù vậy, nó vẫn không nhận thức được gì.
Hàng ngày, dù bận đi làm, song Trang vẫn tranh thủ lúc nghỉ ngơi, để chạy về cho mèo ăn. Cứ đút vào miệng, theo phản xạ tự nhiên nó há miệng ra ăn, chứ không tự ăn được.
Những con mèo đang được chăm sóc ở Trạm cứu hộ |
Nuôi nấng con mèo ấy như con mọn được một năm thì nó qua đời. Trang nghẹn ngào nhớ lại: "Bình thường em mèo ăn khỏe lắm, nặng được tới hơn 1kg, nhưng không hiểu sao tự dưng biếng ăn. Tôi hôm đó, em đi làm về, thấy em cứ rú lên, sờ người em thì thấy lạnh. Em mang đến Phòng khám thú y Gaia cấp cứu. Khám xong, bác sĩ cho ngay vào lồng ấp, thở oxi và truyền nước. Em mèo nằm trong lồng ấp mấy ngày mà không khỏe lên.
Đợt đó, em phải đi công tác tỉnh xa nên nhờ cả vào bác sĩ. Đang ở xa, thì bác sĩ gọi điện thông báo em mèo qua đời. Lúc đưa vào lồng ấp, bác sĩ bảo sớm muộn em mèo cũng không qua khỏi, nhưng dù chi phí tốn kém thế nào, em cũng phải cứu chữa, chăm sóc em mèo đến hơi thở cuối cùng. Em ấy qua đời, thì em đón về. Em mang về quê, cách Hà Nội 40 cây số, táng ở nghĩa địa cho yên tâm".
Mơ ước cho chó, mèo
Nắm được thông tin, mèo chó ở khu vực nào cần cứu hộ, Trang lại liên hệ với các nhóm bạn ở khu vực đó ra tay cứu chó, mèo. Trạm Cứu hộ chó mèo được các bạn trẻ tổ chức rất chuyên nghiệp, phân chia thành từng bộ phận, từng nhóm, hoạt động rất hiệu quả.
Các bộ phận gồm: Nhóm cứu hộ, nhóm tìm chủ nuôi, nhóm tuyên truyền và nhóm quản lý tài chính. Nhóm cứu hộ quản lý khoảng 300 tình nguyện viên. Nhóm tìm chủ nuôi gồm 10 bạn, có nhiệm vụ tìm kiếm cho những chú chó, mèo những cá nhân, hộ gia đình có khả năng nuôi dưỡng, yêu thương động vật.
Mèo bị tai nạn được đưa về Trạm cứu hộ chăm sóc |
Khi những chú chó, mèo được nhóm cứu, hồi phục sức khỏe, thì nhóm tìm chủ nuôi sẽ liên hệ với những người có tâm, muốn chăm sóc động vật. Nhóm này sẽ phỏng vấn cá nhân đó rất kỹ càng, sử dụng các kỹ năng để tìm hiểu thông tin như cá nhân hoặc gia đình đó có yêu động vật không, có ăn thịt chó mèo không (tuyệt đối không chấp nhận những gia đình có người thích ăn thịt chó, mèo), có khả năng tài chính để nuôi dưỡng, chăm sóc, thậm chí đưa chó mèo đi bệnh viện hay không…
Khi đã giao chó, mèo cho cá nhân, gia đình nào đó nuôi dưỡng, nhóm này vẫn có nhiệm vụ thường xuyên liên hệ, kiểm tra sức khỏe của những chú chó, mèo đó. Nhóm tuyên truyền có nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên tổ chức các sự kiện tuyên truyền lối sống yêu thương động vật, phổ biến kiến thức chăm sóc, trị bệnh cho chó mèo, cung cấp các dịch vụ chăm sóc, chữa bệnh chó mèo cho người nuôi.
Theo Vũ Thị Thu Trang, từ năm 2012 đến nay, Trạm Cứu hộ chó mèo đã giải cứu hơn 3.000 con chó, mèo. Hầu hết các trường hợp là bị thương (do tai nạn giao thông, ngã từ cây cối hoặc nhà cao tầng, bị đánh…), rồi bệnh tật. Bất kể trường hợp nào, nếu chó mèo còn sống, dù thoi thóp, nhóm đều tiếp nhận, đưa đến các phòng khám để cấp cứu. Nếu chó, mèo chết, thì nhóm đem đi "mai táng" cẩn thận.
Theo lời Trang, trong số 3.000 chó, mèo được Trạm cứu hộ, thì quá một nửa là chết sau đó vài tiếng đến vài tháng. Đến bây giờ, bản thân Trang và các bạn cũng không nhớ nổi đã tạo ra bao nhiêu "nghĩa địa" chó mèo ở Hà Nội. Có địa điểm là bờ sông, bãi đất trống, nhưng hầu hết là trong các công viên.
Khi chó, mèo qua đời, các bạn đều tự tay đem chôn sâu, xóa dấu vết, không để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Riêng bãi sông Hồng, khu vực An Dương, các bạn trẻ đã lập nên một nghĩa địa chôn hàng trăm chó, mèo. Những chú chó, mèo qua đời ở Phòng khám thú y Gaia đều được các bạn chôn luôn ở bãi sông Hồng.
Truyền nước cho mèo |
Tôi hỏi: "Công việc của các bạn quả thực quá vất vả, tốn kém, vậy các bạn lấy nguồn tài chính ở đâu để cứu hộ hàng ngàn con chó, mèo bệnh tật, bị bỏ rơi như thế này?". Vũ Thị Thu Trang buồn buồn bảo: "Hiện tại, kinh phí đều do các thành viên tự đóng góp thôi. Công sức thì chúng em không tính làm gì, nhưng chi phí điều trị cho chó, mèo rất tốn kém. Mỗi ca mổ, hoặc mỗi ngày cấp cứu tốn cả triệu bạc chứ không ít.
Mới đây, một công ty thức ăn và một cửa hàng vật nuôi tài trợ vài triệu một tháng, để chúng em thuê nhà làm địa điểm chăm sóc ban đầu cho những em chó, mèo bị thương. Tuy nhiên, số tiền đó không đáng kể gì. Vì nguồn lực có hạn, nên hiện tại chúng em chỉ cứu hộ được các em chó, mèo ở quanh Hà Nội, chứ nếu ở tỉnh xa thì không thực hiện được. Nếu cho điều ước, thì chúng em ước có được mảnh đất và làm được cái nhà riêng biệt khỏi khu dân cư để làm nhà cứu hộ, rồi các thành viên thay nhau chăm sóc cho các em chó, mèo là tốt nhất".
Phong Nguyệt