Liên tục mua bán, tạo cung cầu giả, đẩy giá cổ phiếu, âm thầm bán chui...là những chiêu trò đã và đang tồn tại trên thị trường chứng khoán. Nhiều vụ việc bị phanh phui, loạt tổ chức, cá nhân bị xử phạt hành chính, thậm chí lĩnh án tù, nhưng vì lợi nhuận, nhiều cá nhân vẫn dùng chiêu trò này.
Không ít nhà đầu tư ít kinh nghiệm, muốn kiếm lời nhanh, chạy theo “đội lái” đã tranh mua những cổ phiếu được tạo sóng ảo rồi chịu thiệt hại nặng nề khi thị trường đảo chiều.
Đủ chiêu trò "bẻ lái" thị trường
Còn nhớ phiên giao dịch ngày 6/7, chỉ số VN-Index đang xanh mướt bất ngờ đổ đèo, mất 56 điểm chỉ trong 10 phút cuối của phiên giao dịch ATC (phiên đóng cửa), khiến các nhà đầu tư ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì đang xảy ra, “không kịp trở tay” bởi trước đó thị trường mở cửa trong trạng thái tích cực, dòng tiền mạnh mẽ đổ vào đẩy giá hàng loạt bluechips lên cao.
Ngay lập tức, nguyên nhân được nghĩ đến đầu tiên đó là thị trường đang bị "cá mập" thao túng.
Trên các diễn đàn về chứng khoán ngay sau phiên giao dịch gây sốc này, nhiều ý kiến đặt nghi vấn về việc có một thế lực mạnh đủ sức thao túng gần như tất cả các mã trên sàn. Thế lực này ồ ạt bán ra cổ phiếu để ép giá xuống sâu, tạo xu hướng bán tháo mạnh trong phiên ATC (phiên đóng cửa). Từ đó, họ dễ dàng thu gom cổ phiếu giá rẻ để bắt đáy.
Cũng có ý kiến cho rằng phải có sự liên minh giữa các “tay to” với nhau để thao túng cả sàn chứ không phải một mã.
Thời điểm đó, trước bức xúc của nhà đầu tư, ngay chiều tối 6/7, ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) lên tiếng khẳng định hệ thống mới hoạt động bình thường, không gặp bất cứ sự cố nào trong phiên giao dịch hôm nay. Ông Trà cũng bác công văn lan truyền trên mạng xã hội về việc hệ thống giao dịch bị lỗi trong phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) và HoSE phải đối soát dữ liệu.
Nếu không cẩn trọng, nhà đầu tư dễ mắc bẫy bởi những chiêu trò thao túng cổ phiếu. (Ảnh minh họa).
Theo nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, một số dấu hiệu có thể xem là giao dịch bất thường, nghi vấn có bàn tay của “đội lái”. Chẳng hạn như mã cổ phiếu liên tục sụt giảm do hoạt động doanh nghiệp thua lỗ nhưng bỗng dưng có hàng loạt phiên tăng trần, khiến giá đạt đỉnh. Nếu không tỉnh táo "ôm" vào, nhà đầu tư dễ xả hàng không kịp nếu cổ phiếu này đảo chiều. Theo giới phân tích, những chuỗi tăng trần và giảm sàn với những cú kéo và xả hết biên độ cho phép là điều không bình thường, nhà đầu tư cần thận trọng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, trên sàn chứng khoán thời gian qua có hiện tượng làm giá, thổi giá để giá trị cổ phiếu cao gấp hàng trăm lần giá trị thực.
Những thủ đoạn thường được “đội lái” sử dụng như tạo lập hàng ngàn tài khoản để tạo cung cầu giả tạo, làm giả tài khoản nước ngoài, làm giả báo cáo tài chính, tạo doanh thu lợi nhuận giả, vốn điều lệ cao gấp hàng chục hàng trăm lần số vốn thực có… để thực hiện hành vi bán giấy lấy tiền thực
Thậm chí có cá nhân mua công ty chứng khoán nhỏ để làm công cụ làm giá, hay thành lập nhiều công ty ma để thực hiện các hành vi giao dịch giả tạo để đẩy giá cổ phiếu.
“Những cổ phiếu kém chất lượng có đủ chiêu trò làm giá, thổi giá, thổi vốn…Hàng vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ không am hiểu chứng khoán bị dụ lao vào giao dịch để từ đó những chủ doanh nghiệp này có cơ hội bán giấy thu lợi hàng nghìn tỷ đồng”, ông Hải cho hay.
Đầu tháng 6, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã gửi văn bản đến Bộ Tài chính và Thanh tra Bộ, đề nghị thanh tra hai nội dung là các dự án công nghệ thông tin và cổ phiếu rác, tình trạng đẩy giá chứng khoán, làm giả báo cáo tài chính, tạo doanh thu lợi nhuận giả, tạo vốn điều lệ ảo để bán giấy lấy tiền thực...
Theo VAFI, có nhiều loại cổ phiếu rác, cổ phiếu không đủ tiêu chuẩn niêm yết tại sàn HoSE nhưng được lựa chọn vào chỉ số VN30 trong 6 năm qua. Những cổ phiếu kém chất lượng này có đủ chiêu trò làm giá, thổi giá, thổi vốn điều lệ nhưng không bị ngăn cản phát hiện. "Các nhà đầu tư giá trị đã tránh xa cổ phiếu rác này, nhưng rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ không am hiểu chứng khoán, bị dụ dỗ lao vào giao dịch, để các chủ doanh nghiệp này có cơ hội bán giấy thu lợi hàng ngàn tỷ đồng", VAFI nhận định.
Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính cũng yêu cầu thanh tra tình trạng tạo doanh thu, lợi nhuận giả, tạo lập vốn điều lệ khống gấp hàng trăm lần giá vốn ban đầu, sau đó cho doanh nghiệp đó niêm yết và chủ doanh nghiệp bán giấy thu tiền.
Với loại hình doanh nghiệp này, có bán cổ phiếu với giá 1.000 đồng/CP thì cũng thu lợi rất nhiều, tuy nhiên không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ sập bẫy vì tưởng giá hấp dẫn.
Ngoài ra, VAFI cũng cho rằng có hàng ngàn tài khoản giao dịch được mượn đứng tên từ người lao động trong doanh nghiệp, người thân, nhưng giao dịch hàng ngày là do công ty chứng khoán thực hiện.
"Cần thiết phải có đợt thanh tra toàn diện để tình trạng thao túng, trục lợi cổ phiếu giảm dần, bảo đảm thực thi pháp luật chứng khoán nghiêm minh và củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư và cộng đồng các công ty niêm yết. Có như vậy thị trường chứng khoán Việt Nam mới thực sự nâng hạng", VAFI khẳng định.
Hậu quả khôn lường
Nói về những chiêu trò nhằm thao túng thị trường chứng khoán, giới chuyên gia cho rằng, thực trạng này sẽ để lại nhiều hậu quả khôn lường. Trong đó, thiệt hại trước mắt là làm đảo lộn diễn biến thị trường, khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ dễ gánh thiệt hại nặng về tài sản.
Còn xa hơn, các vụ việc thao túng thị trường chứng khoán, lan truyền thông tin sai sự thật trên mạng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin, lợi ích của nhà đầu tư, tính bền vững, công khai, minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam. Với khối lượng giao dịch trên TTCK hiện còn tương đối nhỏ thì việc thao túng giá cổ phiếu tương đối lớn. Mặc dù thời gian qua có nhiều vụ việc thao túng giá bị phát hiện và xử phạt nhưng với chế tài của Việt Nam còn rất thấp, chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi thì chưa đủ tính răn đe.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lãi suất tiết kiệm hạ thấp, dòng tiền đổ nhiều hơn vào chứng khoán khiến chỉ số không ngừng tăng nóng. Nhưng những trồi sụt thất thường gần đây cho thấy thị trường tăng trưởng chưa vững chắc, tiềm ẩn nguy cơ đầu cơ, thao túng giá.
“Thị trường chứng khoán được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế. Mà muốn đo lường được chính xác thì giá cổ phiếu phải phản ánh đúng giá trị nội tại của doanh nghiệp và phản ánh tương đối chính xác biến động của nền kinh tế. Thực tế hiện nay, khi dịch COVID-19 diễn biến bất thường, cả nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cũng lao đao, thì chứng khoán lại không ngừng tăng nóng, nhiều phiên trồi sụt thất thường, khiến giới nhà đầu tư lo lắng”, chuyên gia chia sẻ.
Theo chuyên gia chứng khoán Hoàng Việt Cường, chuyện thao túng trên thị trường là có thể có xuất hiện ở một số thời điểm của thị trường. Nhà đầu tư luôn phải có chiến lược cho phù hợp, mua mã nào, bán mã nào trước, lựa những mã có tiềm năng để vượt qua giai đoạn khó của thị trường.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Nguyễn Hoàng Hải cho rằng đã đến lúc mở chiến dịch thanh tra toàn diện để tình trạng thao túng trục lợi cổ phiếu giảm dần, bảo đảm thực thi pháp luật chứng khoán nghiêm minh và tăng cường củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư chứng khoán và cộng đồng các công ty niêm yết.
“Chỉ có cách làm sâu sắc như trên thì thị trường chứng khoán Việt Nam mới thực sự nâng hạng”, ông Hải nhấn mạnh.
Lời khuyên dành cho các nhà đầu tư cá nhân là cần tỉnh táo, không nên để lòng tham dẫn dắt với tâm lý muốn làm giàu nhanh hay chỉ thích lao vào đầu tư những cổ phiếu tăng trần liên tục với các thông tin ảo, thiếu xác thực
Những pha “làm xiếc” phải trả giá
Ủy ban Chứng khoán vừa xử phạt hành chính ông Lê Mạnh Thường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và Phát triển Đức Quân (FTM) và bà Phạm Thị Phương. Mỗi người bị phạt 600 triệu đồng do hành vi thao túng giá cổ phiếu FTM.
Hai cá nhân này đã sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả, thao túng cổ phiếu FTM.
Mã FTM từng gây rúng động thị trường với chuỗi hàng chục phiên tăng nóng, giảm sâu liên tiếp. Cụ thể, giao dịch ở vùng giá 24.000 - 25.000 đồng vào giữa năm 2019, nhưng chỉ sau hơn 1 tháng, thị giá cổ phiếu FTM giảm về dưới 4.000 đồng sau hơn 20 phiên nằm sàn liên tiếp. Mặt bằng giá “trà đá” này được duy trì nhiều phiên sau đó. Chốt phiên 13/9, cổ phiếu FTM đứng mức 3.290 đồng/cổ phiếu, và vẫn nằm trong diện bị kiểm soát.
Trước đó, cơ quan quản lý chứng khoán cũng ra quyết định xử phạt hành chính ông Nguyễn Quang Vinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) số tiền 550 triệu đồng, vì đã sử dụng nhiều tài khoản để tạo cung cầu giả, thao túng cổ phiếu.
Quyết định xử phạt nêu rõ ông Vinh bị phạt số tiền 550 triệu đồng vì đã sử dụng 35 tài khoản để liên tục mua, bán, giao dịch khớp chéo cổ phiếu của CTCP Nông nghiệp và Công nghệ cao Trung An (mã TAR) giữa các tài khoản với nhau, mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu.
Tháng 12/2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 600 triệu đồng đối với một cá nhân trú tại Hà Nội vì sử dụng 29 tài khoản để thao túng cổ phiếu của một công ty sản xuất cà phê.
Theo công bố của cơ quan chức năng, ông Lê Văn Hoan (Quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) đã sử dụng 29 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của Công ty cổ phần Minh Khang Capital Trading Public (mã CTP).
Do hậu quả từ hành vi thao túng cổ phiếu CTP của ông Hoan gây ra chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan quản lý đã ra quyết định xử phạt hành chính ông này 600 triệu đồng vào ngày 30/11/2020.
CTP tiền thân là Công ty cổ phần Thương Phú thành lập năm 2010, vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu là sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê các loại. Hiện cổ phiếu CTP đang giao dịch dưới mệnh giá, mức 5.200 đồng/cổ phiếu.
Vì thao túng cổ phiếu, từng có lãnh đạo doanh nghiệp bị lãnh án tù. Đó là ông Trần Hữu Tiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mỏ và khoáng sản Miền Trung (mã MTM). Ông Tiệp đã có hành vi gian dối như thay đổi cổ đông, thay đổi nhân sự chủ chốt, nhờ người làm giám đốc nhận ủy quyền giao dịch tài khoản, sở hữu một số cổ phiếu… dùng các tài liệu giả của MTM đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
Ngoài ra, ông Tiệp còn chỉ đạo cấp dưới sử dụng 59 tài khoản giao dịch chứng khoán tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu MTM. Nhà chức trách xác định, tính đến thời điểm bị phát hiện có 1.156 người đứng tên sở hữu cổ phiếu “ảo” của MTM. Đồng thời, nhóm ông Tiệp và đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 56 tỷ đồng cho các nhà đầu tư cổ phiếu MTM, trong đó chiếm đoạt hơn 53 tỷ đồng của cổ đông.
Công an Hà Nội điều tra nhiều vụ có dấu hiệu thao túng thị trường chứng khoán
Công an TP Hà Nội mới đây nhận được thư cảm ơn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, xử lý vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán.
Theo đó, Phòng An ninh Kinh tế, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu đã xác minh, điều tra, giúp UBCKNN thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng trong vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự với mức phạt tiền cao.
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã điều tra truy tìm đối tượng phát tán tài liệu giả mạo. Căn cứ kết quả xác minh của Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, ngày 5/8, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã xử phạt đối tượng cung cấp thông tin sai sự thật và cung cấp công văn giả mạo trên mạng xã hội.