Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyện ít biết về chi bộ Đảng đầu tiên của đồng bào dân tộc Thái giữa đại ngàn

(VTC News) -

Nằm giữa đại ngàn phía tây Nghệ An, di tích lịch sử văn hóa quốc gia “Nhà cụ Vi Văn Khang” được biết đến là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của đồng bào Thái, vào những ngày Đảng Cộng sản Việt Nam mới ra đời.

 

 Di tích lịch sử quốc gia “Nhà cụ Vi Văn Khang” tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An (Ảnh: Minh Tuấn)

Lập chi bộ ngay những ngày đầu cách mạng

Đến bản Thái Hòa, huyện Con Cuông, đi qua cây đa cổ thụ cổng làng Thái Sơn, chúng tôi nhìn thấy ngôi nhà sàn của chiến sĩ yêu nước Vi Văn Khang nằm lặng lẽ giữa tán rừng của Vườn quốc gia Pù Mát. Tiếp đón chúng tôi là phó bản Hà Văn Mùi - người dân tộc Thái và anh Vi Văn Thuật - cháu nội cụ Khang.

Thắp nén hương cho Bí thư chi bộ trung kiên Vi Văn Khang, chúng tôi đứng cạnh bậc thang ngôi nhà tưởng niệm, nghe lời kể chậm rãi của phó bản Hà Văn Mùi về lịch sử của Đảng bộ xã Môn Sơn.

Phó bản Hà Văn Mùi (bên trái) và anh Vi Văn Thuật thắp hương tưởng nhớ Bí thư chi bộ Môn Sơn đầu tiên Vi Văn Khang. (Ảnh: Minh Tuấn)

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ở ngoài nước. Sang tháng 3, dưới sự chỉ đạo của Trung ương cục Trung Kỳ, Tỉnh bộ Nghệ Tĩnh và tổ chức Đảng ở nhiều huyện dần hình thành. Từ đây, phong trào đấu tranh cách mạng ở xứ Nghệ có sự lãnh đạo thống nhất của các cấp bộ Đảng, được tiếp thêm sức mạnh mới để vùng lên mạnh mẽ, phát triển thành phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931).

Ngay từ những ngày đầu của phong trào này, noi gương các anh hùng quê hương và được sự giác ngộ của các chiến sĩ cách mạng, nhiều thanh niên sang nước bạn Lào, Thái Lan tìm đường cứu nước và dừng chân tại Môn Sơn.

Những thanh niên dân tộc Thái có học vấn và tinh thần yêu nước như Vi Văn Khang, Vi Văn Hanh, Trần Ngân, Vi Văn Quý…cùng nhau bàn bạc, nuôi ý định thành lập chính quyền cách mạng tại xã Môn Sơn.

Đầu năm 1931, hai cán bộ xứ ủy Trung Kỳ là Lê Xuân Đào và Lê Mạnh Duyệt được cử đến Môn Sơn xây dựng cơ sở Đảng tại khu vực miền Tây Nghệ An. Thời cơ chín muồi, vào tháng 4/1931, chi bộ Môn Sơn được thành lập với 5 Đảng viên, do Vi Văn Khang làm bí thư. Đây được xem là chi bộ Đảng đầu tiên của người Thái nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung.

Thời gian này, căn nhà sàn của đảng viên Vi Văn Khang là nơi hội họp, sinh hoạt của chi bộ Môn Sơn. Để đảm bảo an toàn, chi bộ thường họp vào vào ban đêm. Ban ngày, họ vào tận rừng sâu, chọn vị trí kín đáo để làm việc. Vợ của ông Khang và ông Vi Văn Hanh được giao nhiệm vụ bảo vệ, liên lạc. Trong thời gian dài, hai bà thay phiên nhau trực, bí mật đưa cơm nước cho các thành viên chi bộ.

Sau khi thành lập, chi bộ Môn Sơn tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động quần chúng và thành lập các tổ Nông hội Đỏ tại Làng Môn, Làng Bàu, Cửa Rào, Kẻ Tại.

Các tổ chức hội phụ nữ cũng được gây dựng để vận động quần chúng. Chi bộ Môn Sơn cũng trực tiếp chỉ đạo xây dựng 3 tổ Tự vệ Đỏ, bao gồm 20 chiến sỹ bảo vệ cách mạng và thực hiện các phòng trào đấu tranh nhân dân.

Từ Xô Viết Nghệ Tĩnh đến Cách mạng Tháng Tám

Di tích cây đa Cồn Chùa, nơi lá cờ búa liềm đỏ được treo lên trong cao trào cách mạng 1930-1931 tại vùng Mường Quạ. (Ảnh: Minh Tuấn)

Đứng trên ngọn đồi cao của bản Thái Hòa, anh Vi Văn Thuật chỉ cho chúng tôi cây đa Cồn Chùa lịch sử nằm trên cánh đồng Mường Quạ.

Phó bản Hà Văn Mùi nhắc tới bài hát “Cây đa Cồn Chùa” nổi tiếng của nhạc sỹ Trần Vương, trong đó có đoạn: “Là ơi, cây đa Cồn Chùa ơi! Biết mấy tự hào… Nhớ lại phong trào Xô Viết năm xưa. Cờ búa liềm phấp phới tung bay trên cây đa này đây. Chi bộ Đảng ở miền Tây khai sinh từ nơi đây…”.

Theo ông Mùi, vào tháng 7-8/1931, trên ngọn cây đa Cồn Chùa nằm giữa trung tâm xã Môn Sơn, lá cờ đỏ búa liềm lần đầu tiên tung bay phấp phới. Dưới gốc cây đa cổ thụ, chi bộ Môn Sơn tập trung lực lượng với hàng trăm đồng bào dân tộc Thái đi mít tinh, biểu tình, rồi kéo đến nhà địa chủ, chánh tổng cướp lấy thóc gạo, tiền bạc chia cho dân nghèo.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Môn Sơn, phong trào cách mạng của nhân dân Mường Quạ và huyện Con Cuông giành nhiều thắng lợi. Căn nhà sàn của Bí thư Vi Văn Khang trở thành nơi hội họp, nuôi giấu cán bộ và in ấn tài liệu.

Giữa năm 1931, phong trào cách mạng lan tỏa rộng rãi. Các đảng viên và quần chúng cốt cán của chi bộ vận động nhiều con em hào lý đi làm cách mạng. Nhiều cuộc họp, sinh hoạt nông hội có đông đảo quần chúng tham dự diễn ra sôi nổi, khiến cho bộ máy chức dịch phong kiến tại Môn Sơn phải làm ngơ, không dám đàn áp.

Ngày 14/9/1931, chi bộ Môn Sơn tổ chức cuộc biểu tình lớn chống sưu thuế, biểu dương tinh thần cách mạng tại khu vực Đền Cả. Quần chúng mang theo giáo mác, gậy gộc, hừng hực khí thế diễu hành dưới màu cờ đỏ búa liềm. Đoàn biểu tình hàng trăm người đi đến đâu được nhân dân hưởng ứng đến đó và cùng tham gia đấu tranh. Bộ máy chức dịch hào lý địa phương đầu hàng vô điều kiện.

Thời gian sau, thực dân Pháp điều lính vào Môn Sơn đàn áp. Bí thư chi bộ Vi Văn Khang và 2 đảng viên là Vi Văn Hanh, Trần Ngân cùng 30 chiến sỹ yêu nước sa vào tay giặc. Các đảng viên còn lại của chi bộ rút vào hoạt động bí  mật để chờ  thời cơ.  

Ông Khang bị kết án 3 năm tù giam, bị tra tấn man rợ nhưng vẫn giữ vững khí tiết. Sau khi ra tù, ông trở về Môn Sơn dạy học cho bà con trong bản và cả tộc người Đan Lai ở vùng Khe Khặng.

Anh Vi Văn Thuật, cháu nội cụ Vi Văn Khang. (Ảnh: Minh Tuấn)

Đầu năm 1945, khi phong trào cách mạng trong cả nước phát triển mạnh, người đồng chí của ông là chiến sỹ Lê Mạnh Duyệt ra tù, trở lại Môn Sơn. Hai người nhanh chóng nhóm họp chi bộ, tập hợp lực lượng tiếp tục hoạt động. Tổ chức Đảng Môn Sơn lúc này lấy tên là “Thanh niên tiền tuyến”.

Tháng 8/1945, Mặt trận Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh cử cán bộ lên các huyện phía tây Nghệ An, chuẩn bị giành chính quyền ở khu vực miền núi. Các đội “Thanh niên tiền tuyến” tại Môn Sơn trở thành lực lượng tự vệ xung phong.

Ngày 22/8/1945, dưới sự lãnh đạo của chiến sỹ yêu nước Vi văn Khang và Lê Mạnh Duyệt, các cơ sở Việt Minh ở Môn Sơn tập hợp đồng bào dân tộc người Thái, người Đan Lai vùng Mường Quạ nhất tề đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 23/8, chính quyền cách mạng được thành lập tại Môn Sơn.

Gìn giữ ngôi nhà sàn lịch sử

Di tích  "nhà cụ Vi Văn Khang" bao gồm khu trưng bày nội thất và nhà trưng bày bổ sung. (Ảnh: Minh Tuấn)

Anh Vi Văn Thuật cho biết, ngôi nhà của ông nội anh được xây dựng năm 1919, theo lối kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái. Nhà gồm 3  gian, 2 hồi, cầu thang lên xuống đặt ở hai bên, khung bằng gỗ. Tầng trên là nơi diễn ra các sinh hoạt của gia đình, dưới sàn thường cất đặt nông cụ và nhốt gia súc. Khu vườn quanh nhà khá rộng, trồng nhiều loại cây, phần lớn là cây ăn quả.

Chiến sỹ yêu nước Vi Văn Khang sống ở ngôi nhà này cho đến khi mất vào năm 1978. Trong ngôi nhà hiện lưu giữ những đồ vật gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ Khang. Bức chân dung và bàn thờ cụ cũng được đặt trang trọng trong nhà.

Hằng năm vào dịp trung tuần tháng 4, nhân dân các dân tộc ở Môn Sơn- Lục Dạ (huyện Con Cuông) long trọng tổ chức lễ kỷ niệm thành lập chi bộ Đảng và lễ hội Uống nước nhớ nguồn tại ngôi nhà sàn này. Họ thắp hương tưởng nhớ Bí thư chi bộ đầu tiên của Môn Sơn và các đảng viên, anh hùng liệt sỹ.

Ngôi nhà của cụ Vi Văn Khang được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, được tu bổ, tôn tạo 2 lần vào năm 1994 và năm 2009.

Theo lời chị Vi Thị Đức, cán bộ Ban quản lý khu di tích, cách đây vài năm, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án bảo tồn, tôn tạo di tích nhà cụ Vi Văn Khang. Sau đó, UBND huyện triển khai phê duyệt đề cương hạng mục “Sưu tầm hiện vật, tài liệu bổ sung nội thất, nghiên cứu phục hồi các giá trị văn hóa phi vật thể” thuộc dự án này.

Sau nhiều năm thực hiện, Dự án Nhà trưng bày bổ sung di tích tại xã Môn Sơn vẫn chưa có hiện vật. (Ảnh: Minh Tuấn)

Sau khi tham vấn ý kiến của Hội đồng khoa học và các đơn vị liên quan, cơ quan chức năng thống nhất làm đồng thời khu trưng bày nội thất nhà cụ Vi Văn Khang và nhà trưng bày bổ sung di tích. 

Theo đó, nhà cụ Vi Văn Khang sẽ được dùng trưng bày các tư liệu, hiệu vật liên quan đến gia đình, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của cụ và chi bộ Môn Sơn - Lục Dạ.

Nhà trưng bày bổ sung di tích sẽ trưng bày bổ sung tư liệu, hiện vật có liên quan đến di tích lịch sử, phong tục, tập quán, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể địa phương… làm phong phú bản sắc văn hóa của đồng bào Thái; tạo điểm nhấn phát triển du lịch.

Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, dự án trên vẫn chưa thế hoàn thành và bàn giao. Bản thân chị Đức và người dân bản Thái Hòa cũng chưa nhận được thông tin chính thức nào từ cơ quan cấp trên về dự án.

Nhà trưng bày bổ sung di tích hiện nay trống không, trong khi các hạng mục xây dựng bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp. Đồng bào dân tộc Thái ở Môn Sơn mong chờ dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, để đón thêm nhiều đoàn tham quan về thăm”, chị Đức cho biết.

Ngoài ra, con đường dẫn vào khu di tích mặc dù quy hoạch từ lâu nhưng vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh, gây nhiều khó khăn cho việc đi lại.

Phó bản Hà Văn Mùi nói: “Di tích nhà cụ Vi Văn Khang là địa chỉ cách mạng, có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân địa phương. Phải làm sao cho dự án không bị kéo dài vô thời hạn như hiện nay, để con em đồng bào dân tộc Thái có nơi tham quan, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Bên cạnh đó, di tích cũng là nơi để địa phương phát triển du lịch, cải thiện điều kiện sống của đồng bào dân tộc miền biên cương của Tổ quốc”.

Minh Tuấn

Tin mới