Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia: Trung Quốc liên tục gây hấn, các nước cần lên tiếng phản đối mạnh mẽ

(VTC News) -

Chuyên gia cho rằng, Trung Quốc liên tục gây hấn nhằm che giấu bất ổn trong nước, do đó các nước cần lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Liên tục bắt nạt các nước láng giềng

Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục thực hiện các hành vi ngang ngược, gây hấn với các nước láng giềng từ quân sự hóa ở Biển Đông, xung đột ở biên giới với Ấn Độ và đưa tàu ngầm vào vùng biển gần Nhật Bản, tự đặt tên cho các thực thể dưới nước ở vùng biển Hoa Đông gần với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà 2 bên đang có tranh chấp.

Trả lời VTC News, Tiến sĩ Hosoda Takashi, chuyên gia an ninh châu Á tại Đại học Charles (CH Séc) và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Đối ngoại Tokyo (Nhật Bản) nhận định, việc Trung Quốc có các hành động gây hấn với các nước láng giềng trong cùng thời điểm là nhằm thể hiện sức mạnh “cơ bắp”, với tiềm lực quân sự ngày càng được gia tăng.

Trung Quốc đang lợi dụng thời cơ, phô trương sức mạnh quân sự. (Ảnh: Getty Images)

Trung Quốc cho rằng nước này hiện có sức mạnh về quân sự, sẵn sàng thách thức trước các mối đe dọa, cũng như tăng cường gây áp lực lên các nước láng giềng ở những khu vực có tranh chấp.

Trung Quốc phớt lờ dư luận và cuộc chiến pháp lý của các nước, triển khai các tàu bảo vệ bờ biển với các tàu dân quân hàng hải và tàu đánh cá để ngăn chặn hoạt động kinh tế của các nước trong phạm vi lãnh hải mà nước này tuyên bố chủ quyền phi pháp.

Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh còn ngang nhiên diễn tập quân sự, tăng cường quân sự hóa các đảo nhân tạo bồi đắp, trong đó có việc triển khai máy bay chiến đấu phản lực J-11 hoặc máy bay ném bom Xian H-6, và lên kế hoạch công bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông”, Tiến sĩ Hosoda Takashi cho hay.

Theo chuyên gia Hosoda Takashi, Trung Quốc đang muốn thị uy sức mạnh của nước lớn, bắt nạt các nước láng giềng, đồng thời chứng minh cho người dân trong nước thấy khả năng của nhà cầm quyền trong việc giải quyết các vấn đề bên ngoài và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. 

“Trung Quốc luôn nhấn mạnh, trong thời gian dài nước này đã bị các nước o ép bởi vì khả năng lãnh đạo yếu và quân đội không đủ mạnh. Vì thế, Trung Quốc cần chớp lấy thời cơ, chứng tỏ sức mạnh của mình hơn bao giờ hết, nhất là khi các nước phải gồng mình để chống dịch COVID-19 và niềm tin người dân đối với chính quyền Trung Quốc bị giảm sút.

chuyên gia nhật nhật bản.jpg

Hành động gây hấn  khiến Trung Quốc hứng nhiều chỉ trích mạnh mẽ từ các nước láng giềng, ảnh hưởng xấu trên trường quốc tế.

Chuyên gia Hosoda Takashi

Bên ngoài, Bắc Kinh tăng cường áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, như gây hấn về quân sự, gây áp lực về kinh tế, ngoại giao… để gia tăng sức ép đối với các nước có tranh chấp về chủ quyền. Đồng thời, thực hiện đòn bẩy chính sách đối ngoại với các quốc gia đi ngược lại với lợi ích, không phù hợp với các nguyên tắc hay thách thức Trung Quốc.

Ở trong nước, chính quyền Trung Quốc mong muốn chứng minh sức mạnh đối với người dân thông qua việc giải quyết các vấn đề bên ngoài, bảo vệ chủ quyền của đất nước và các giá trị trước các mối đe dọa. Thế nhưng, những hành động gây hấn khiến Trung Quốc hứng nhiều chỉ trích mạnh mẽ từ các nước láng giềng, ảnh hưởng xấu trên trường quốc tế”, ông Hosoda Takashi phân tích.

Đồng quan điểm, chia sẻ VTC News, ông Ralph Cossa, Chủ tịch danh dự Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) nhận định, Trung Quốc giờ đây cho rằng nước này đủ mạnh để thể hiện tính răn đe của mình đối với các nước khác.

“Trung Quốc muốn nhắc nhở các nước rằng, họ là một quốc gia hùng mạnh. Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc cho rằng dùng sức mạnh ‘cơ bắp’ để bắt nạt các nước khác là cách làm tốt hơn nhiều so với biện pháp nhẹ nhàng, thuyết phục. Điều này cho thấy Bắc Kinh ngày càng không còn quá quan tâm đến sức mạnh mềm”, chuyên gia Ralph Cossa cho hay.

Đẩy áp lực từ trong ra ngoài

Chia sẻ với VTC News, chuyên gia Greg Poling, Giám đốc Cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) Mỹ cho rằng, COVID-19 khiến Trung Quốc hứng chịu chỉ trích từ bên ngoài và sẵn sàng hành động mạnh mẽ hơn ở nước ngoài để thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc ở trong nước.

Mặc dù đối mặt với khủng hoảng bên trong, song Bắc Kinh đang hành xử quyết liệt hơn bao giờ hết trên tất cả các mặt trận biển Hoa Đông và Biển Đông, Đài Loan và biên giới Ấn Độ.

“Trong ngắn hạn, Trung Quốc đang phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Về lâu dài, động cơ đó rất rõ ràng. Trung Quốc muốn kiểm soát tất cả các vùng biển, đáy biển và không phận ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, nước này muốn kiểm soát các vùng nước xung quanh đảo Senkakus ngay cả khi Bắc Kinh không chiếm đóng trên thực tế. Hơn nữa, Trung Quốc cũng muốn Ấn Độ chấp nhận rằng Trung Quốc là cường quốc ưu việt trong khu vực và có cách hành xử phù hợp”, chuyên gia Greg Poling cho hay.

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam trên Biển Đông.

Theo Tiến sĩ Hosoda Takashi, Trung Quốc chịu áp lực lớn từ Mỹ và các nước phương Tây, khi lên tục bị đổ lỗi cho việc đã làm bùng phát đại dịch COVID-19. Và trên thực tế, dù Bắc Kinh đã sớm ra khỏi dịch bệnh, nhưng ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế nước này là khủng khiếp.

“Sức sống nền kinh tế của Trung Quốc bị giảm sút và số người thất nghiệp từ các vùng nông thôn gia tăng. Điều này rất nghiêm trọng đối với Bắc Kinh vì sức mạnh của chính quyền Trung Quốc phụ thuộc vào mức độ hài lòng của người dân về tăng trưởng kinh tế”, chuyên gia nói.

Tiến sĩ Hosoda Takashi cho rằng, trong bối cảnh như vậy, nhà cầm quyền ở Trung Quốc chủ đích tạo ra "cuộc khủng hoảng bên ngoài" để hướng lái sự chú ý của dư luận, đồng thời thể hiện sức mạnh của nước này không hề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hay áp lực từ nhiều phía tại thời điểm hiện nay.

“Bắc Kinh cần tạo ra cuộc khủng hoảng bên ngoài để hướng lái sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước khỏi sự đình trệ và giảm sút về tăng trưởng kinh tế trong nước, đồng thời muốn cho thấy chính quyền Trung Quốc đủ sức mạnh để chống lại các mối đe dọa hoặc thách thức từ bên ngoài.

chuyen gia mỹ.jpg

Gây hấn liên tục với các nước là hành động khôn ngoan về chiến thuật trong ngắn hạn, song sẽ là sự "dại dột" về mặt chiến lược.

Chuyên gia Ralph Cossa

Đặc biệt, ông Tập Cận Bình cần củng cố vai trò lãnh đạo, nâng cao uy tín cá nhân trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu bất ổn từ nội bộ. Do đó, ông Tập Cận Bình phải chứng minh sức mạnh, uy lực của Trung Quốc trước các nước láng giềng và xa hơn nữa là trên trường quốc tế”, ông Hosoda Takashi nhận định.

Chuyên gia Ralph Cossa cho rằng, đây là thời điểm không thể thuận lợi hơn để Trung Quốc chứng tỏ sức mạnh quân sự, sự lấn lướt trước các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, theo Chủ tịch danh dự của Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc CSIS, điều này không cho thấy sự “khôn ngoan” trong chiến lược lâu dài của Bắc Kinh.

“Rõ ràng, ông Tập Cận Bình cho rằng thế giới bị phân tâm bởi cuộc chiến chống lại dịch COVID-19 và nhận thấy đây là thời điểm tốt để Trung Quốc phô trương sức mạnh ở khu vực và trên thế giới. Điều này dường như là sự khôn ngoan về mặt chiến thuật trong ngắn hạn, song sẽ sự dại dột về mặt chiến lược trong dài hạn”, chuyên gia Ralph Cossa nhận định.

Chuyên gia hiến kế ngăn chặn Trung Quốc gây hấn

Đề cập đến đối sách của các nước trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng leo thang căng thẳng, bắt nạt các nước láng giềng, chuyên gia Greg Poling cho rằng cần có những biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao quốc tế trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc.

“Cần cô lập Trung Quốc như cách Nga đã phải gánh chịu sau sự kiện sáp nhập Crimea và hỗ trợ cho các lực lượng bán quân sự ở miền Đông Ukraine. Một khi Bắc Kinh nhận thấy các hành động của mình ở châu Á làm suy yếu tham vọng trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu, nước này sẽ tính toán lại trong sách lược của mình. Nếu không, Trung Quốc sẽ tiếp tục các hành động như trên”, chuyên gia Greg Poling cho biết.

Theo ông Ralph Cossa, các nước cần phải lên án mạnh mẽ những hành vi mang tính khiêu khích, hiếu chiến của Trung Quốc, thậm chí là quốc tế hóa và đưa vấn đề ra các diễn đàn đa phương để phản đối Trung Quốc.

“Tất cả các quốc gia bị Trung Quốc đe dọa, bắt nạt bởi các hành động gây hấn cần lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Đặc biệt, cần đưa những hành động hiếu chiến này của Bắc Kinh ra các diễn đàn quốc tế, đa phương như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN và thậm chí tại Đại hội đồng Liên hợp quốc…, để lên án trước sự ngang ngược của Trung Quốc”, chuyên gia Ralph Cossa gợi mở.

Trong khi đó, Tiến sĩ Hosoda Takashi nhận định, cộng đồng quốc tế khó có thể thay đổi hành vi hiện tại của Trung Quốc bởi những những hành động mà nước này đã và đang thực hiện xuất phát từ nhu cầu chính trị trong nước cũng như tham vọng chiến lược, mưu đồ bành trướng ra bên ngoài.

“Thật vậy, chúng ta có thể thấy Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia Hong Kong mặc dù bị phần còn lại của thế giới phản đối hoặc yêu cầu Bắc Kinh xem xét lại quyết định của mình.

Vì vậy, những gì chúng ta phải làm là nỗ lực để chuẩn bị trước những thách thức tiếp theo của Trung Quốc thay vì cố gắng thay đổi hành vi của nước này. Tất nhiên, chúng ta cần tiếp tục lên tiếng và bày tỏ quan ngại trước các hành vi gây hấn của Trung Quốc bằng nhiều biện pháp phi quân sự như kinh tế, ngoại giao…”, Tiến sĩ Hosoda Takashi cho hay.

Video: Thế giới chỉ trích Trung Quốc hung hăng ở biển Đông 

Bên cạnh đó, theo Hosoda Takashi, các nước trong khu vực cần đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với nhau, nhất là trên các lĩnh vực trao đổi, chia sẻ thông tin, tăng cường các hoạt động về hàng hải và hải quân để đối phó lại các thách thức, đe dọa từ Trung Quốc.

“Các nước cần tăng cường hợp tác khu vực để cải thiện mạng lưới Tình báo, Giám sát và Trinh sát (ISR), phát hiện những thách thức tiếp theo của Trung Quốc càng sớm càng tốt. Đồng thời, tăng cường hợp tác của các đơn vị thực thi pháp luật trên biển, tiến hành các hoạt động tuần tra chung nhằm đảm bảo tự do và an ninh hàng hải.

Các nước ASEAN cần thể hiện sự đồng thuận, nhất trí cao trong việc thông qua tuyên bố chung, yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng và thực thi nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), cũng như tiếp tục thúc đẩy tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trong mọi trường hợp, các nước cần bày tỏ ý định và khả năng chia sẻ mối quan tâm và cùng nhau giải quyết vấn đề”, chuyên gia Hosoda Takashi nhấn mạnh.

Kông Anh

Tin mới